Những tâm điểm của thị trường ôtô Việt Nam 2019

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/12/2019 | 9:47:15 AM

Năm sôi động của ngành ghi dấu sự hồi sinh của xe nhập, ngôi vương đổi chủ ở nhiều phân khúc, định hướng kinh doanh đảo chiều của các hãng.

Khách tham khảo mua xe tại một đại lý Toyota ở quận Bình Thạnh.
Khách tham khảo mua xe tại một đại lý Toyota ở quận Bình Thạnh.

Không dễ dự đoán cục diện của thị trường ôtô 2019 nếu nhìn những diễn biến một năm trước đó. Bán xe tại Việt Nam vẫn như nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, khó đoán và phải liên tục thích ứng. Ở khía cạnh người mua, thị hiếu người Việt cũng dần có những thay đổi so với những năm trước.

Khuyến mãi liên tục

Bước vào tháng đầu tiên của 2019 trùng thời điểm cận Tết Nguyên đán, các mẫu xe nhập khẩu và lắp ráp hút khách được dịp đội giá. Khan hàng, cầu lớn hơn cung là hai nguyên nhân được các showroom lý giải cho hình thức "bán bia kèm lạc", ép khách lấy phụ kiện nếu muốn có xe sớm. Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe, Honda CR-V là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Nhưng chỉ sau Tết, những mẫu xe từng bị đẩy giá lên cao trước đó bắt đầu hạ nhiệt, giá bán về mức đề xuất rồi quay đầu giảm giá. Nguồn cung ổn định và sức mua suy giảm sau giai đoạn vung tiền trước Tết khiến các hãng, đại lý đồng loạt giảm giá, kích cầu. Giảm giá trở thành câu chuyện kéo dài từ tháng 4, tháng 5 đến cuối năm 2019.

Đại diện một hãng xe Nhật nói rằng, nguồn cung xe nhập lẫn xe lắp ráp năm 2019 đều ổn định hơn năm ngoái, cạnh tranh thị phần cũng quyết liệt hơn. "Thật khó để hãng nào không giảm giá khi những hãng khác giảm giá liên tục", vị này nói.

Ngoài những hãng như Nissan, Suzuki, Chevrolet (nay thuộc phân phối bởi VinFast), giảm giá như một cách để thúc đẩy doanh số vốn lẹt đẹt, những hãng không có truyền thống hạ giá bán như Toyota, Honda cũng vào cuộc. Mazda, Kia thuộc Trường Hải vẫn có những màn giảm giá liên tục, tranh thị phần với Toyota, TC Motor (công ty ra mắt tháng 7/2019 bởi tập đoàn Thành Công, phân phối xe Hyundai).

Sự hồi sinh của xe nhập khẩu

Nửa năm cuối 2018 là quãng chạy đà quan trọng để xe nhập khẩu tăng tốc vào Việt Nam. Ngay từ đầu 2019, lượng xe về ồ ạt để phục vụ thị trường trước và sau Tết. Tính đến tháng 11, ôtô nhập khẩu tăng gần gấp đôi về lượng so với cùng kỳ 2018. Cán cân cạnh tranh xe lắp ráp và nhập khẩu trở nên cân bằng hơn, không còn chênh lệch lớn như 2018.

Một lô xe Subaru nhập khẩu Thái Lan tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Phạm Trung

Một lô xe Subaru nhập khẩu Thái Lan tại cảng Sài Gòn. 

Thị trường bùng nổ khi lượng lớn xe nhập về nước, gần như giải cơn khát trong 2018. Với nguồn hàng ổn định, một vài mẫu xe hưởng lợi lớn như Mitsubishi Xpander, Honda CR-V, Ford Ranger đạt doanh số cao ngoài mong đợi của các hãng.

Lắp ráp - cú bẻ lái của thị trường

Chính phủ vẫn ưu tiên và thúc đẩy ngành sản xuất trong nước bằng những giải pháp như kiểm soát chặt chẽ hơn xe nhập khẩu (Nghị định 116), ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% theo lộ trình (Nghị định 125). Tuy nhiên, các hãng lắp ráp cho rằng điều đó là chưa đủ khi những đề xuất như miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước, bãi bỏ điều kiện về sản lượng trong Nghị định 125 vẫn chưa thành hiện thực.

Làn sóng xe nhập khẩu không ngừng tăng về lượng trong 2019 là chỉ dấu cho thấy thuận lợi từ việc hưởng thuế 0% được nhiều hãng tận dụng hiệu quả. Nhưng dự cảm về những thay đổi từ chính sách, áp lực về doanh số bị chi phối bởi nguồn hàng cung cấp khiến nhiều hãng đang có những bước điều chỉnh trong định hướng kinh doanh.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Hyundai ở Ninh Bình. Ảnh: Đức Huy

Công nhân làm việc tại nhà máy của Hyundai ở Ninh Bình. 

Toyota, hãng xe có thị phần số một ở mảng xe con, chuyển Camry sang nhập khẩu và quay lại lắp ráp Fortuner. Mitsubishi, với doanh số ấn tượng của Xpander nhập khẩu Indonesia, sẽ lắp ráp mẫu xe này tại Việt Nam trong 2020.

Sau khi khai tử các mẫu xe gầm thấp như Fiesta, Focus, Ford bắt đầu lắp ráp Escape để gia nhập cuộc đua phân khúc crossover hạng C từ nửa sau 2020. Bên cạnh đó, cũng có nguồn thông tin cho rằng Honda đang cân nhắc quay lại lắp ráp CR-V, mẫu xe hiện nhập khẩu Thái Lan và dẫn đầu doanh số của hãng trong 2019.

Ngoài những hãng xe kể trên, định hướng lắp ráp tiếp tục là trọng tâm chiến lược của Trường Hải, TC Motor. Trong 2019, có thêm những mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam như Kia Soluto, Mazda CX-8.

Một đề xuất khác của Bộ Tài chính trong 2019 là dự định miễn thuế nhập khẩu linh kiện cho ôtô điện lắp ráp trong nước nếu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải và sản lượng. Đề xuất này được cho là mở đường cho các phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh phát triển tại Việt Nam, điều mà các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã làm nhiều năm qua.  

Những màn "lội ngược dòng" doanh số

Ngự trị trên đỉnh cao doanh số nhiều năm liên tiếp, Mazda CX-5, Toyota Innova, Ford EcoSport phải nhường ngôi số một phân khúc cho các đối thủ. Cuộc đua trong 2020 sẽ thêm phần khốc liệt khi các hãng có thời gian nhìn lại mình và điều chỉnh chiến lược.

CR-V, mẫu xe bán chạy nhất của Honda trong 2019. Ảnh: HVN

CR-V, mẫu xe bán chạy nhất của Honda trong 2019.

Honda CR-V có một quãng bứt phá từ đầu 2019. Đứng trước hai lựa chọn, khai báo và thông quan sau 2018 để hưởng thuế nhập khẩu 0% hay hoàn tất sớm để có xe bán Tết dù thuế 30%. Lô hàng CR-V "vượt rào" thông quan trước Tết chịu thuế cao không nằm trong kế hoạch ưu tiên của Honda, nhưng điều đó lại giúp mẫu xe này trở hàng một cái tên hot được săn đón trong bối cảnh thị trường khan hiếm xe nhập. CR-V vượt lên CX-5 và giữ sức bán hàng ổn định đến những tháng cuối 2019. Honda CR-V trên đà tiến tới ngôi vương phân khúc.

Xpander nhập khẩu Indonesia có một năm bán hàng gần như hoàn hảo khi xóa bỏ mác tân binh, bứt lên trở thành mẫu xe bán chạy thứ hai thị trường sau Toyota Vios. Innova là ông vua phân khúc MPV dưới một tỷ nhiều năm qua, nay cộng thêm doanh số của Avanza, Rush cũng không bằng Mitsubishi Xpander.

Màn ngược dòng của CR-V hay Xpander có thể xem là bất ngờ nhưng với Hyundai Kona thì không. Ra mắt từ tháng 8/2018, Kona có những thời điểm vươn lên dẫn đầu trước EcoSport. Sang 2019, điều đó dần trở nên quen thuộc. Sự thắng thế của Kona là một trong những trường hợp điển hình phản ánh thị hiếu người Việt đang có những thay đổi theo hướng cởi mở hơn với ôtô Hàn Quốc.

VinFast sau một năm có mặt trên thị trường

2019 là thời điểm các mẫu xe như Lux A2.0, SA2.0, VinFast Fadil giao những lô hàng đầu tiên đến tay đến khách hàng. Vị thế của hãng xe gắn mác "thuần Việt" mang lại nhiều sự kỳ vọng cho VinFast. Hãng có những bước đi theo đúng lộ trình cam kết cho thị trường trong nước lẫn tham vọng xuất khẩu xe ra nước ngoài. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn những băn khoăn về chính cách làm của VinFast sau giai đoạn "tuần trăng mật".

Lux A2.0 lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Lux A2.0 lăn bánh tại Hà Nội. 

Trong bối cảnh thị trường giảm giá trên diện rộng, VinFast tăng giá các sản phẩm theo kế hoạch đề ra hàng chục triệu đồng. Tháng 9, hãng xe Việt thay đổi cách thức bán xe cho khách, không còn cung cấp tùy chọn option trên Lux A và SA. Thay vào đó, VinFast cố định 3 phiên bản: tiêu chuẩn, nâng cao và cao cấp. Điều này khiến không ít khách hàng cảm thấy bị thiệt so với người khác.

Xe bán tải không còn được ưu đãi trước bạ

Ở phân khúc xe phổ thông, dòng bán tải không còn được ưu đãi như trước. Từ 10/4, Nghị định 20/2019 áp dụng cách tính phí trước bạ xe bán tải bằng 60% mức thu xe con, tức tăng lên khoảng gấp ba lần so với mức trước đó (2%). Tùy mẫu xe, khách Việt có thể phải chi thêm hàng chục triệu đồng để đăng ký xe bán tải.

Khách hàng bất an vì chất lượng xe

Bên cạnh những cuộc triệu hồi với các dòng xe như Toyota Vios, Ford Ranger, Mitsubishi Xpander, trường hợp của Honda CR-V, Nissan X-Trail khiến người tiêu dùng chưa thỏa mãn về cách giải thích của hãng.

Vết dầu loang dưới gầm xe Nissan. Ảnh: Minh Hy

Vết dầu loang dưới gầm xe Nissan. 

Tháng 4, nhiều người sử dụng xe Nissan X-Trail đời 2017-2018 phản ánh vết dầu loang dưới gầm xe, ở vị trí đầu hộp số tiếp giáp với động cơ. Liên doanh Nhật sau đó trả lời rằng, không phải dầu từ động cơ hoặc hộp số, đó là dầu chống gỉ hộp số được thiết kế có chủ đích của hãng sản xuất và không nguy hại đến khả năng vận hành của phương tiện.

Chiếc CR-V có sự cố phanh cứng của một khách hàng ở Quảng Trị. Ảnh: Đăng Tùng

Chiếc CR-V có sự cố phanh cứng của một khách hàng ở Quảng Trị.

Sau Nissan X-Trail, đối thủ Honda CR-V cũng gặp phản ánh liên quan đến chất lượng xe. Sự việc diễn ra trong tháng 6 khi người dùng phản ánh xe CR-V gặp hiện tượng phanh cứng lúc sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control.

Đại diện Honda không cho đó là lỗi thiết kế và giải thích nguyên nhân do người dùng có thói quen đặt hờ chân phanh liên tục, làm thay đổi chu trình của bàn đạp phanh và cảm biến hỗ trợ an toàn hoạt động. Khi đó, hệ thống trợ lực phanh không còn tác dụng, thay bằng "một hệ thống khác nhằm đảm bảo an toàn". Vì vậy, tài xế sẽ cảm thấy cứng, không thoải mái khi đạp phanh.

Honda khuyến cáo khách hàng cần mang xe đến đại lý để tiến hành cập nhật lại phần mềm ECU nếu gặp trường hợp tương tự.

Siêu xe vào Việt Nam

Dung lượng thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực nhưng mức tăng trưởng về doanh số tiêu thụ lại cao hàng đầu. Cùng với đó là mức thu nhập người dân ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng xe sang lẫn siêu xe.

Mẫu Aston Martin Vantage trong buổi khai trương showroom chính hãng ở TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn

Mẫu Aston Martin Vantage trong buổi khai trương showroom chính hãng ở TP HCM. 

Aston Martin, thương hiệu xe thể thao Anh quốc lần đầu bán chính hãng tại Việt Nam từ tháng 3. Hãng siêu xe Ferrari mở showroom bán xe đã qua sử dụng từ tháng 10. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng 12/2019, CEO McLaren, Mike Flewitt cho biết sẽ mở showroom tại Việt Nam trong tương lai nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Nhiều xe mở Mỹ bán ra chỉ từ khoảng 14.000 USD, trong khi giá xe trung bình ở thị trường này là 37.000 USD.

Toyota Vios nâng cấp động cơ, ăn 4,3 lít/100 km
Vios mới, hay Yaris Ativ, giữ nguyên thiết kế.

So với bản hiện hành tiêu thụ 5 lít/100 km, mẫu sedan phân khúc B đời 2020 được tinh chỉnh động cơ, chỉ mất 4,3 lít.

Mazda3 2019 bán ra với hai phiên bản thiết kế, hai tùy chọn động cơ với giá thấp nhất 719 triệu và cao nhất 939 triệu.

Honda Jazz/Fit ra mắt tại Tokyo Motor Show 2019.

Chiếc hatchback thế hệ thứ tư bỏ phong cách gân guốc để thay bằng các đường bo tròn, bán ra tại châu Âu chỉ với động cơ hybrid.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục