Du lịch hồ Thác Bà: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
- Cập nhật: Thứ năm, 26/4/2012 | 10:15:04 AM
YBĐT - Năm 2011, lượng khách du lịch đến với hồ Thác Bà và tỉnh Yên Bái tương đối khiêm tốn, tổng lượng khách đạt 357.000 lượt (trong đó khách nội địa đạt 349.000 lượt, khách quốc tế đạt 17.800 lượt), ngành kinh tế du lịch chưa đóng góp cho phát triển kinh tế nói chung và nâng cao đời sống người dân trong vùng.
Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và khí hậu trong lành, nếu được đầu tư, nơi đây sẽ là một khu nghỉ mát, du lịch hấp dẫn.
|
Hồ Thác Bà là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất ở nước ta (sau hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình và hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh) với 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Bên cạnh những đảo đất thấp có thể trồng cây rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả còn có những đảo núi đá vôi có cảnh quan thiên nhiên đẹp với những truyền thuyết và di tích đáng chú ý như núi Cao Biền, núi Chàng Rể, Thác Ông, đền Thác Bà, động Thuỷ Tiên và Hang Hùm. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và khí hậu trong lành, nếu được đầu tư, nơi đây sẽ là một khu nghỉ mát, du lịch hấp dẫn.
Hồ Thác Bà được hình thành từ năm 1970 khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà (nhà máy thuỷ điện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam) được xây dựng. Nằm trên địa bàn 2 huyện Lục Yên và Yên Bình, hồ Thác Bà có tổng diện tích mặt nước 19.050 ha, chạy dài gần 80 km và chiều ngang nơi rộng nhất lên tới 15 km.
Ngoài dòng sông Chảy là nguồn cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống ngòi lớn đổ về như ngòi Cát, ngòi Hung… tạo ra hệ sinh thái đa dạng cùng hệ thống hang động như hang Hùm là di tích trú ngụ của người cổ xưa thuộc nền văn hóa Bắc Sơn, động Thủy tiên, động Xuân Long, hệ thống đền, chùa như đền Thác Ông, đền Thác Bà, đền Đại Kại…
Những làng ven hồ của các dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Cao lan, Phù Lá vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo từ xa xưa. Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa thường diễn ra như lễ mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9/10 (âm lịch) khi tiết trời sang thu, hay lễ tết Nhảy của dân tộc Dao với những điệu nhảy miêu tả việc cấy lúa, làm nương mang đậm nét dân gian.
Núi Cao Biền, Thái Bảo, Chàng Rể là những dãy núi đá vôi lớn chạy dọc theo hồ Thác Bà. Những ai đã từng lên tới đỉnh núi hẳn không quên cảnh đẹp hữu tình của hồ Thác. Dọc theo dãy núi là hệ thống hang, động. Trong đó Động Thuỷ Tiên nằm sâu trong lòng núi gần 100m với những nhũ đá muôn hình vạn trạng là cái tên đã đi vào lịch sử của tỉnh Yên Bái.
Trong chiến thắng Thu Vật, tướng quân Trần Nhật Duật chỉ huy quân và dân ta đánh tan một đạo quân xâm lược trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Động Thủy Tiên (hay còn gọi là hang Tỉnh ủy) là nơi Tỉnh uỷ Yên Bái làm việc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Những năm gần đây, lượng du khách đến thăm quan thắng cảnh vùng hồ Thác Bà ngày một tăng. Anh Trần Ngọc Hà, một người đã 15 năm lái tàu chở khách du lịch trên hồ cho biết: “Trên vùng hồ hiện nay đã có 20 tàu chở khách du lịch hoạt động thường xuyên. Những ngày mùa đông, trời rét lượng khách du lịch đến đây ít nhưng mỗi tháng tôi cũng chở từ 5-10 đoàn khách thăm quan lòng hồ, còn ngày hè thì ở trên tàu cả tháng để phục vụ du khách”.
Được biết, du khách trong nước thường đến thăm quan khu vực Nhà máy Thủy điện Thác Bà, đền Thác Bà, đền Thác Ông và động Thủy Tiên, còn du khách nước ngoài ít đến thăm quan các đền chùa trên hồ mà thường chỉ đến Nhà máy Thủy điện Thác Bà, động Thủy Tiên và khu du lịch sinh thái Ngòi Tu và thường nghỉ lại ở các làng ven hồ qua đêm.
Mặc dù khách du lịch rất ấn tượng với vẻ đẹp hồ Thác Bà nhưng do nơi đây chưa có nét nổi bật về các loại hình dịch vụ đi kèm du lịch đặc trưng vùng, đặc biệt là dịch vụ du lịch còn hạn chế, ngoài ẩm thực, thiếu các loại hình giải trí, địa điểm giải trí, thiếu hướng dẫn viên du lịch có trình độ, kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, quảng bá du lịch hồ Thác Bà rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Năm 2011, lượng khách du lịch đến với hồ Thác Bà và tỉnh Yên Bái tương đối khiêm tốn, tổng lượng khách đạt 357.000 lượt (trong đó khách nội địa đạt 349.000 lượt, khách quốc tế đạt 17.800 lượt), ngành kinh tế du lịch chưa đóng góp cho phát triển kinh tế nói chung và nâng cao đời sống người dân trong vùng.
Để hồ Thác Bà thành điểm du lịch sinh thái mang đậm nét đặc trưng vùng miền và bản sắc các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái cần xây dựng điểm nhấn về cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí, có cơ chế xã hội hóa công tác du lịch để người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch, các cấp chính quyền, cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thu hút để các doanh nghiệp đến đầu tư... Có như vậy, Thác Bà mới trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương đem lại nguồn thu, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Hoàng Tuấn Minh
Các tin khác
Bờ đông sông Hàn là nơi lý tưởng của Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012. Trong những ngày này, việc lắp đặt khán đài đang được khẩn trương triển khai, dự kiến có thể đáp ứng được hơn 32.000 chỗ ngồi, tăng gấp nhiều lần so với những lần tổ chức trước.
Lễ công bố Vịnh Hạ Long là kỳ quan Thiên nhiên thế giới mới (New 7 wonders) sẽ diễn ra tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tối 27/4. Đặc biệt, buổi lễ sẽ có mặt đại diện UNESCO, dù tổ chức này từng thông báo khẳng định không liên quan gì tới New7wonders.
Ngày 23-4, UBND tỉnh Quảng Ninh họp báo về công tác chuẩn bị Tuần du lịch Hạ Long- Quảng Ninh 2012, chào mừng Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới và cắt băng khai trương dịch vụ phủ sóng Wifi tại TP Hạ Long.
Trong khuôn khổ chương trình du lịch "Về cội nguồn 2012" (do 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ phối hợp tổ chức từ ngày 27-4 đến 4-5), đáng chú ý là "Lễ hội trên mây" Sa Pa với nhiều hoạt động đặc sắc như Hội chợ Ẩm thực vùng cao Lào Cai, Ngày hội Văn hóa dân gian, Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đất và người Sa Pa"; trưng bày hoa, cây cảnh; Giải Quần vợt Cúp Fansipan 2012, Ngày hội Văn hóa bản Mông Cát Cát, tái hiện "Đêm chợ tình Sa Pa"…