Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Phóng viên báo chí đã trao đổi với TS Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - xung quanh vấn đề này.
Cơ quan quản lý chuyên ngành phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra được một mức ngưỡng phù hợp về chất lượng khí thải. Nếu đặt ra ngưỡng quá cao có thể dẫn đến nhiều phương tiện phải sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, động cơ gây xáo trộn đời sống của người dân, khó khăn cho xã hội. |
Cần có ngưỡng khí thải cụ thể
* Ông đánh giá thế nào về việc luật hóa quy định kiểm định khí thải với xe máy?
- Khí thải từ xe cơ giới, trong đó có xe máy, đang là một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong đô thị.
Hiện nay tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ được áp dụng đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới, ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Chưa áp dụng đối với xe máy tham gia giao thông do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định.
Việc kiểm định khí thải với xe máy là một vấn đề được đề xuất và bàn thảo sôi nổi thời gian qua, tuy nhiên chưa thực hiện được do thiếu các quy định pháp lý.
Việc Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với quy định kiểm định khí thải xe máy để tới đây thực thi theo lộ trình do Chính phủ ban hành là hoàn toàn chính xác, cấp thiết. Đây là xu thế tất yếu, bắt buộc phải kiểm soát càng nhanh càng tốt khí thải phương tiện cơ giới trên các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia.
* Cần kiểm định khí thải với xe máy thế nào để không làm xáo trộn đời sống người dân?
- Để kiểm soát được khí thải xe máy hiệu quả mà ít ảnh hưởng, không làm xáo trộn đời sống người dân, cần nghiên cứu các giải pháp một cách bài bản, căn cơ. Trong đó cần triển khai hai con đường để cùng hướng đến đích chung nhằm giảm khí thải của xe máy. Cụ thể con đường thứ nhất là kiểm soát khí thải với các xe máy mới được sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu. Với các loại xe mới này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải rất cao được đưa ra. Việc này đã và đang được triển khai thực hiện rất tốt.
Các xe máy mới đạt chuẩn về phát thải sẽ từng bước thay thế xe cũ nát và loại xe này sẽ được di chuyển sang các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhưng cũng cần có một thời gian nhất định để loại bỏ dòng xe "hết đát". Khi đủ nguồn lực về kinh tế thì quy định thời hạn để thanh lý dòng xe này, không cho sử dụng ở trong các thành phố lớn nữa sẽ giải quyết vấn đề khí thải thông qua kiểm soát hành chính và thay đổi lượng lớn phương tiện.
Song song với việc kiểm soát khí thải với các xe máy mới, con đường thứ hai là tiến hành kiểm định khí thải với các xe đang lưu hành và yêu cầu phải có mức chất lượng khí thải ở ngưỡng nhất định mới được tham gia giao thông. Với các phương tiện có mức khí thải kém yêu cầu phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các bộ phận, động cơ. Nếu kiểm soát một cách hợp lý sẽ đạt được đích cuối cùng kiểm soát được ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra nhanh nhất.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý chuyên ngành phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra được một mức ngưỡng phù hợp về chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng để có thể chấp nhận được. Nếu đặt ra ngưỡng quá cao có thể dẫn đến nhiều phương tiện phải sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và động cơ gây xáo trộn đời sống của người dân, khó khăn cho xã hội.
Khi đưa ra được ngưỡng phù hợp sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp tổ chức các trạm kiểm định khí thải đối với xe máy. Trước mắt có thể làm thí điểm, sau đó mở rộng ra. Đồng thời, như ô tô, có thể thực hiện xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Thậm chí nếu các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy đạt yêu cầu cũng có thể tham gia thực hiện.
Trước khi đo kiểm, chủ xe có thể bảo dưỡng hoặc nếu đo kiểm không đạt có thể được sửa chữa, khắc phục tại chỗ. Thực tế, số lượng xe máy trên cả nước rất nhiều, hơn 70 triệu xe, nếu không có giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp cho việc kiểm định khí thải có thể dẫn tới cảnh ùn tắc, gây nhiều hệ lụy bất lợi.
Không nên bắt buộc tất cả các xe máy lưu hành phải kiểm định khí thải
* Có nên bắt buộc tất cả các xe máy đang sử dụng phải kiểm định?
- Theo tôi, không nên bắt buộc tất cả các xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định. Đồng thời cũng không nên quá chú trọng đến năm sản xuất của xe. Bởi có những xe đã sản xuất cách đây cả 10 - 15 năm nhưng chủ xe ít đi, bảo dưỡng tốt nên xe vẫn chạy tốt, lượng phát thải rất thấp thì không có lý do gì lại bắt phải đi kiểm định.
Trong khi đó nhiều xe chỉ mới sử dụng được vài năm nhưng do không bảo dưỡng tốt, chất lượng kém dẫn đến phát thải nhiều thì vẫn phải yêu cầu kiểm định để sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng. Do vậy các cơ quan chức năng nên có nghiên cứu cụ thể và chỉ nên áp dụng đối với xe cũ nát, nhả khói đen trên đường…
Thêm vào đó cần tính toán phương án xử lý với các xe máy dù bảo dưỡng vẫn không đạt và nếu vẫn cố tình lưu thông thì cần có chế tài xử lý cụ thể.
* Người sử dụng xe máy đa phần là người dân lao động, thu nhập thấp, do vậy nhiều ý kiến lo lắng việc kiểm định khí thải sẽ khiến tốn kém chi phí?
- Đây cũng là lo lắng chính đáng. Do vậy, cần có cơ chế để hỗ trợ, ưu đãi cho việc thực hiện và mức giá quy định có thể vừa phải để mọi người dân đều có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên hiện nay mức phí đăng kiểm với xe ô tô chỉ hết vài trăm nghìn đồng/xe, còn với việc kiểm định khí thải xe máy trước đây Bộ GTVT từng đề xuất là 35.000 đồng/xe/năm. Với mức chi phí này không phải vấn đề quá lớn với người dân.
Hơn thế nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Mặt lợi hơn nữa là sẽ giảm phát thải, ô nhiễm môi trường.
(Theo TTO)