Việc mua bán ô tô ở nước này không còn bị hạn chế nhưng để thoải mái chạy xe ngoài đường không hề đơn giản. Đó là vì chính sách bán xăng dầu cho người dân bị quản lý bằng phiếu định lượng.
Mỗi một ô tô dân sự chỉ được mua 15 kg nhiên liệu một tháng (bằng khoảng 21 lít), quản lý bằng phiếu cấp ở sở giao thông, và có để nhận qua đường bưu chính, mỗi lần nhận 12 tháng. Như vậy, kể cả có ô tô, việc đi lại cũng không dễ dàng.
Theo chị Vũ Nam Phương (thành viên Hội hữu nghị Việt Nam- Triều Tiên), giá xăng ở Triều Tiên thường cao hơn Việt Nam khoảng 30%, nhưng thay đổi theo ngày tùy vào nguồn cung, chủ yếu từ Trung Quốc (có ngày cao hơn tới 50%).
Năm 2017, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 2375, trong đó trừng phạt Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và tên lửa, Mỹ đã dự đoán sẽ làm cắt giảm 30% lượng dầu mỏ chuyển tới Triều Tiên, qua đó làm suy giảm nền kinh tế nước này.
Thực tế các lệnh trừng phạt bổ sung ngay lập tức tác động tới đời sống người dân. Trang tin NK News và Washington Post khi ấy đưa tin đã không còn thấy hàng dài ô tô xếp hàng chờ cấp nhiên liệu như trước đây ở Bình Nhưỡng.
Cuối tháng 4/2017, AP đưa tin đã có dấu hiệu thiếu hụt nhiên liệu ở Triều Tiên, khách hàng mua xăng được thông báo hạn chế bán hàng chờ đến khi có thông báo mới. "Ít nhất một trạm xăng được ghi nhận tính phí hơn 5 USD cho 1 gallon xăng (3,79lít), gấp đôi giá thông thường của một tuần trước”, trích dẫn AP.
Xăng dầu đến Triều Tiên chủ yếu vẫn qua đường biên giới Nga và Trung Quốc, do nguồn cung bị lệ thuộc vào tình hình chính trị dẫn đến Triều Tiên phải tìm đến các nguồn năng lượng thay thế khác như nhiệt điện, năng lượng mặt trời… Mới nhất, Naenara - hãng xe thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng Triều Tiên đã nhận trách nhiệm nghiên cứu và phát triển ô tô chạy điện theo yêu cầu của chủ tịch Kim Jong-Un.
Triều Tiên nhiều năm trở lại đây mật độ phương tiện giao thông trên đường phố đã gia tăng đáng kể, nhưng cách thức tiêu dùng xăng dầu không thay đổi, người dân phụ thuộc vào phiếu mua hàng dẫn đến cung không đủ cầu.
Theo chị Vũ Nam Phương, để "lách” luật, một số người Triều Tiên có điều kiện kinh tế đã nhờ người thân, hoặc bạn bè đứng tên mua ô tô cũ (thường là xe Volvo hay xe Liên Xô cũ giá rẻ). Sau đó, những người này sẽ dùng chính chiếc ô tô cũ đi đổ xăng theo định lượng phiếu mua hàng, mang về nhà rồi mới hút đổ sang chiếc ô tô có nhu cầu thật.
Chị Phương để ý đến điều này vì có thời gian làm việc lâu ở Triều Tiên, và đã tận mắt chứng kiến cảnh một người chạy chiếc Volvo cũ đang rút xăng đổ sang chiếc xe đời mới. "Tôi nghĩ là mánh này sẽ khó bị phát hiện bởi mỗi xe cũ họ chỉ đổ tháng một lần theo đúng phiếu xăng. Thậm chí họ có thể tự chỉnh số kilomet để tránh phát hiện”, chị Phương nói.
Tuy nhiên, chị Phương cho biết nếu bị phát hiện thì sẽ bị phạt khá nặng tay, có thể bị tịch thu cả ô tô.
(Theo Vietnamnet)