Chuyện trên non cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2015 | 9:52:42 AM

YênBái - YBĐT - Ở vùng cao Trạm Tấu, địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa cao, nếu ai đặt chân đến cũng sẽ nghĩ rằng nơi đây rất dễ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thế nhưng, tìm hiểu về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở đây thì khác hẳn. Niềm vui được nhân đôi khi 3 năm trở lại đây, Trạm Tấu không có tai nạn giao thông nghiêm trọng và không có người chết vì tai nạn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Trạm Tấu kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Trạm Tấu kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Gặp chúng tôi ở xã Trạm Tấu, Sùng A Ninh ở thôn Tấu Giữa cười tít mắt:

- Dạo này cả 2 bố con ra đường là phải đội mũ bảo hiểm rồi nhà báo ạ, không mấy chú công an áo vàng phạt cho có mà mất cả bao thóc oan.
- Chú công an giao thông bố ạ! - thằng bé Lử học lớp 4 đang cởi cái mũ bảo hiểm đưa cho bố nói leo vào.

- Ừ thì bố gọi chú công an áo vàng cũng được chứ sao? - anh Ninh cười.

- Hôm ấy, cháu bảo bố cháu là mua mũ bảo hiểm cho cháu đội đi học vì chú công an giao thông về trường tuyên truyền luật bảo trẻ con cũng phải đội mũ bảo hiểm, bố cháu cứ lười mua... Thế là bị phạt... - thằng bé Lử nói với lại.

- Chả là thế này nhà báo ạ! Nhà mình trên bản cao kia xuống cơ, quen đường núi mình chả ngã được đâu mà sợ, mới lại cũng nghĩ mấy chú công an chỉ tuần tra trục đường chính chứ hơi đâu rẽ lên đây làm gì nên mới không đội mũ. Gặp mấy anh công an giao thông mình cũng nói thế, các anh ấy bảo tai nạn xảy ra làm sao biết trước được, có người về đến cổng rồi còn tai nạn. Nghe mình cũng thấy đúng, đội mũ lên đầu mình là để bảo vệ mình, bảo vệ con mình chứ có bảo vệ các chú ấy đâu mà mình phải cãi lý nhà báo nhỉ? Mình vi phạm nộp phạt là đúng. Các anh ấy cứ phải phạt thì dân mình mới nhớ được mà, Từ hôm ấy về, mình bảo mấy hộ dân gần nhà, thế mà ai cũng nghe nhé, không chỉ người lớn mà trẻ con đi gần, đi xa cũng đội hết mũ bảo hiểm rồi - anh Ninh cười nói.

Cũng cái câu chuyện, cứ bị phạt thì thế nào cũng nhớ lâu, anh Giàng A Lồng ở thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ kể rằng: "Đi ăn cỗ về, thấy trời mưa, lại là giờ con gà đã về chuồng nên nghĩ chắc chẳng ai trực ở đường nữa đâu mà bắt. Nhà gần như thế có bay cũng chả kịp ngã, mà trước say rượu đi về đầy lần có sao đâu. Thế mà vừa đi được mấy chục mét đến cái cua ở gần nhà thì giật bắn cả người vì mấy chú công an giao thông tuýt còi đỗ lại. Mấy chú công an giao thông trẻ trẻ tên Trường, tên Trang, tên Nam thì phải".

Anh Lồng huơ cái tay: "Mà cái chú công an giao thông người Mông tên Trang ấy nói có lý lắm nhé. Mình chẳng xin được, mình bảo nhà gần mà anh em cùng bản mời cỗ nể thì uống, chứ đã say đâu, cứ tưởng uống say mới bị phạt, chứ ai mà biết được độ này mới độ kia. Chú ấy bảo đã công dân thì phải chấp hành pháp luật, hôm nay, may không ngã chứ say quá mà rơi xuống cái rãnh kia thì đi viện, nặng hơn thì mất mạng rồi, nếu không may đâm vào người khác thì còn ẩu đả mất đoàn kết, say thì bảo người nhà đưa về cho an toàn cho bản thân và mọi người chứ, công an tuyên truyền mãi là uống rượu là không lái xe cơ mà. Chú ấy nói một thôi, một hồi, mình thấy đúng quá. Bản mình trước đây có mấy vụ say rượu tự ngã xe rồi còn gì, sai thì phải nộp phạt, đưa xe các chú dắt xe vào trụ sở công an. Từ ngày đấy nhớ lắm, đi đâu cũng không được uống rượu say. Rồi về mình cũng phải nói chuyện cho bà con trong bản hiểu mà chấp hành luật giao thông".

Bằng cách vừa nhắc nhở, xử lý vừa kết hợp với tuyên truyền vận động, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Trạm Tấu đã xây dựng được hình ảnh tin cậy trong mắt đồng bào dân tộc như anh Thào A Cở ở xã Túc Đán chia sẻ: "Công an có tuýt còi thì dừng lại, không biết các chú ấy sẽ nói cho để biết, để lần sau không vi phạm nữa". Để có được những công dân chấp hành tốt luật giao thông như vậy, những chiến sĩ CSGT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Những chiến sĩ công an trẻ tuổi từ thành phố Yên Bái lên với Trạm Tấu như Bùi Thanh Nam, Lê Xuân Trường, Bùi Mạnh Trường đã tìm tòi, học hỏi từ đồng đội để thuộc tiếng Mông, có thể giao tiếp với đồng bào khi tuyên truyền luật và xử lý vi phạm, khi đi tuần tra giao thông cũng chia nhau thành ê kíp thực hiện ăn ý. Đồng chí Bùi Thanh Nam chia sẻ: "Đi làm có anh Trang thì công việc thuận lợi hơn rất nhiều vì Trạm Tấu có trên 77% dân số là đồng bào dân tộc Mông nên anh Trang làm phiên dịch thì mọi việc suôn sẻ hơn, chúng tôi cũng tham gia học tiếng Mông từ chính người đồng đội này để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT ở miền núi. Lực lượng CSGT huyện Trạm Tấu đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú. Hàng năm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện để tổ chức thực hiện. 3 năm trở lại đây, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng phát 890 tờ rơi, 6 cụm panô, 30 băng rôn khẩu hiệu về nội dung bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn các xã; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thực hiện 72 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; mở chuyên mục tìm hiểu pháp luật phổ biến về luật giao thông bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Thái. Các xã tổ chức 141 buổi tuyên truyền và ký cam kết với 5.680 hộ thực hiện tốt pháp luật về an ninh trật tự và thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Các trường học đã tiến hành 16 buổi tuyên truyền với 524 lượt cán bộ giáo viên và 6.580 em học sinh tham gia.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Mù cho biết: "Các em học sinh chính là những tuyên truyền viên tích cực nhất cho gia đình và dòng họ, chính vì vậy, phổ biến luật giao thông đến các em đã đạt được hiệu quả hơn mong đợi, học sinh ở 2 cấp học của trường đều tuân thủ chặt chẽ, tham gia giao thông là đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền tới các bậc phụ huynh thực hiện đúng luật giao thông".

Nhờ những nỗ lực trong công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, ý thức chấp hành luật giao thông của đồng bào huyện Trạm Tấu đã được nâng lên rõ rệt, góp phần làm nên những cung đường bình yên cho vùng cao Trạm Tấu. "Sắc nắng" trên những tuyến đường cũng trở nên gần gũi với đồng cao vùng cao như những sắc nắng ở sân trường hay trên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ.

 Phương Thùy

Các tin khác

YBĐT - Trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 166 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 45 người, bị thương 196 người. So với cùng kỳ năm 2014, tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng các con số về tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Lục Yên thường xuyên tuần tra trên những tuyến đường trọng điểm.

YBĐT - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát đã được triển khai rộng khắp, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn huyện Lục Yên 9 tháng năm 2015 đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Hiện trường vụ tai nạn làm hai chị em dâu tử vong tại chỗ.

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khoảng 9g30 sáng 9-10 trên đường tránh TP Vinh đoạn qua xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).

Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn nghiên cứu văn bản luật trước khi làm nhiệm vụ.

YBĐT - Khi được đề nghị giới thiệu một tấm gương điển hình trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), không chút do dự, đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã nhắc ngay đến đại úy Nguyễn Thanh Tuấn - Phó đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông số 3, Phòng CSGT Công an tỉnh - người đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, góp phần giữ vững bình yên cho cuộc sống người dân trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục