Đền Nhược Sơn
- Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm bên bờ sông Hồng, cách thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) chừng 41 km theo đường tỉnh lộ 151 là tới Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Nhược Sơn. Khu di tích này thuộc thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, là đền thờ võ tướng Hà Chương - một nhân vật có thật trong lịch sử, một võ tướng tài ba thời nhà Trần - đã có những đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Dâng lễ tại
Đền Nhược Sơn.
|
Khu di tích đã được xếp vào loại hình di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày 20 - 1 và 20 - 9 (âm lịch), nhân dân địa phương lại náo nức chuẩn bị cho công tác đón du khách thập phương. Thời gian gần đây, không chỉ người dân địa phương, trong huyện, trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh khác tìm đến với đền. Hai năm trở lại đây, đền Nhược Sơn khôi phục hoạt động lễ hội và thu hút du khách thập phương ngày một đông.
Người dân địa phương gọi đền Nhược Sơn bằng tên gọi khác là: Loòng Mẹac, Tại Mẹac. Theo "Hồ sơ di tích đền Nhược Sơn" (Hoàng Tiến Long, Bảo tàng tỉnh Yên Bái) thì vào tháng Hai năm Đinh Hợi 1287, hơn 30 vạn quân Nguyên Mông tiến đánh nước ta, đạo quân Nguyên Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy khi tháo chạy qua địa phận Phù Ninh đã bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương chỉ huy chặn đánh. Khi đuổi giặc tới A Lạp thì anh em Hà Đặc, Hà Chương bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh, Hà Đặc anh dũng hy sinh, Hà Chương bị bắt. Lợi dụng đêm tối và sơ hở của giặc, Hà Chương đã lấy cờ xí và y phục quân giặc trốn về, xin triều đình cho dùng cờ và y phục giả làm quân giặc tới quân doanh của chúng. Giặc bị tập kích bất ngờ không kịp đề phòng bị quân của Hà Chương đánh từ trong ra, quân Nguyên Mông tan vỡ, rút tàn binh về Vân Nam.
Theo gia phả của dòng họ Hà vốn gốc người Tày Khao, thuộc dòng Hà Đặc, Hà Chương thời Trần, nay tụ cư tại An Bồi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, khi đánh quân Nguyên, Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái và hy sinh. Theo lời các cụ cao niên tại xã Châu Quế Hạ, Hà Chương trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai đã đuổi quân Nguyên theo đường sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Hạ ngày nay chiêu mộ thêm binh sĩ tiếp tục truy kích và phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến, Hà Chương bị thương nặng rồi hy sinh và được đưa sang sông chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn.
Minh Tuấn
Các tin khác
Buôn M’Liêng, xã Đắc Liêng nằm sát bên hồ Lắk và tiếp giáp với những cánh rừng nguyên sinh - đây được xem là những điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn vào loại bậc nhất ở Tây nguyên.
Tháng ba, trời nóng như đổ lửa. Theo chu kỳ sinh học tự nhiên, những con nhộng sau thời gian ủ mình dưới đất, bỗng như có hẹn, cùng rủ nhau bò lên cây lột xác để biến thành ve sầu. Nhộng ve chỉ có một mùa duy nhất trong năm. Lúc khác muốn bỏ tiền ra mua cũng không có!
YBĐT - Đền Hạ thuộc phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang) được xây dựng vào năm 1738. Trải qua các thời kỳ, đền có nhiều tên gọi khác nhau, đời Lý gọi là đền Tam Kỳ, đời Trần có tên là Hiệp Thuận (lúc đó đền thuộc thôn Hiệp Thuận, xã ỷ La). Đến đời Hậu Lê đền mới có tên là Đền Hạ như ngày nay.
Quần thể du lịch Tam Cốc hiện có hơn 40 ngôi nhà mang nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ đang được quan tâm tu sửa mang dáng dấp một vùng văn hóa cổ để đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch.