Đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải vào tháng 9, tháng 10 này, lúa bắt đầu chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, là thời điểm đẹp nhất trong năm. Dọc quốc lộ 32 đến các điểm du lịch như: đèo Khau Phạ, cầu Ba Nhà, khu thị tứ Ngã Ba Kim đến trung tâm thị trấn huyện đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu, pano, áp phích, cờ hoa rực rỡ chào mừng Quốc khánh 2/9 và hướng tới các hoạt động Lễ hội mùa vàng và
Lễ hội Sơn tra lần đầu tiên tổ chức vào dịp này.
Ông Lê Xuân Dương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND huyện về việc tổ chức các hoạt động Tết Độc lập 2/9, Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất năm 2024, Trung tâm đã chủ động xây dựng các nội dung, chương trình, kịch bản chi tiết cho từng các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội.
"Trung tâm đã huy động toàn bộ nhân lực tập trung trang trí khánh tiết, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng; xây dựng kịch bản chương trình, tổ chức cho các diễn viên, nghệ nhân luyện tập; xây dựng thiết kế sân khấu phục vụ khai mạc các chương trình trong khuôn khổ Lễ hội đảm bảo theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra”.
Dịp này, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui Tết Độc lập 2/9 sôi nổi, hấp dẫn và đặc sắc. Các hoạt động chủ yếu sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến 3/9 như: Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập với chủ đề "Dáng hình đất nước”; Hội thi nghệ thuật quần chúng với sự tham gia của đội văn nghệ mang đậm bản sắc; thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc; Chợ phiên vùng cao suốt dịp nghỉ lễ và Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng" sẽ khai mạc ngày 1/9…
Nét mới của Festival dù lượn năm nay là Ban tổ chức sẽ trao giải cho phi công dù lượn hạ cách chính xác nhất. Du khách được tham quan trình diễn dù lượn Paramotor (loại dù có động, kéo cờ, thả khói, tạo hình) và cũng có thể cùng trải nghiệm bay dù lượn. Đây luôn là điều thú vị đối với những ai yêu thích bộ môn mạo hiểm để được chiêm ngưỡng và khám phá mùa vàng từ trên cao khi đến với Mù Cang Chải. Hoạt động bay dù lượn sẽ kéo dài từ 15/8 (tức trước cả ngày khai mạc) đến hết tháng 10.
Các hoạt động Lễ hội mùa vàng năm 2024 và Lễ hội Sơn tra huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên tổ chức sẽ khai mạc vào 20h tối ngày 6/9. Tâm điểm của sự kiện sẽ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại sơn tra” với sự tham gia của 6 đoàn diễu diễn đường phố biểu diễn các điệu dân vũ mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông, Thái của huyện Mù Cang Chải, cùng xe chở mô hình quả, cây sơn tra (táo mèo) và các sản phẩm chế biến từ sơn tra.
Dịp này, huyện cũng sẽ công bố quyết định của Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các lễ hội được công nhận: "Lễ hội mùa vàng”, Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng”, "Lễ hội giã bánh dày” và Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Hội thi giã bánh dày của người Mông huyện Mù Cang Chải.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho hay, cùng với các hoạt động Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra năm 2024, huyện còn tổ chức Hội thảo du lịch Mù Cang Chải năm 2024 với chủ đề "Mù Cang Chải - điểm đến "Bản sắc - An toàn - Thân thiện" nhằm tranh thủ các ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành cho việc xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ theo hướng "Bản sắc - An toàn - Thân thiện", đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thông về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Mù Cang Chải một cách sâu rộng, hiệu quả.
"Một trong những điểm nhấn trong các hoạt động lễ hội năm nay là Lễ hội Sơn tra lần đầu tiên tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, công dụng của quả sơn tra, các sản phẩm dược liệu, thực phẩm, ẩm thực chế biến từ sơn tra. Qua đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại về sản phẩm này và giúp người dân phát triển kinh tế một cách bền vững” - ông Bình chia sẻ.
Lễ hội sơn tra sẽ diễn ra với các hoạt động Hội thi "Hương sắc Sơn tra” kết hợp với Hội thi ẩm thực "Hương vị sơn tra" và thi trang trí không gian trưng bày sơn tra đẹp; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ sơn tra của các địa phương tạo những điểm nhấn cho du khách.
Cùng đó là, giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” năm 2024, Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mông và các tour du lịch trải nghiệm sẽ được tổ chức ở các xã, thị trấn của huyện…
Chị em phụ nữ Mông thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Để tổ chức thành công các hoạt động Tết Độc lập 2/9, Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; rà soát, thống kê, tổ chức cho các cơ sở lưu trú, homestay, nhà hàng, quán ăn tại các điểm du lịch ký cam kết thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết công khai bảng giá, không để xảy ra tình trạng chặt chém du khách, góp phần xây dựng hình ảnh đất và người Mù Cang Chải thân thiện và mến khách.
Việc tổ chức Tết Độc lập 2/9, các hoạt động du lịch mùa vàng năm 2024 và Lễ hội sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất nhằm tiếp tục tôn vinh giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về cây sơn tra , sản phẩm đặc sắc của địa phương. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thu hút sự chung tay của toàn xã hội trong phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Đức Toàn