Để kích cầu tăng trưởng du lịch, trong tháng 7/2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục truyền thông, quảng bá thúc đẩy du lịch nội địa và du lịch quốc tế trên website du lịch quốc gia tại địa chỉ: https://vietnamtourism.gov.vn/ và http://vietnam.travel. Đồng thời, thông tin du lịch cũng được cập nhật liên tục trên các trang mạng xã hội phổ biến (Facebook, Instagram, Youtube, Zalo…).
|
Truyền thông, kích cầu du lịch trên các nền tảng số.
|
Cụ thể, trên các website và mạng xã hội cung cấp thông tin về các sự kiện nổi bật của Việt Nam như: Ra mắt cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới, xếp hạng nhà hàng thông qua hệ thống "sao" có tên gọi MICHELIN Guide Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng. Theo đánh giá của cẩm nang này, "Nén Danang” là nhà hàng Việt Nam đầu tiên đoạt sao Michelin xanh. Đồng thời, các điểm đến lý tưởng tại Việt Nam như: Sương sớm ở Đà Lạt; Đêm Hạ Long; Đồi chè Mộc Châu; Hội An và Đà Nẵng lọt top 10 thành phố lý tưởng dành cho dân du mục kỹ thuật số, Hang Sơn Đoòng là một trong 7 kỳ quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới... tiếp tục được truyền thông quảng bá.
Trên website của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng thông tin về nhiều hoạt động, sự kiện đáng chú ý của các địa phương như: Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang; Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024; Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển du lịch ven sông Sài Gòn; Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch; Quảng Bình thu hút khách du lịch bằng tàu hỏa; Phú Yên kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch đến các tỉnh; Quảng bá, xúc tiến du lịch Tuyên Quang tại Đà Nẵng...
Ngoài ra, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tăng cường truyền thông, quảng bá về bảo vệ môi trường du lịch, bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, hướng tới phát triển du lịch tái tạo, "Net zero” thông qua các sự kiện như như: Chiến dịch làm sạch biển tại Mũi Né (Bình Thuận); Chương trình xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn; Lâm Đồng công bố giải chạy địa hình chinh phục núi Brăh Yàng năm 2025 - "Brăh Yàng Trail Summit 2025”...
Đặc biệt, trong tháng 7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành "Bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số quốc gia về Quản trị và kinh doanh du lịch” làm cơ sở để tiến hành thẩm định, đánh giá và công bố nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch trong thời gian tới.
Để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch triển khai bán vé trực tuyến trên ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” từ tháng 7/2024. Hiện nay, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã hỗ trợ nhiều điểm di tích, điểm tham quan áp dụng hệ thống vé điện tử này, tiêu biểu có Văn Miếu - quốc Tử Giám, Đền Quán Thánh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia...
Tháng 8/2024, các sự kiện du lịch lớn được tập trung quảng bá gồm: Chương trình "Những ngày Hà Nội tại tỉnh Điện Biên”, "Du lịch, Điện ảnh và Thể thao – Tự hào bản sắc Việt”; Chương trình du lịch "Qua những niềm di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024; Giải Golf mở rộng BRG Open Golf Championship 2024 tại Đà Nẵng và Ngày hội du lịch "Văn hóa chợ nổi Cái Răng” lần thứ VIII năm 2024.
(Theo Báo Tin tức)
Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới, UNESCO đã chính thức công nhận La Via Appia, còn được gọi là "Regina Viarum" hay "Nữ hoàng của các con phố,” là Di sản thế giới.
Bắt đầu từ ngày 01/08/2024, Hải Phòng sẽ chính thức điều chỉnh mức phí tham quan tại nhiều điểm du lịch, với mức tăng mạnh nhất tập trung tại quần đảo Cát Bà.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
2 di tích Hải Vân Quan và An Lăng sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/8/2024.