Với mục tiêu đạt hiệu quả cao trong việc phát triển du lịch nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phát triển du lịch nông thôn được xem là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi Tọa đàm Phát huy giá trị tích hợp của du lịch nông thôn vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc thông tin: "Trên cơ sở báo cáo của 63 sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó, có 382 điểm, tức là khoảng 80% nằm trên địa bàn nông thôn”.
Thực tế cho thấy, hoạt động này đã và đang được triển khai theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường du lịch. Đồng thời, nhiều đơn vị đã đáp ứng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, hoạt động nông nghiệp.
Tuy nhiên, để quá trình phát triển du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp kinh doanh tại nhiều địa phương cần khai thác tốt môi trường sinh thái đặc trưng của từng vùng, miền và thực hiện gắn liền với chuyển đổi số, hướng đến những cách làm đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn vẫn cần được cải thiện. Bởi nhiều địa phương mới dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày nên các sản phẩm du lịch còn đơn giản, thiếu tính chất chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền.
Trước tình hình trên, các đơn vị làm du lịch cần phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, đẩy mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2025, các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn được chuẩn hóa, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm đến được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Từ đó, hướng đến việc có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Song song với đó là tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, hướng đến có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
(Theo NDO)