Đến với Lai Châu, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh núi non trùng điệp, những con đường đèo uốn lượn hay những nét văn hóa đặc trưng của chợ phiên vùng cao... Nơi đây, khách du lịch còn có cơ hội khám phá hang động kỳ bí Pu Sam Cáp, được mệnh danh là "Tây Bắc đệ nhất động".
Pu Sam Cáp là tên gọi dãy núi đá vôi dạng karst thuộc xã Nậm Lỏong, thành phố Lai Châu. Địa hình sườn núi thoai thoải đến dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc. Chính kiến tạo địa chất này đã tạo nên ở sườn Bắc dãy núi hàng chục hang động, suối ngầm kéo dài từ xã Nùng Nàng qua xã Nậm Lỏong đến xã Lản Nhì Thàng.
Trong tiếng Thái "Pu Sam Cáp” có nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau. Địa danh này ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ bởi thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những dấu tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Phong Thổ, Tam Đường và ghi lại nhiều dấu ấn của các dân tộc bản địa.
Quần thể hang động Pu Sam Cáp nằm men theo đường tỉnh lộ 129 đi cao nguyên Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố Lai Châu chưa đến 10km về phía Tây, trên độ cao 1.700m so với mực nước biển.
Để tới được Pu Sam Cáp có nhiều cách, tuy nhiên xe khách vẫn là sự ưu tiên, bởi an toàn và chi phí rẻ. Từ Hà Nội, có các tuyến xe khách từ Mỹ Đình hoặc Giáp Bát đến Lai Châu với các loại vé ngồi, vé giường nằm, giá vé dao động trong khoảng 300.000-420.000 đồng. Khi tới trung tâm thành phố Lai Châu, du khách có thể đi taxi hoặc xe ôm chở đến Pu Sam Cáp, quãng đường vào khoảng 7km.
Còn nếu du khách thích trải nghiệm đổ đèo ở Lai Châu, thì có thể di chuyển theo quốc lộ 32, qua Nghĩa Lộ, đèo Khau Phạ đến Tân Uyên. Khi đến ngã ba Bình Lư thì du khách tiếp tục rẽ trái để tới quốc lộ 4D và đi thẳng để tới Lai Châu. Với lộ trình này, quãng đường di chuyển khoảng 420km.
Danh thắng Pu Sam Cáp được mệnh danh là "Tây Bắc đệ nhất động” với 3 động chính: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Trong đó có hai hang động lớn Thiên Môn và Thiên Đường đã được đưa vào khai thác du lịch.
Men theo bậc đá đi lên núi để bắt đầu chuyến khám phá, du khách sẽ đến động Thiên Môn trước. Một vòm cửa lớn và sâu hun hút hiện ra, trung tâm động là vòm hang cao rộng. Nền hang rộng khoảng 6.000 m2, tương đối bằng phẳng, xen kẽ là những vũng nước.
Giữa mùa hè oi bức bước vào trong du khách sẽ cảm nhận được sự mát lạnh tỏa ra từ đá và lời thì thầm khe khẽ của gió đại ngàn. Nhiều cột nhũ thạch từ trên trần hang rủ xuống và từ dưới lòng đất đâm lên hàng vạn mầm đá.
Đặc biệt, trong nền động có rất nhiều viên đá li ti óng ánh, đây là sự kết tinh của những dòng nước chắt lọc từ đá qua hàng triệu năm.
Rời động Thiên Môn, phải mất chừng nửa tiếng luồn rừng, len lỏi qua những hàng cổ thụ còn nguyên nét hoang sơ, có nơi phải bám vào dây leo hay men theo sườn vách đá, du khách mới đến được động Thiên Đường.
Thiên Đường - cái tên đã phần nào nói lên vẻ đẹp của hang động này. Ngay cửa động là hình dạng một con sư tử đá sừng sững, oai nghiêm như một người bảo vệ trung thành. Đi tiếp xuống du khách sẽ thấy những đường cong uốn lượn dưới nền động như những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc vùng cao.
Những khối nhũ được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí.
Không gian trong động tĩnh mịch, thâm nghiêm như lạc vào chốn thiền môn, cảm giác lắng đọng đến từng bước chân. Trí tưởng tượng sẽ được phát huy tối đa khi ta bắt gặp những khối nhũ được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí.
Có cột nhũ đá như cột thủy tinh sừng sững, hoa văn tự nhiên nhưng rất tinh xảo như được chạm khắc bởi bàn tay điêu luyện. Lại có những khối nhũ như được làm dở dang trong lò gốm với những vết men rạn sần sùi. Phía trên vòm động một cột nhũ đá rủ xuống như chiếc lọng và người dân quen gọi là "lọng thiên”...
Điều thú vị là khi ở những hang động khác, du khách ít có dịp tiếp cận với nhiều loại thạch nhũ thì tại Pu Sam Cáp, du khách có thể đến tận nơi, chạm tay vào những nhũ đá được hình thành qua hàng triệu năm kiến tạo của đất trời.
Ngoài hai động chính, Thủy Tinh cũng nằm trong quần thể hang động Pu Sam Cáp. Do vị trí không thuận lợi, chưa đáp ứng được các điều kiện an toàn để đón khách du lịch, nên cho đến nay, động Thủy Tinh vẫn chưa được đưa vào khai thác. Vậy nên, động Thủy Tinh vẫn là một ẩn số, chứa đựng những điều kỳ bí, hứa hẹn những bất ngờ đối với du khách ưa mạo hiểm…
Cùng với hệ thống hang động, khu vực Pu Sam Cáp còn có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Thảm thực vật tạo thành 2 tầng: tầng dưới gồm mạy tèo, ô rô, các loại cây họ gai; tầng trên gồm vàng kiêng, sấu, trai, nghiến với nhiều sản vật quý hiếm, nhiều cây thuốc có giá trị. Động vật, có nghiên cứu cho rằng, nơi đây có tới hơn 200 loài chim… Tài nguyên rừng nơi đây đã góp phần điều hòa môi trường sinh thái và nuôi sống nhiều thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất này.
Từ năm 2007, quần thể danh lam thắng cảnh Pu Sam Cáp đã được khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan của di khách. Tuy nhiên, đến nay hệ thống hang động Pu Sam Cáp vẫn còn mộc mạc và hoang sơ.
Cảnh quan kỳ bí của hệ thống hang động Pu Sam Cáp quyến rũ du khách.
Để hướng dẫn khách du lịch, mới chỉ có vài tấm biển chỉ đường. Tại các hang động cũng chỉ mới hình thành một số bậc thang ăn vào nền đá, một số dây vịn thô sơ dọc lối đi, hệ thống đèn chiếu còn khá sơ sài… Có thể nói sự đầu tư chưa tương xứng với vẻ đẹp kiều diễm của Pu Sam Cáp.
Mặc dù vậy, với danh xưng "Tây Bắc đệ nhất động”, hệ thống hang động Pu Sam Cáp đang ngày càng thu hút khách du lịch. Du khách tìm đến nơi đây để được chạm tay vào những nhũ đá hoang sơ có từ thời nguyên thủy…
(Theo CLO)