Du lịch xanh hay còn gọi là du lịch Net Zero đang là một xu hướng tất yếu. Từ khảo sát của Trip Advisor cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn...
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, với cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để phát triển du lịch xanh như: Kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn, xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon; cam kết chấm dứt nạn phá rừng...
Nhiều ý kiến cho rằng, những nỗ lực này không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà còn tạo điều kiện để ngành du lịch phát triển bền vững. Vì vậy, có không ít doanh nghiệp và địa phương cũng bắt đầu thay đổi và áp dụng các thực hành du lịch bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện do nguồn nhân lực để phát triển du lịch xanh còn thiếu; cơ sở dữ liệu, tiêu chí thực hành du lịch xanh chưa hoàn thiện, thiếu các chính sách để phát triển du lịch xanh...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, muốn phát triển du lịch Net Zero, trước tiên Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái du lịch Net Zero với sự tham gia của các bên liên quan: Chính phủ, doanh nghiệp đến du khách. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố cũng đã nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển du lịch Net Zero như phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh đến với du khách trong và ngoài nước; tổ chức các hội thảo, diễn đàn về du lịch xanh để tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch xanh tới từng doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ...
Dưới góc độ nhà quản lý dữ liệu, ông Nguyễn Thanh Hoà, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, dữ liệu số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thúc đẩy du lịch bền vững. Cụ thể, việc phân tích và ứng dụng dữ liệu cho phép tối ưu hóa lộ trình, giảm tiêu thụ nhiên liệu, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và các hình thức di chuyển xanh. Ngoài ra, các ứng dụng di động cũng giúp người dùng theo dõi lượng khí thải trong hành trình và lựa chọn phương án di chuyển hợp lý hơn khi đi du lịch để giảm lượng khí thải ra môi trường... Hoặc khi doanh nghiệp, du khách tích hợp tùy chọn bù đắp carbon vào hệ thống đặt vé trực tuyến cũng giúp du khách dễ dàng giảm thiểu tác động môi trường...
Tuy nhiên, nguồn dữ liệu về du lịch bền vững hiện vẫn còn hạn chế về cả cơ sở dữ liệu và nhân lực phát triển. Do đó, muốn xây dựng dữ liệu để thực hành du lịch Net Zero, trước tiên cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh chuyên biệt cho ngành du lịch để hỗ trợ nghiên cứu, hoạch định chính sách và phát triển sản phẩm du lịch xanh của Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Đối với Chính phủ, cần có chính sách khuyến khích phát triển dữ liệu lớn, tạo cơ hội cho ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái dữ liệu phục vụ mục tiêu Net Zero trong tương lai. Đối với các doanh nghiệp du lịch, cần cung cấp các dữ liệu nền sản phẩm du lịch xanh để xây dựng và hình thành nguồn dữ liệu chính thống cho khách du lịch…
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty du lịch TSTtourist cũng cho rằng, để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng du lịch xanh, Nhà nước cần có những gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án. Thêm nữa, Nhà nước cũng cần sớm ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho cả nước để làm điểm tựa pháp lý, từ đó các doanh nghiệp mới có cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.
(Theo Báo Tin tức)