Những năm gần đây, huyện Trấn Yên không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, từng bước xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Mô hình homestay Ngọc Liên của gia đình ông Nguyễn Ngọc Liên, bản Vần, xã Việt Hồng thành lập năm 2017. Lúc đầu cơ sở của ông chỉ cung cấp dịch vụ cho những mối quen biết như anh em, bạn bè. Khi nhiều người biết đến, ông đã đầu tư nâng cấp hệ thống khuôn viên, nhà cửa, quảng bá trên Facebook, Zalo, đồng thời trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương.
Giờ đây, mô hình homestay của gia đình ông Liên có thể phục vụ cùng lúc khoảng 30 khách lưu trú. Ngoài nhà sàn, ông còn đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà khép kín, bố trí thêm không gian tổ chức các hoạt động văn nghệ để đáp ứng nhu cầu khách ở tỉnh ngoài.
Ông Liên cho biết: "Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cán bộ xã thường xuyên giúp đỡ gia đình tôi xây dựng lịch trình các điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn. Hiện tại, mô hình homestay của gia đình tôi đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm du lịch OCOP 3 sao”.
Mô hình homestay của gia đình anh Hoàng Thanh Hiệp, bản Vần cũng mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm, song cũng để lại nhiều ấn tượng với du khách. Nhận thấy tiềm năng của địa phương trong phát triển mô hình du lịch sinh thái, anh Hiệp cải tạo lại ngôi nhà sàn với sức chứa khoảng 30 khách lưu trú. Ngoài ra, anh còn làm thêm hai nhà nổi trên ao cá để làm nơi khách thưởng thức ẩm thực đồng quê.
Khai thác lợi thế vùng dâu, làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Đình Xây, xã Báo Đáp đã xây dựng mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách tham quan trải nghiệm.
Ông Đào Tiến Khiêm - Trưởng thôn Đình Xây chia sẻ: "Chúng tôi đã xây dựng tổ hợp làng nghề với 40 hộ trồng dâu nuôi tằm trong thôn cùng tham gia. Lúc đầu chỉ đơn giản là phát triển nghề ngày một đi lên, nhưng khi các đoàn đến học tập, du khách cũng tới tham quan, trải nghiệm, chúng tôi đã tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm để tạo ấn tượng điểm đến. Giờ đây, không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà nhiều khách du lịch cũng ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống trồng dâu nuôi tằm của làng nghề”.
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, huyện Trấn Yên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ. Các lớp tập huấn kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp, giới thiệu văn hóa bản địa được tổ chức thường xuyên, giúp người dân địa phương từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch.
Các cơ sở homestay được đầu tư, cải tạo khang trang, nhưng vẫn giữ nét mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Các tour du lịch được thiết kế gắn với trải nghiệm nông nghiệp, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham quan làng nghề, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến với Trấn Yên.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh thông qua website, mạng xã hội, các hội chợ du lịch trong nước. Nhiều sự kiện văn hóa - du lịch quy mô cấp huyện và tỉnh được tổ chức, góp phần giới thiệu hình ảnh Trấn Yên năng động, đổi mới tới đông đảo du khách.
Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Để thực hiện mục tiêu đón khoảng 80.000 lượt khách vào năm 2030, Trấn Yên sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng du lịch, trong đó, chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng du lịch; phát triển hệ thống homestay đạt chuẩn, xây dựng sản phẩm OCOP kết hợp du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá giới thiệu các sản phẩm qua các hội chợ xúc tiến du lịch, các trang mạng xã hội và nền tảng số, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương”.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, huyện Trấn Yên đang hoàn thiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2025 - 2030, trong đó tập trung xây dựng thêm ít nhất 5 mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu; mỗi năm tạo ra từ 3 - 5 sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng; đào tạo mới 100 - 150 lao động du lịch địa phương; phấn đấu đón trên 60.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng trong năm 2025... Du lịch Trấn Yên đang từng bước góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các tour du lịch được thiết kế gắn với trải nghiệm nông nghiệp, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham quan làng nghề; các cơ sở lưu trú homestay được đầu tư, cải tạo khang trang, nhưng vẫn giữ nét mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến với Trấn Yên.
|
Thanh Tân