Thành phố Yên Bái phát triển du lịch tâm linh gắn với bảo tồn văn hóa

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/4/2025 | 8:23:44 AM

YênBái - Những năm qua, thành phố Yên Bái phát triển du lịch tâm linh thông qua các lễ hội truyền thống linh thiêng tổ chức ở đền, chùa thu hút đông đảo người dân và du khách góp phần tôn vinh giá trị tâm linh, bảo tồn văn hóa, lịch sử dân tộc.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán.
Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán.

Thành phố Yên Bái hiện có 24 di tích trong đó có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh (4 di tích lịch sử cách mạng, 17 di tích đình, đền, chùa). Các hoạt động lễ hội đầu năm ở các di tích đình, đền, chùa trên địa bàn thành phố đã thu hút khoảng 10.000 lượt người đến tham quan chiêm bái, vãn cảnh và dâng hương cầu tài lộc, bình an.



Đền Mẫu Nam Cường được xây dựng từ năm 1923 thờ Thánh Mẫu Linh Từ, Trần Triều Hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương và Công chúa Liễu Hạnh để tỏ lòng thành kính và cầu phúc an dân. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến năm 1998, đình -  đền Nam Cường bắt đầu được tôn tạo, được nhân dân đóng góp xây dựng theo nét kiến trúc của đền - đình xưa kia. Đến năm 2005, UBND tỉnh Yên Bái công nhận đình - đền Nam Cường - chùa Vạn Thắng ở phường Nam Cường là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Cứ vào Rằm tháng Giêng hàng năm, Lễ hội Đền Mẫu Nam Cường được tổ chức trang trọng gồm phần lễ và phần hội. Mở đầu nghi lễ rước lễ, dâng hương Thánh Mẫu Linh Từ và Đức phật cầu cho mưa thuận gió hoà, phù hộ che chở muôn dân trăm họ năm mới an lành, người người hạnh phúc. Trong ngày lễ hội Đền Mẫu Nam Cường, Lễ thả chim cầu an trở thành nét đẹp văn hoá  tinh thần đầy ý nghĩa của nhân dân, thể hiện ước nguyện giữa con người với thế giới tự nhiên. Gia đình được các cụ cao niên cùng tất cả người dân trong phường chọn làm lễ thả chim phải đủ điều kiện khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt con cháu ngoan hiền, học hành đỗ đạt. 12 con chim bồ câu được thả với mong ước 12 tháng trong năm dân làng được bình an, hạnh phúc.

Ngay sau Lễ thả chim cầu an là lễ mừng thọ cho các cụ cao niên trong phường, thể hiện đạo lý "kính già yêu trẻ” truyền thống của người Việt Nam. Phường cũng tổ chức trao thưởng, tôn vinh cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập và tiến hành nghi lễ thả cá phóng sinh trên hồ trung tâm với mong muốn một năm tràn đầy hạnh phúc, thành công đến với muôn dân. Đồng thời nét đẹp văn hoá đặc sắc truyền thống được người dân và du khách mong chờ tại Lễ hội đền Nam Cường là hội đua thuyền thu hút nhiều người tham gia để rèn luyện sức khỏe và thể hiện tinh thần đoàn kết vượt qua những khó khăn gian khổ, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Bí thư Đảng ủy phường Nam Cường cho biết: "Trong năm 2024, khu vực Đình - Đền - Chùa Nam Cường bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 song để đảm bảo lễ hội diễn ra phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tâm linh của người dân và du khách, phường đã đề nghị và được thành phố chấp thuận tu bổ cơ sở vật chất tạo nên diện mạo khang trang của đình đền cũng như khu vực kè hồ xung quanh. Bên cạnh các hoạt động truyền thống thì Lễ hội cũng có thêm điểm mới là hoạt động hát dân ca quan họ trên thuyền, trên các mô hình sân khấu nổi, hát trên cầu… Hoạt động diễn ra trong Lễ hội mang đậm giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết, dấu ấn khó phai trong lòng nhân dân và du khách”.

Toạ lạc bên tả ngạn sông Hồng phường Yên Ninh, đền Tuần Quán từ lâu được biết đến là địa điểm linh thiêng cúng lễ cầu an của tín đồ phật tử thập phương, được xem như điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch tâm linh của người dân và du khách gần xa mỗi mùa lễ hội đầu xuân. cứ vào 3/3 Âm lịch hàng năm, nơi đây lại tổ chức Lễ hội giỗ Mẫu để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ công lao của Mẫu Liễu Hạnh - vị thần cao nhất thờ ở đền, thu hút hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.

Chị Đỗ Minh Trâm ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Gia đình tôi luôn giữ thói quen đi đền, chùa chiêm bái, cầu tài lộc, may mắn dịp đầu năm hay trong các lễ hội giỗ Mẫu. Để tỏ lòng thành kính, tôi dâng lên các ngài hương hoa, lễ vật cầu cho gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và bình an”.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và du khách mà còn trở thành nơi ghi dấu những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc, các chí sĩ yêu nước, là địa điểm tập hợp lực lượng, ủng hộ quyên góp phục vụ kháng chiến. Năm 2005, Đền Tuần Quán đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh - nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đa số nhân dân trong và ngoài tỉnh với nhiều di tích vật thể và phi vật thể còn lưu giữ. Sau phần tế, lễ dâng hương, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động gồm: thi bày mâm lễ dâng Mẫu, thi kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt... Thông qua hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân gian đã tạo cho ngày hội thêm sống động và thực sự trở thành nơi giao lưu văn hóa ý nghĩa đối với người dân và du khách thập phương.

Ông Lương Xuân Quyết - Chủ tịch UBND phường Yên Ninh cho biết: "Việc duy trì tổ chức Lễ hội không chỉ khẳng định việc tiếp nối, bảo tồn phát huy nét văn hóa đặc sắc tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc mà còn là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường quyết tâm hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”.

Những lễ hội truyền thống linh thiêng tổ chức tại các đền, chùa đã và đang phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, là các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh… gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa lâu đời như: đền Tuần Quán (phường Yên Ninh), đền Bà Áo Trắng (phường Hợp Minh), đền Nam Cường (phường Nam Cường)... tạo điều kiện để thành phố Yên Bái hướng đến mục tiêu kết nối vùng hình thành các tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa, cảnh quan, tham quan chiêm bái trở thành điểm đến lý tưởng hấp dẫn cho du khách thập phương.
Bùi Minh

Tags thành phố Yên Bái du lịch tâm linh bảo tồn văn hóa

Các tin khác
Du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm

Ngành du lịch Yên Bái đã có một quý đầu năm 2025 đầy khởi sắc với sự tăng trưởng ấn tượng về cả lượng khách và doanh thu. Sự phục hồi mạnh mẽ này khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của các điểm đến văn hóa, sinh thái tại Yên Bái, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Du khách trải nghiệm hoạt động sao chè tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

3 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Yên Bái đón phục vụ 742.335 lượt khách, đạt 37,1% kế hoạch; tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó: khách quốc tế đạt 83.582 lượt, đạt 27,9% kế hoạch, tăng 0,7; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 632,2 tỷ đồng, bằng 37,2% kế hoạch, tăng 16,9%.

Lễ hội Hạn khuống được phục dựng.

Là nơi quần tụ của cộng đồng các dân tộc Thái, Dao, Mông… cùng chung sống hiền hòa, thân thiện, với dân số trên 70.000 người, Nghĩa Lộ được biết đến là đô thị trẻ, giàu bản sắc văn hóa.

Du khách nước ngoài trải nghiệm gặt lúa tại huyện Trạm Tấu

Yên Bái – nơi quần tụ của 30 dân tộc anh em, mỗi dân tộc là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau. Trong định hướng, mục tiêu phát triển du lịch, tỉnh Yên Bái xác định các yếu tố văn hóa bản địa chính là nguồn tài nguyên giá trị, là “thỏi nam châm” để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực khai thác sự độc đáo của văn hóa bản địa các dân tộc để “thổi hồn” cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới, giúp du khách nước ngoài có thể “chạm” vào văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa riêng có của tỉnh Yên Bái một cách tinh tế và sâu sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục