Đón Tết cổ truyền ở Thái Lan & Campuchia

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2008 | 12:00:00 AM

Vào giữa tháng 4 dương lịch hằng năm, một số quốc gia theo dòng Phật giáo Tiểu thừa tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar cùng đón tết cổ truyền.

Có nhiều cách lý giải khác nhau về phong tục đón tết cùng lúc tại các quốc gia kể trên (một số địa phương tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng có phong tục đón tết cùng thời điểm này). Trong đó cách lý giải hợp lý nhất khi những quốc gia này chọn thời điểm đón tết nhằm xua đi những đợt nắng hạn đến cháy người trong những ngày tháng tư – lúc thời tiết khô hạn nhất trong năm - thời điểm trước khi đất trời chuyển vào mùa mưa lớn ngập tràn những khúc sông Mê Kông hùng vĩ.

 Một trong những điểm giống nhau trong dịp tết cổ truyền của các quốc gia kể trên là tập tục té nước, hình thức cầu cho mưa thuận gió hòa, gội sạch những điều không may trong năm cũ, cũng là hình thức vui chơi gắn kết cộng đồng, góp phần tạo cho kỳ nghỉ tết thêm vui vẻ, sinh động. Đây cũng chính là nét độc đáo tạo ấn tượng đối với du khách.

Tại Thái Lan, Tết Songkran diễn ra từ ngày 13.4 – 15.4 hằng năm. Cũng như bao dân tộc khác trên thế giới, tết là thời điểm mọi người, mọi nhà đoàn tụ vui vẻ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tu sửa chùa chiền tôn nghiêm, con cháu chúc phúc ông bà cha mẹ, cùng nấu những món ăn ngon... Vì đạo Phật là quốc giáo nên hầu hết những người Thái trong ngày tết đều đi viếng chùa để tắm Phật bằng cách vẩy nước thơm lên tượng Đức Phật. 


Người dân Campuchia cúng dường trong ngày đầu năm mới - Ảnh: Reuters

Trong những ngày này, đi ra đường mọi người thi nhau té nước vào nhau. Vật dụng có thể là vòi, bình, ly, xô, chậu, hoặc các loại bình xịt nước, súng nước... nói chung là sử dụng tất cả vật dụng đang có trong tay có thể chứa được nước, và có thể té nước vào tất cả mọi người đi trên đường, kể cả nguyên thủ quốc gia. Người được té nước ướt như chuột lột không những không khó chịu mà càng vui vẻ, vì quan niệm của người Thái là được tát nước vào người càng nhiều, năm mới sẽ càng may mắn, sung túc. Những chiếc xe ô tô, xe máy chở thanh niên nam nữ chạy dọc qua các đường phố để tham gia vào trò chơi này. Không những té nước, đây còn là dịp mọi người dùng phấn trắng bôi đầy mặt khá ngộ nghĩnh.

Du khách đến Thái Lan vào những ngày này sẽ chứng kiến không khí hội hè vui vẻ, đặc biệt tại những tuyến điểm nổi tiếng như Bangkok, Pattaya, Phuket. Để thu hút khách quốc tế, trong dịp tết ngành du lịch Thái Lan bày ra khá nhiều “trò” văn hóa lễ hội hấp dẫn. Tất nhiên, một trong những điều hơi bất lợi cho du khách là không có quá nhiều lựa chọn ẩm thực, mua sắm như những ngày bình thường. Đây là điều chúng tôi từng gặp trong những chuyến đón tết Thái Lan các năm trước. tết mà!

Tết cổ truyền Campuchia mang tên Chol Chnam Thmay cũng trùng thời điểm tết Thái Lan. Hoạt động đón tết mang tính cộng đồng chủ yếu diễn ra tại chùa, trường học, các khu vực sinh hoạt văn hóa... Khoảng năm ngày trước tết, người Campuchia đã bắt đầu đi viếng chùa, cúng dường. Dịp tết, hầu hết mọi người cùng đổ về chùa để tỏ lòng thành kính Đức Phật, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, ai càng đi nhiều chùa gắn dấu ấn cá nhân (như chùa gần nhà) và những ngôi chùa lớn thì càng có nhiều niềm tin năm mới được nhiều tiền-tài-lộc. Trước những ngôi chùa, trong dịp tết người Campuchia đắp năm núi cát hình chóp tượng trưng vũ trụ Meru, ai có nhu cầu tìm kiếm tình duyên - tài lộc thì đi quanh ụ cát khấn vái, cắm vào đấy những tờ riel (giấy bạc Campuchia). Những địa điểm khác thu hút nhiều người Campuchia trong dịp tết là Hoàng cung tại thủ đô Phnom Penh và cụm đền Angkor huyền thoại tại Siêm Riệp.

Đối với thanh niên nam nữ, đặc biệt là các thiếu nữ, trong dịp tết họ sẽ cùng nhau ăn mặc đẹp, nắm tay nhau nhảy vòng quanh theo điệu múa Lam Thon cùng các điệu múa khác vui nhộn. Âm nhạc trỗi lên khắp nơi, du khách cùng hòa vào ngày hội tưng bừng!

Tết Campuchia cũng có phong tục bôi mặt, tục té nước, nhưng không “hoành tráng” bằng Thái Lan vì từng có thời gian quốc gia này hạn chế té nước, nguyên nhân xuất phát từ các vụ tai nạn giao thông. Hiện nay có nhiều nơi, nhất là các tuyến điểm du lịch trong những ngày tết vẫn duy trì tập tục này.

(Theo TNO)

Các tin khác

Nước ta đi khắp trong Nam ngoài Bắc, đến đâu cũng có thể ăn được bánh cuốn. Nhưng đã đến Lạng Sơn thì càng không thể bỏ qua món ngon dân dã này

Sẽ phát động phong trào bảo vệ môi trường hồ Thác Bà.

YBĐT - Nằm trong khuôn khổ Chương trình du lịch về cội nguồn, Lễ hội Khám phá Thác Bà - 2008 dự kiến sẽ được tổ chức tại huyện Yên Bình và một số địa phương khác vào đầu tháng 5 tới đây.

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây là một ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học và chữa bệnh cho dân đồng thời cũng là người tổ chức và sáng lập ra môn đá cầu, đánh vật và múa rối nước. Chùa Thầy cùng với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hoá lịch sử thực sự tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn.

Khác với dịp Tết Mậu Tý vừa qua, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, hầu như không có công ty du lịch nào có chương trình khuyến mại đáng kể. Thế nhưng, vào thời điểm này, còn hơn 20 ngày nữa mới đến kỳ nghỉ mà tình trạng cháy tour du lịch, cháy phòng khách sạn và vé máy bay đã diễn ra, bất chấp giá các tour đều tăng từ 30 đến 50%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục