Để thương hiệu trở thành tài sản trí tuệ
- Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn lại, thực trạng bức tranh tổng thể các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến và dịch vụ trên địa bàn của tỉnh Yên Bái đến nay cho thấy, đã có nhiều đổi mới về số lượng, chất lượng, nhiều thành phần kinh tế tham gia vào ngành sản xuất chế biến, điển hình như: chè, khoáng sản, gỗ, vật liệu xây dựng, may mặc, quế, tinh bột sắn... góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hồng chùm không hạt ở Vĩnh Lạc (Lục Yên) đang được đề nghị đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể.
|
Nhận xét dưới góc độ khoa học, công nghệ (KH&CN) và sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với doanh nghiệp, chúng ta thấy có vấn đề về chất lượng sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sở hữu công nghiệp, nhất là phát triển thương hiệu để chúng trở thành thương hiệu mạnh có giá trị độc quyền là tài sản có giá trị của doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 12/2008, toàn tỉnh Yên Bái có 106 đơn đề nghị đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó 86 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 83 nhãn hiệu thường, 3 nhãn hiệu tập thể (NHTT), 16 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 4 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, số văn bằng được Cục SHTT cấp là 70, trong đó 58 văn bằng nhãn hiệu (56 nhãn hiệu thường, 02 NHTT), 10 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 02 văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích. Xem xét cụ thể một số nhãn hiệu điển hình cho thấy:
- Nhãn hiệu tập thể (NHTT) có 3 sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương có đơn đề nghị đăng ký bảo hộ: gạo Chiêm Hương (Đại Phú An), gạo nếp Tú Lệ và hồng chùm không hạt Lục Yên. Trong đó, sản phẩm gạo Chiêm Hương (Đại Phú An) do Hội những người trồng và sản xuất gạo Chiêm Hương xã Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh (huyện Văn Yên) đăng ký là chủ sở hữu, đã được cấp Văn bằng bảo hộ NHTT số 4-0098332-000 ngày 26/3/2008; gạo nếp Tú Lệ do Hội Nông dân xã Tú Lệ đăng ký là chủ sở hữu, đã được cấp Văn bằng bảo hộ NHTT số 4-0111242-000 ngày 13 tháng 10 năm 2008; hồng chùm không hạt Lục Yên do Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp xã Mường Lai là chủ sở hữu đăng ký đã được chấp nhận đơn.
- Chỉ dẫn địa lý: Dự án “Xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” được Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 2750/QĐ-BKHCN ngày 19/11/2007, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ do Trung ương quản lý; do UBND huyện Văn Yên chủ trì. Dự án triển khai thực hiện ở vùng quế có chất lượng tốt nhất của tỉnh, tại 8 xã của huyện Văn Yên (Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng). Dự án hoàn thành và đang chuẩn bị điều kiện nghiệm thu cơ sở cuối tháng 3 năm 2009 và nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với Chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế và tinh dầu quế.
- Nhãn hiệu thông thường: số lượng đăng ký tăng nhanh trong hai năm 2007-2008, khi nước ta là thành viên WTO, đến nay được cấp văn bằng bảo hộ cho 56 loại sản phẩm. Thông thường, nhãn hiệu này thường gắn liền một sản phẩm cụ thể, do một cơ sở công ty, nhà máy, đơn vị sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo số liệu báo cáo điều tra đánh giá của Sở KH&CN về đổi mới hoàn thiện công nghệ trình Hội đồng tư vấn xem xét hỗ trợ năm 2008 được 6 đơn vị chế biến chè, 02 đơn vị chế biến gỗ, 02 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, 01 đơn vị chế biến quế cho thấy ngành chè mới chỉ có chè Suối Giàng được bảo hộ (nhưng đã hết thời hạn từ năm 2004).
Một số sản phẩm mới như chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... được đóng gói xuất hiện trên thị trường mẫu mã, kiểu dáng khá đẹp nhưng chưa được công nhận. Báo cáo trước Hội đồng tư vấn cho thấy, các đơn vị này đổi mới hoàn thiện công nghệ đều có kế hoạch gắn liền với đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu. Một số doanh nghiệp điển hình như: Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái, Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái... là những đơn vị có bảo hộ sở hữu công nghiệp, có chiến lược và giải pháp phát triển thương hiệu ngày một uy tín trên thương trường và chính thương hiệu đã trở thành tài sản trí tuệ có giá trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhãn hiệu thông thường cũng được cấp cho sản phẩm cam sen Văn Chấn do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Văn Chấn đăng ký là chủ sở hữu; khoai tím Lục Yên do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lục Yên đăng ký là chủ sở hữu; miến đao Phúc Lộc do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trấn Yên đăng ký (khi Phúc Lộc chưa nhập về thành phố Yên Bái là chủ sở hữu đã được cấp văn bằng và còn một số đơn đang tiếp tục đề nghị. Xét về nguyên tắc thì không có gì trái với quy định vì mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức cá nhân đều có quyền đề xuất, nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi có điều kiện. Song, nhìn về góc độ phát triển thương hiệu đã được bảo hộ để nó trở thành tài sản trí tuệ thì rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi lẽ, chủ sở hữu phải tổ chức hoạt động trên cơ sở quy chế (quy định, điều lệ) được xây dựng và ban hành để thực hiện thống nhất từ nhiều hộ gia đình, nhiều xã... từ khâu chọn giống, canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, kiểm tra kiểm soát quá trình thực hiện đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, bao gói, dán nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, mới đảm bảo sự đồng nhất về chủng loại, chất lượng, số lượng và thời gian tiêu thụ sản phẩm...
Như vậy, vấn đề nẩy sinh ở đây là sau khi được nhà nước bảo hộ sở hữu công nghiệp và SHTT nói chung, nếu không muốn văn bằng bảo hộ chỉ là biểu tượng, trang trí hoặc để lưu trữ trong ngăn bàn... thì phải tổ chức hoạt động phát triển thương hiệu, mục tiêu phát triển thương hiệu là xây dựng chiến lược, giải pháp, tổ chức hoạt động, để thương hiệu trở thành tài sản có giá trị, thậm chí là tài sản vô giá được xã hội trong và ngoài nước thừa nhận, như vậy, khi đó thương hiệu mới thực sự là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Theo chúng tôi phát triển NHTT và chỉ dẫn địa lý là loại hình khó khăn nhất.
Khó khăn bởi các nguyên nhân chủ yếu sau đây: Yên Bái là một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, sản phẩm do cộng đồng (nhiều hộ gia đình, nhiều xã sản xuất chế biến, thực hiện) chưa có tiền lệ và mô hình về phát triển NHTT, chỉ dẫn địa lý. Do vậy, nhận thức về vấn đề này còn hạn chế, yếu kém, chưa có kinh nghiệm, nhiều vướng mắc về xây dựng tổ chức quản lý, xây dựng quy trình canh tác, thu hoạch, và bảo quản sản phẩm, xây dựng quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu, quy chế sử dụng hệ thống nhãn mác, bao bì sản phẩm; hệ thống tuyên truyền và quảng bá, thị trường… Đó là một loạt vấn đề rất cần sự hỗ trợ về tư vấn, chuyên môn và kinh phí để hoạt động phát triển thương hiệu trở thành tài sản trí tuệ thực sự tại địa phương.
Để góp phần thực hiện chương trình hành động KH&CN khi nước ta là thành viên WTO, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tích cực quảng bá mở rộng thị trường, bảo vệ và phát triển các tài sản trí tuệ của mình trên thị trường nội địa và quốc tế, xin nêu lên một số ý kiến về xác định công tác SHTT cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp thông qua chính sách hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; tập trung vào một số sản phẩm có định hướng và thế mạnh tại địa phương như: chè, quế, khoáng sản, gạo đặc sản, vật liệu xây dựng;
Hai là, xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương giai đoạn 2008-2015, kế hoach phát triển tài sản trí tuệ 2008-2010 làm cơ sở lựa chọn sản phẩm mũi nhọn, quảng bá phát triển thương hiệu mạnh của tỉnh.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với Cục SHTT thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả quản lý nghiệp vụ, quản lý hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ được bảo hộ, thanh tra, xử lý tranh chấp vi phạm quyền bảo hộ.
Bốn là, tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ (cán bộ chuyên môn) doanh nghiệp, cơ sở về các chính sách, pháp luật sở hữu công nghiệp và lợi ích, giá trị của tài sản trí tuệ; từng bước đưa hoạt động sở hữu công nghiệp trở thành một bộ phận của hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở.
Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra SHTT, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp (nếu có) trên địa bàn, tổng kết, đánh giá kết quả quản lý theo quy định.
Sáu là, tư vấn, hỗ trợ kinh phí, hình thành tổ chức quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Về tổ chức nên chọn phương án thành lập hiệp hội ngành nghề (hiệp hội những người sản xuất gạo Chiêm Hương Đại-Phú-An, hiệp hội những người trồng, chế biến quế, hiệp hội người trồng cam sen, khoai tím... hoặc là hợp tác xã trồng sản xuất miến đao, chế biến hồng chùm không hạt Lục Yên...
Vũ Viết Nhất
Các tin khác
Đây là hai vùng thường xuyên xảy ra mưa lớn và lũ quét, lũ ống Ngày 5/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết: việc ưu tiên đầu tư trạm đo mưa tự động ở khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ là 1 phần quan trọng trong việc triển khai Dự án “Đầu tư phát triển mạng lưới đo mưa phục vụ dự báo khí tượng thủy văn” do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường chủ trì thực hiện từ nay đến năm 2011.
Các nhà thiên văn thông báo rằng một thiên thạch có kích cỡ tương đương tòa nhà 10 tầng vừa bay ngang qua địa cầu.
Các sông băng ở Nam Cực tan chảy với tốc độ và phạm vi lớn hơn nhiều so với tính đoán của giới khoa học và tình trạng này có thể khiến mực nước biển tăng trên khắp hành tinh, nhấn chìm nhà cửa của hàng trăm triệu người.
Nhiều người cho rằng, mỗi ngày uống một cốc rượu vang đỏ sẽ tốt cho tim. Nhưng một nghiên cứu mới đây của Pháp lại cho thấy điều ngược lại. Không những không tốt cho tim, mà còn có thể gây nguy cơ ung thư cao.