Gần 50% máy tính chạy Windows ở Việt Nam nhiễm mã độc

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/6/2014 | 8:19:20 AM

Microsoft cho hay tỷ lệ này của Việt Nam cao gấp đôi so với mức trung bình của thế giới gần 22%.

Tim Rains, Giám đốc bộ phận Trustworthy Computing, của Microsoft chia sẻ với báo chí trong chuyến thăm trụ sở chính ở Redmond, Washington (Mỹ) đầu tháng 6 rằng hãng này đang giám sát hơn 600 triệu hệ thống máy tính chạy Windows trên toàn cầu.

Trong 3 tháng cuối năm 2013, đã có 21,6% trong số những hệ thống Windows này nhiễm các phần mềm độc hại. Riêng Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm lên tới gần 50%, cao thứ 5 thế giới sau Pakistan, Indonesia, Algeria và Ấn Độ. Loại mã độc phổ biến nhất trên máy tính tại Việt Nam là Trojan, chiếm 23% với vai trò chính là tiếp tay cho tin tặc điều khiển máy tính của người dùng từ xa và hình thành nên những mạng máy tính ma (botnet).

Nạn sử dụng phần mềm lậu phổ biến là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng lây nhiễm mã độc cao trên các hệ thống ở Việt Nam. Bên cạnh đó, số máy tính chạy hệ điều hành cũ, không còn được hỗ trợ kỹ thuật và cập nhật bản vá như Windows XP vẫn tương đối nhiều. Điều này đang khiến người sử dụng và các doanh nghiệp phải đối mặt với những hậu quả lớn như máy tính bị khống chế, bị ăn cắp dữ liệu quan trọng… .

Không ít người dùng trong nước cũng chưa được trang bị kỹ năng bảo mật tốt nên dễ dàng bị tin tặc lừa tải và cài đặt các tệp tin chứa Trojan, sâu, virus… khiến máy tính của họ bị kiểm soát để làm bàn đạp thực hiện tấn công từ chối dịch vụ, thu thập thông tin tài chính và thậm chí là để tống tiền nạn nhân. Microsoft thống kê rằng nạn "bắt cóc" dữ liệu trong máy tính của nạn nhân trên toàn cầu đã tăng 45% kể từ nửa đầu năm 2013. Tin tặc sẽ phát tán mã độc có khả năng mã hoá dữ liệu trên ổ cứng thiết bị, sau đó yêu cầu người dùng trả tiền chuộc nếu muốn được cung cấp khoá giải mã.

Tập đoàn phần mềm Mỹ cũng cho biết, trung bình mỗi giây lại có 12 người trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, tức hơn 1 triệu nạn nhân mỗi ngày và gần 400 triệu nạn nhân mỗi năm. Các cuộc tấn công trên mạng ước tính gây thiệt hại tới 113 tỷ USD cho người sử dụng toàn cầu mỗi năm.

Theo Bryan Hurd, Giám đốc trung tâm Digital Crime Unit của Microsoft, phòng chống tội phạm số giống như một cuộc đuổi bắt không có hồi kết. Trước tình trạng này, Microsoft đã thành lập trung tâm Cybercrime Center, nơi hoạt động của nhóm Digital Crime Unit bao gồm các kỹ sư, các chuyên gia bảo mật, các nhà phân tích dữ liệu, luật sư, đại diện của toà án, cảnh sát, chuyên viên tài chính… với mục tiêu hạn chế tội phạm trực tuyến, nạn sao chép phần mềm bất hợp pháp, nạn lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng và từ đó giúp Internet trở nên an toàn hơn.

Cybercrime Center nằm ở phía bắc trụ sở Microsoft và mới bắt đầu được mở cửa từ tháng 11/2013. Nơi đây được trang bị những giải pháp mới nhất được phát triển dựa trên công nghệ của Microsoft để chiến đấu với tội phạm công nghệ cao.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Sony vừa chính thức giới thiệu tới người dùng siêu phẩm Xperia T3 – smartphone được xem là mỏng nhất trong phân khúc điện thoại 5,3 inch.

CEO Tim Cook giởi thiệu hệ điều hành OS X Yosemite

Hệ điều hành iOS 8 cho iPhone và iPad cùng và OS X Yosemite cho máy tính Mac là điểm nhấn lớn nhất trong ngày thứ nhất của Hội nghị các nhà phát triển thế giới WWDC 2014.

Ngày 29-5, ASUS chính thức ra mắt ASUS Fonepad 7 Dual SIM (FE170CG) mới, thế hệ thứ 4 của Fonepad với nhiều cải tiến về thiết kế và ứng dụng. Đây là chiếc tablet 3G, kích thước 7-inch, tích hợp 2 SIM, trang bị bộ vi xử lý Intel® Atom™. Sản phẩm có 4 phiên bản màu: trắng, đen, đỏ và xanh ngọc.

Ảnh minh họa

Nền tảng phần mềm mới sẽ cho phép các thiết bị iOS kiểm soát hệ thống đèn, an ninh và các thiết bị kết nối khác, theo tờ Financial Times đưa tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục