Yên Bình tổ chức bảo tồn Lễ hội Cầu mùa

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/10/2024 | 1:44:56 PM

YênBái - Ngày 26/10, tại sân vận động xã Yên Thành, huyện Yên Bình tổ chức bảo tồn Lễ hội Cầu Mùa (12 con giáp) của người Dao quần trắng.


Mở đầu Lễ hội là nghi lễ Cầu mùa (nghi thức cúng 12 con giáp) - đây là nghi lễ quan trọng được thực hiện theo tín ngưỡng truyền thống bởi một thầy cúng chính và hai thầy cúng phụ. 

Theo quan niệm của người Dao, mỗi một tháng trong năm sẽ có một vị thần cai quản. 12 tháng tương ứng là 12 vị thần, mỗi vị thần sẽ trông nom một con giáp. Muốn gia đình bình yên, an lành và mùa màng bội thu thì hàng năm dân làng phải tổ chức cúng 12 vị thần của 12 con giáp. 

Thầy cúng gọi lần lượt từng con giáp về thụ lộc, các con giáp lần lượt ra trước ban thờ biểu diễn các hành động tượng trưng tính chất từng con vật. Tiếp đó, thầy cúng khấn cầu 12 con giáp và đưa vào miếu thờ để trông coi mùa màng theo mùa vụ.


Nghi lễ cúng 12 con giáp tại Lễ hội Cầu mùa

Trong không gian linh thiêng của lễ cúng, thầy cúng chính đại diện cho dân làng dâng lễ và khấn nguyện trước các vị tổ tiên và thần linh với hy vọng về một mùa vụ tốt đẹp, một cuộc sống hạnh phúc cho tất cả dân bản.

Sau khi thực hiện xong nghi lễ quan trọng sẽ diễn ra các điệu múa nghi lễ trước ban thờ thể hiện sự vui mừng, phấn khởi vì dân làng khi đã tổ chức nghi lễ Cầu mùa thành công và được thần linh chấp thuận. Đây cũng là biểu tượng của sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên, là thông điệp về sự cân bằng, hài hòa giữa trời và đất, giữa quá khứ và hiện tại.

Được biết, hàng năm Lễ hội Cầu mùa được các thôn, làng người Dao quần trắng duy trì tổ chức thường xuyên vào dịp đầu năm - ngày 2/2 (Âm lịch), giữa năm - ngày 6/6) và dịp cuối năm  (mồng 2/12 Âm lịch) để cầu mong các thần linh phù hộ. 

Vào khoảng những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, do nhiều yếu tố khách quan nên lễ hội không còn được thực hành trọn vẹn, các hộ gia đình duy trì nghi lễ ở quy mô nhỏ tại gia đình và giảm bớt số lần tổ chức. 

Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Cầu Mùa (12 con giáp), huyện Yên Bình và các sở, ngành liên quan đã tổ chức bảo tồn Lễ hội Cầu Mùa nhằm phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của cộng đồng người Dao nói chung và người Dao quần trắng xã Yên Thành, huyện Yên Bình nói riêng. 

Trong khuôn khổ Lễ hội, người dân và du khách cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao và tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, thi bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, thi làm bánh dầy, thi ẩm thực, thi đan rọ tôm… 

Các hoạt động trong lễ hội đã mang lại niềm vui, sự gắn kết cộng đồng, tạo không gian vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả.

Lễ hội Cầu mùa của người Dao quần trắng ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình không chỉ là một di sản văn hóa đơn thuần mà còn là bức tranh sống động về sự gắn kết giữa con người, thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Lễ hội thể hiện ước mơ của người Dao quần trắng về một cuộc sống tốt đẹp, no đủ, bình an, hạnh phúc. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của Lễ hội Cầu Mùa trở thành vấn đề cấp thiết, là điều vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ, gìn giữ nền văn hóa các dân tộc. 

Đó không chỉ là trách nhiệm với những thành quả mà các thế hệ đi trước để lại mà còn là cách để thế hệ trẻ hiểu về cội nguồn, trân trọng và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để những giá trị đó mãi mãi được lưu truyền.


Các tiết mục văn nghệ tại Lễ hội do bà con dân làng biểu diễn


Đông đảo người dân tham gia trò chơi Ném còn tại Lễ hội.

Thanh Chi - Hoài Văn

Tags Yên Bái Yên Bình người Dao quần trắng Yên Thành lễ hội cầu mùa

Các tin khác
Lai Châu có nhiều cảnh đẹp chờ du khách khám phá, tìm hiểu.

Đến với Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024, ngoài việc được tìm hiểu và trải nghiệm các hoạt động văn hóa hấp dẫn của 8 tỉnh Tây Bắc, du khách còn được tìm hiểu về mảnh đất, con người, những cảnh đẹp kỳ vĩ và những bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được xây dựng trên tiền đề của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến ưa thích của du khách quốc tế.

Cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa địa phương, điểm đến an toàn và thân thiện, giá cả phải chăng, kết nối giao thông thuận lợi... là những yếu tố giúp Việt Nam trở thành địa điểm thu hút khách du lịch từ các nước châu Á.

Lễ dâng hương cúng cơm mới Đền Nhược Sơn được tổ chức vào ngày 20/9 Âm lịch hàng năm.

Ngày 21 và 22/10 (tức 19 - 20 tháng Chín năm Giáp Thìn), tại Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia Đền Nhược Sơn, thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã diễn ra Lễ dâng hương cúng cơm mới để tưởng nhớ công lao to lớn của tướng quân người Tày Hà Chương cũng như gửi gắm những mong ước về cuộc sống được thuận lợi, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục