Để bảo đảm an toàn giao thông học đường
- Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2015 | 9:32:20 AM
YênBái - YBĐT - Cứ mỗi dịp tiếng trống khai trường vang lên, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) học đường lại thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và dư luận. Làm thế nào để cổng trường an toàn, không xảy ra ùn tắc sau mỗi giờ tan tầm? Làm thế nào để học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT khi tham gia giao thông? Đây thực sự luôn là “bài toán” khó.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái) hướng dẫn học sinh cách đội mũ bảo hiểm.
|
Những năm qua, công tác bảo đảm ATGT học đường luôn được các cấp, ngành quan tâm. Điều này thể hiện rõ qua những buổi tuyên truyền pháp luật ATGT cả trong chính khóa, ngoại khóa với sự tham gia của lực lượng cảnh sát giao thông và đoàn viên thanh niên các cấp đồng thời đã có nhiều cuộc thi, sân chơi về chủ đề ATGT dành riêng cho các trường học. Tỉnh đoàn cũng đã triển khai xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” tại nhiều điểm trường.
Bên cạnh đó, để giảm tải đối với các đơn vị trường thuộc bậc học mầm non và tiểu học thường xuyên có bố mẹ, người nhà đưa đón, các đơn vị trường đã có biển hướng dẫn, nhắc nhở phụ huynh không được dừng đỗ, để xe dưới lòng, lề đường và kẻ vẽ ô trong sân trường tạo không gian thuận tiện cho việc đưa đón con em.
Thêm vào đó, các trường học đưa nội dung chấp hành ATGT vào đánh giá hạnh kiểm trong tháng; lực lượng cảnh sát giao thông mở các chuyên đề tuyên truyền, xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ trên 6 tuổi và học sinh đi xe đạp điện không đội MBH. Với những giải pháp trên, công tác bảo đảm ATGT học đường đã có chuyển biến tích cực, tình trạng ùn tắc tại nhiều điểm trường đã giảm hẳn; việc học sinh vi phạm về ATGT cũng không còn phổ biến. Đặc biệt, đã hạn chế rất nhiều các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại. Đó là tại các điểm trường vào đầu giờ học hay khi tan tầm, tình trạng lộn xộn, ùn tắc, mất an toàn trước cổng trường vẫn còn diễn ra, nhất là khi thiếu sự nhắc nhở, tuyên truyền của nhà trường và của các tổ chức đoàn, đội; ý thức của nhiều học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành nội qui cổng trường an toàn vẫn chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và nhận thức về pháp luật ATGT chưa thường xuyên, liên tục và chưa có trọng tâm, chưa bắt được đúng tâm lý lứa tuổi, giới tính...
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội MBH hoặc đội mũ nhưng không cài quai diễn ra khá phổ biến. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các em học sinh đi xe đạp điện khi đi học trong các giờ học chính khóa đều thực hiện rất nghiêm qui định đội MBH. Thế nhưng, ngay khi tan trường, khi đi chơi hay giờ ngoại khóa, tình trạng không đội MBH lại diễn ra khá phổ biến. Không những thế, nhiều em điều khiển xe đạp điện còn dàn hàng hai, hàng ba, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông.
Trước thực tế này, năm học 2015 - 2016, Ban ATGT tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao trong công tác bảo đảm ATGT học đường. Trong đó, nổi bật là Lễ phát động Năm học ATGT tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái). Tại đây, các em học sinh đã được nghe đại diện Ban ATGT tỉnh tuyên truyền quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em; phổ biến kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT; hướng dẫn cách nhận biết, lựa chọn MBH bảo đảm chất lượng, cài quai MBH đúng cách khi tham gia giao thông…. Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh sẽ phát tặng trên 1.000 MBH cho học sinh tại trường.
Theo bà Đào Thị Xuân Huế - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Phòng tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo việc tham gia hỗ trợ giao thông tại cổng trường trong ngày học và dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các nhà trường tiếp tục ký cam kết với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định: không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về đội MBH và tuân thủ các quy tắc ATGT. Ngoài ra, lực lượng công an đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyên tại từng cấp học cụ thể với hình thức linh động cho phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi.
Theo cô giáo Nguyễn Ngọc Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thực tế trong những giờ học chính khóa, có sự giám sát của nhà trường thì học sinh chấp hành rất nghiêm các quy định. Tuy nhiên, mỗi khi tan tầm, nhiều học sinh lại bỏ MBH, chạy dàn hàng ngang rất nguy hiểm. Điều này cho thấy, có sự buông lỏng của gia đình trong nhắc nhở, giáo dục con em.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều người cho rằng, để học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật ATGT, ngoài các giải pháp của nhà trường, ngành chức năng thì gia đình, phụ huynh phải tích cực tham gia giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở con em mình. Đặc biệt, thái độ kiên quyết bắt buộc trước khi ra đường phải yêu cầu con em đội MBH, không cho sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe... đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành thói quen, ý thức chấp hành luật của các em khi tham gia giao thông.
Hùng Cường
Các tin khác
Khoảng 10g45 ngày 20-9, trên quốc lộ 212, đoạn qua thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, xảy ra vụ tông xe giữa xe máy và xe tải khiến hai thanh niên tử vong tại chỗ.
Một vụ tai nạn xảy ra trên giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Văn Lũy (phường Hòa Phú, TP mới Bình Dương) chiều 20-9 giữa xe container và xe khách 16 chỗ làm 4 người bị thương.
Chạy xe vào đường cấm, thanh niên để xe máy va chạm với 2 chiếc xe tải lưu thông cùng chiều khiến cô gái ngồi sau tử vong.
YBĐT - Khoảng 1h sáng ngày 18/9, tại Km 35 quốc lộ 70 thuộc địa bàn xã Đại Đồng , huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, xảy ra một vụ lật xe sơmi rơmooc.