“Cõng” luật về bản
- Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2015 | 9:24:59 AM
YênBái - YBĐT -Luật thì dài lắm, có nói cả buổi cũng không hết mà nói xong có khi bà con cũng không nhớ được, vì thế, thông thường, các cán bộ chỉ tập trung nói nhiều về những vấn đề liên quan thiết thực đến bà con.
Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông trật tự cơ động Công an huyện Văn Chấn phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đến người dân.
|
Không chỉ thường xuyên có mặt tại các tuyến đường để tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) của Đội CSGT trật tự cơ động Công an huyện Văn Chấn còn vượt núi, về các thôn, bản tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Hành trình “cõng” luật về bản tuy có nhiều khó khăn, vất vả nhưng vượt lên đó là tinh thần, trách nhiệm và niềm vui khi bà con nhân dân ngày càng hiểu luật, chấp hành luật tốt hơn khi tham gia giao thông.
Tưởng những cơn mưa giao mùa sẽ khiến chuyến công tác của các chiến sỹ CSGT Công an huyện Văn Chấn phải lỡ hẹn với xã vùng cao Suối Giàng nhưng chiều lòng người, ngay từ sáng sớm, trời quang, mây tạnh. Và quãng đường theo chân các anh cũng cho chúng tôi hiểu thêm về hành trình “cõng” luật về bản của các chiến sỹ CSGT huyện Văn Chấn.
Gần 14 năm công tác, Đại úy Nguyễn Thành Công - Đội trưởng Đội CSGT trật tự cơ động không nhớ hết đã đến bao nhiêu thôn, bản để tuyên truyền pháp luật ATGT nhưng có một kỷ niệm mà anh còn nhớ mãi. Đó là năm 2005, khi ấy, anh cùng với 2 cán bộ của Đội đi đến xã An Lương để giải quyết tai nạn kết hợp tuyên truyền về luật giao thông cho nhân dân nơi đây. Đường vào xã hôm đó trời mưa, đường nhầy nhụa khiến chiếc Win 100 “chiến” cứ liên tục chao đảo. Kết quả, nửa đêm, anh em mới về đến nhà, vừa đói vừa mệt nhưng ai cũng vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ngồi cạnh tôi, Thượng úy Lờ A Tủa, một người con của Suối Giàng nay đã là cán bộ thuộc biên chế Đội chỉ tay về những khúc cua tay áo cho biết: “Cung đường này nhiều đoạn cua khá hẹp, trời thường xuyên có sương mù bao phủ, hạn chế tầm nhìn nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, Suối Giàng là nơi sinh sống của gần 100% đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức còn hạn chế. Vì thế, công tác tuyên truyền pháp luật ATGT, để mọi người hiểu luật rất quan trọng”.
Sau gần một giờ vượt 20km đường đèo, chúng tôi đã có mặt tại nhà văn hóa thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng. Pang Cáng hôm nay đón nhận 2 sự kiện khá “trọng đại” là sự ra mắt của câu lạc bộ đọc sách của thôn và các cán bộ CSGT về tuyên truyền, phổ biến luật giao thông. Vì vậy, từ sớm, bà con nhân dân trong thôn đã tập trung khá đông đủ, không khí dường như cũng “nóng” dần lên. Đại úy Công cho biết: “Bà con dân tộc ngày nào cũng lên nương làm rẫy nên rất khó để tập trung được đông đủ. Vì thế, bọn mình thường phối hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, bản hoặc các sự kiện có nhiều người dân như thế này”.
Ngay sau màn chào hỏi, Đại úy Công cùng với Thượng úy Tủa nhanh chóng căng phông nền để chuẩn bị cho buổi tuyên truyền. Xung quanh, mọi người đều lặng im, mắt dõi theo mọi cử chỉ của các cán bộ tuyên truyền. Đại diện cho tổ công tác, Đại úy Công nhanh chóng phổ biến các nội dung về trật tự ATGT tới bà con nhân dân. Hàng loạt nội dung như: “Đã uống rượu là không lái xe”, “Đi xe mô tô phải đội mũ bảo hiểm”… cho đến những lời giải thích: “Thế nào là biển cấm đi ngược chiều”, “Thế nào là biển báo nguy hiểm đi qua đường đèo”... được đồng chí Đội trưởng giới thiệu một cách tỷ mỉ. Sau khi hướng dẫn các quy định của luật giao thông, Đại úy Công cầm tờ rơi phát cho bà con. Anh nói: “Đây là các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bà con đọc kỹ rồi nhớ để không vi phạm nhé”. Anh hỏi Chua, một anh thanh niên người Mông đang bế con nhỏ ngồi hàng đầu:
- Anh thấy uống rượu vào rồi đi xe thì như thế nào?
- Tao thấy đi thích hơn, lái nhanh và lụa hơn - Chua đáp lời một cách hồn nhiên.
- Thực tế không phải như vậy đâu anh Chua à! Khi uống rượu sẽ khiến cho chúng ta không làm chủ được hành vi, xử lý tình huống không chính xác, do vậy, rất dễ xảy ra tai nạn. Cộng thêm đó, nếu bị phát hiện thì sẽ bị thu xe, rồi nộp phạt nhiều tiền lắm. Lúc đấy lại không có tiền mua thịt cho con ăn đâu - Đại úy Công giải thích cho Chua.
Nghe đến đây, tôi quay sang hỏi anh Vàng A Thào đang ngồi cạnh. Thào cho biết đã có xe và thi bằng lái xe mô tô cách đây 4 năm.
- Có bằng rồi mà anh vẫn đi nghe à? - tôi hỏi thêm.
- Có bằng rồi, biết lái xe là phải đội mũ bảo hiểm, mang giấy tờ, không được lai quá 2 người... nhưng bây giờ nhiều cái mới lắm, đi nghe để biết hơn - Thào trả lời.
Ông Vàng A Chu - Trưởng ban Công an xã Suối Giàng vui mừng cho biết thêm: “Suối Giàng có 607 hộ với 3.029 khẩu, phân bố tại 8 thôn, trong đó 98% là dân tộc Mông. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên. Đến nay, tính bình quân mỗi hộ dân có một xe máy, do vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia giao thông rất được chú trọng”.
Theo ông Thào, hàng năm, xã đều phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại các thôn, bản, trường học. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Nhiều năm liền, trên địa bàn không xảy ra các vụ tai nạn và va chạm giao thông. Sau khi phát xong tờ rơi, Đại úy Công tiếp tục phân công Thượng úy Tủa lên tuyên truyền tiếp cho bà con bằng tiếng Mông. Anh cho biết: “Tuy bây giờ bà con đã biết nghe tiếng phổ thông hết rồi nhưng sau khi đồng chí Tủa nhắc lại bằng tiếng Mông nữa bà con sẽ nghe và hiểu hơn”.
Đúng là tuyên truyền pháp luật ở vùng cao khó hơn nhiều ở khu vực thành thị. Luật thì khô khan nên cán bộ tuyên truyền phải là người nắm chắc luật, biết cách sinh động hóa buổi tuyên truyền để người dân nghe, hiểu, nhớ luật. Điều này càng đúng với một huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như ở Văn Chấn. Nhất là khi Văn Chấn địa bàn rộng, địa hình kéo dài, nhiều chia cắt, hiện có 2 tuyến quốc lộ chạy kéo dài qua địa bàn gồm: quốc lộ 32 (101km), 37 (49km); ngoài ra, còn có 4 tuyến tỉnh lộ là 172 (12km), 173 (26km), 174 (8km), 175 (174km); đặc biệt, huyện có 825km đường huyện, liên xã, liên thôn, dân sinh.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động Công an huyện Văn Chấn tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ.
Những năm qua, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được mở mới, tu sửa, kiên cố hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, các tuyến đường hẹp, quanh co đèo dốc nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, nhất là các thôn, bản vùng cao luôn được Ban ATGT huyện và các đơn vị chức năng chú trọng.
Hàng năm, tại các xã vùng cao như: Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Tú Lệ..., các chiến sỹ CSGT thường xuyên đến các thôn, bản “nóng” về vi phạm, tai nạn giao thông để phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATGT. Những buổi tuyên truyền này thường được lồng ghép vào lúc họp thôn, chi bộ bởi chỉ những lúc như thế mới có đông đảo bà con dự. Ngoài những văn bản, quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư mới, trong hành trang của các anh luôn phải có thêm đĩa hình tuyên truyền bằng tiếng Mông, Thái, Dao hoặc cũng có khi là những vụ tai nạn, vi phạm trực tiếp anh em ghi lại tại địa phương.
Theo Đại úy Công, luật thì dài lắm, có nói cả buổi cũng không hết mà nói xong có khi bà con cũng không nhớ được, vì thế, thông thường, các cán bộ chỉ tập trung nói nhiều về những vấn đề liên quan thiết thực đến bà con một cách ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu nhất. Ví như, khi tuyên truyền về quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu, bia quá “ngưỡng” quy định, thay vì nêu ra các điều, khoản, cán bộ tuyên truyền chỉ cần nói với bà con rằng: “Bà con không được uống rượu, bia, rồi điều khiển phương tiện vì như vậy sẽ bị phạt tiền, sẽ dễ gây ra tai nạn…” hay “Đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình. Đội mũ bảo hiểm để không bị phạt tiền”, “Không phơi rơm rạ ngoài đường, không tập trung nói chuyện ở đường, không thả trâu, bò ra đường”...
Rõ ràng, với việc lồng ghép các thông tin, quy định pháp luật một cách kịp thời vào các buổi xuống thôn, bản, trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho bà con đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT tại huyện Văn Chấn, đặc biệt là tại các tuyến đường nông thôn; trong đó, thành công lớn nhất là ý thức của đồng bào các dân tộc được nâng lên, các hành vi vi phạm, các vụ tai nạn, va chạm giao thông đều giảm so với trước. Những đổi thay này gắn liền với những người “cõng” luật về bản - những chiến sỹ CSGT công an huyện Văn Chấn.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhằm tôn vinh các lái xe, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có nhiều đóng góp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT); nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân nói chung và đội ngũ lái xe nói riêng trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng tránh tai nạn giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ 3 năm 2015.
Bị nổ bánh trên cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, chiếc xe tải gây ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 xe ô tô. Có hơn 10 hành khách trên 2 xe phải vào viện sau vụ tai nạn…
Sáng nay 13/8, tại quốc lộ 18 đoạn giao Bắc Ninh-Hải Dương đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa hai xe tải đi ngược chiều khiến ách tắc giao thông đoạn đường dài.