Như giọt nắng mai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2015 | 1:07:28 PM

YBĐT - Ban đầu, chọn học chuyên ngành cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ duy nhất là bởi lý do "thích lái ô tô" trong suy nghĩ của cô gái chưa đầy 20 tuổi. Đến năm 22 tuổi đi thực tập ra trường ở mãi tận Sơn La để phục vụ cho luận văn tốt nghiệp chuyên đề "Tai nạn giao thông (TNGT) đường rừng núi", Thiếu tá - Đội trưởng Đội CSGT, Công an thành phố Yên Bái - Trần Thúy Vinh đã hiểu cuộc đời mình đã dành trọn cho nghề CSGT...

Thiếu tá Trần Thúy Vinh trao đổi công tác chuyên môn với các đồng nghiệp.  (Ảnh: Thanh Hương)
Thiếu tá Trần Thúy Vinh trao đổi công tác chuyên môn với các đồng nghiệp. (Ảnh: Thanh Hương)

Cô Thiếu tá trẻ vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên đi thực tập gặp chiếc xe ô tô của Ngân hàng Công thương bị lật ở dốc Pha Đin có độ sâu gần 50 mét làm chết tại chỗ 5 mạng người. Khi tận mắt chứng kiến cảnh anh đội trưởng đưa tay đỡ xác một nạn nhân nữ bị gẫy hẳn cổ, cô thực sự cảm thấy sợ cái nghề "không mấy nữ sinh nào chọn khi đó".

Cô cũng không ngờ rằng, đợt thực tập dài 7 tháng ở Đội CSGT - Trật tự của huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) năm 2002 ấy với những vụ việc từ va quệt, tai nạn bị thương cho đến chết người lại chính là "cái nôi đầu tiên đào tạo cho mình kinh nghiệm thực tế" để bắt đầu công việc vô cùng vất vả của người nữ chiến sĩ CSGT sau này.

Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát khóa 24 chuyên ngành CSGT, tháng 9/2003, nữ CSGT Trần Thúy Vinh được phân công về làm nhiệm vụ ở Đội CSGT Công an thành phố Yên Bái. Là cô gái bộc trực, thích tìm hiểu, điều tra, khám phá, mặc dù gia đình không có ai theo nghề công an nhưng Vinh đã chọn và gắn bó với CSGT như một cái duyên định sẵn.

Cô hiểu rằng, TNGT là điều mà không một người điều khiển phương tiện nào muốn song nó lại luôn xảy ra trong những tình huống bất ngờ. Vì vậy, làm hiện trường TNGT là phải kỳ công khổ luyện, phải sát thực tế, bất kể ngày giờ, thời tiết và phải kết hợp chặt chẽ với lý thuyết đã được đào tạo ở trường.

Là người lính của công việc nên mọi người thường thấy nữ CSGT Trần Thúy Vinh có mặt ở những "điểm đen" an toàn giao thông, ở hiện trường những vụ tai nạn, cùng đồng đội đứng phân luồng giao thông khi mưa lũ, thiên tai hay có khi một mình chạy ô tô mang hồ sơ, biên bản hiện trường về đơn vị. Có lẽ, đó cũng là lý do mà cô đã chọn cho mình người bạn đời cũng làm công an để cảm thông và cùng chia sẻ mọi công việc.

Cô kể, có đêm cùng đồng đội đi xử lý TNGT, được lãnh đạo phân công mang hồ sơ về đơn vị thì bị hai đối tượng một nằm trước mũi xe, một nằm ngay sau xe ô tô cản trở. Lãnh đạo Công an thành phố Yên Bái phải huy động cảnh sát 113 đến giải vây và đêm hôm đó hoàn thành xong nhiệm vụ gần 3 giờ sáng cô mới về tới nhà. Mệt nhưng lại có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống khi đang làm nhiệm vụ.

Có năm, vào đúng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhưng công việc vẫn rất bộn bề, tới chiều "sếp bảo cho cái Vinh nghỉ" nhưng khi có tin báo TNGT xảy ra anh em lại bảo "lên đường cùng đi làm". Xong nhiệm vụ về tới nhà đúng 1 giờ 30 sáng. Lúc "rảnh rỗi" thì như vậy nhưng khi có con mọn, vẫn công việc ấy không thể làm khác được, hai vợ chồng phải trông cả vào ông bà nội chăm con giúp mà lo hoàn thành nhiệm vụ. "May mà chúng em có ông bà trông các cháu chứ chỉ hai vợ chồng thì cũng không biết xoay sở ra sao" - Vinh nói.

Thiếu tá Vinh tâm sự: "Có nhiều vụ TNGT xảy ra trong đêm, anh em gọi điện thoại, đang cho con ngủ cũng phải ra làm hiện trường. Thật may có bố chồng nguyên là Trưởng Công an huyện Trấn Yên nên ông hiểu và rất thông cảm với nhiệm vụ của các con. Có hôm vừa về tới nhà, bố chồng đang dắt xe máy lên hộ, nghe thấy con có điện thoại, ông lại lùi xe xuống "để con đi làm nhiệm vụ".

Cũng có những hôm ông bà đi vắng, con gái lớn của cô không có ai trông đành phải đem theo ra hiện trường. Ra đó, đã 21, 22 giờ đêm, tưởng con sợ, ai dè con bé chưa đầy 5 tuổi ấy chẳng những không sợ bóng đêm mà còn biết cầm đèn pin soi cho mẹ đo hiện trường TNGT.

"Làm CSGT thật thiệt thòi, đặc biệt là nữ CSGT!". Với Thiếu tá Trần Thúy Vinh, câu nói đó hoàn toàn đúng. Vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với nhân dân, người nữ đội trưởng CSGT thành phố miền núi ấy phải khắc phục mọi khó khăn, mọi thứ tình cảm riêng tư để hoàn thành công việc chung của Đội. Không có thời gian đi spa, đi hấp tóc hay làm đẹp như những chị em ở các cơ quan khác.

Cho dù có muốn nhưng cũng thật khó dành cho gia đình, chồng con, họ hàng nội ngoại những ngày nghỉ cuối tuần đi thăm thú hay du lịch. Có thể nói, do đặc thù nghề nghiệp mà thời gian "rảnh" của CSGT là thấp nhất so với những cán bộ làm các công việc chuyên môn khác khi mà trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ở miền núi còn nhiều hạn chế.

Ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết là dịp mà mỗi thành viên trong các gia đình đều muốn sum họp đầy đủ để tổ chức bữa ăn tươi hay đi du lịch thì cũng chính là lúc mỗi góc phố, mỗi tuyến đường, mỗi "điểm đen" giao thông cần hơn cả sự có mặt của những chiến sĩ CSGT để giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn. Thiếu tá Vinh tâm sự: "Có lần, hai vợ chồng em đều đi làm về muộn, con gái nhỏ nó dỗi và bảo "Cả hai người cứ đi làm suốt, để con ở nhà một mình", lại thấy thương con nhiều hơn nhưng đã chọn công việc này rồi thì mình phải có trách nhiệm. Không thể trên đường về đón con mà gặp TNGT lại làm ngơ mà quay đi được".

Từ năm 2013, được giao trọng trách Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố, quản lý 20 chiến sĩ lại càng đòi hỏi ở người nữ CSGT ấy nhiều hơn trách nhiệm, sự hy sinh và vai trò của người đứng đầu. Với anh em đồng đội lớn tuổi, Vinh như cô em gái cương trực, trách nhiệm và hết mình vì mọi người.

Với các chiến sĩ trẻ, cô giữ vai trò người chị cả, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi và tâm lý trong xử lý các tình huống công việc, gia đình hay chuyện riêng tư của các em. Vì thế, cô luôn được anh em trong Đội nói riêng, đồng nghiệp trong đơn vị nói chung tôn trọng và quý mến.

Thiếu tá Trần Thúy Vinh luôn có mặt kịp thời tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Lê Phiên)

Thượng tá Nguyễn Đình Phương - Phó trưởng Công an thành phố Yên Bái nhận xét: "Đó là một đồng chí CSGT nữ nhưng rất tích cực. Khi có gia đình, có con nhỏ, đồng chí dường như còn tích cực hơn". Còn Thiếu úy Hoàng Đức Hoàng - cán bộ Đội CSGT thành phố lại chân thành: "Chị Vinh không những là người Đội trưởng giỏi về chuyên môn mà còn tâm lý như người chị gái trong gia đình, giúp chúng em tiến bộ hơn trong công việc hàng ngày và cách giao tiếp, ứng xử với nhân dân".

Với nhân dân, với những chủ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông hay những nạn nhân không may trong các vụ TNGT đã từng gặp và tiếp xúc với nữ Thiếu tá, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Yên Bái - Trần Thúy Vinh thì ấn tượng về "cô CSGT ấy thật khó quên vì thái độ xử lý vi phạm rất cương quyết nhưng cũng đầy tình người".

Xin được trích một đoạn tin nhắn của chủ phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật giao thông về nữ CSGT Trần Thúy Vinh như sau: "Tôi lái xe đường dài nhiều, cũng có một số lần vi phạm lỗi giao thông nhưng tôi chưa gặp CSGT nào lại tốt với dân như cô ấy. Không phải vì cô ấy không xử lý vi phạm với tôi mà tôi nói vậy. Ngược lại, cô ấy còn xử lý rất quyết liệt là đằng khác nhưng cách xử lý của cô ấy khiến tài già như tôi phải nể". Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp các nạn nhân và gia đình nạn nhân trong các vụ TNGT được Thiếu tá Trần Thúy Vinh làm hiện trường và xử lý vi phạm tận tình giúp đỡ, giải quyết thấu tình, đạt lý và nhanh gọn.

Hỏi về những vụ việc ấy, Thiếu tá Vinh chỉ cười hiền: "Em thực sự chỉ muốn người dân hiểu, thông cảm và có cái nhìn đúng hơn với công việc của CSGT mà thôi. Công việc của người chiến sĩ công an nhân dân nói chung và người chiến sĩ CSGT nói riêng đều vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Vì thế, cứ một ngày trôi qua không có TNGT xảy ra, với chúng em mới đúng nghĩa là một ngày hạnh phúc".

Tôi hiểu. Để mỗi ngày trôi qua là một ngày hạnh phúc, mỗi chiến sĩ CSGT phải thực sự là những "giọt nắng" làm bừng sáng khoảng trống kiến thức pháp luật trong các chủ phương tiện tham gia giao thông, làm mờ đi những "điểm đen" trên các tuyến phố để cuộc sống thanh bình với những tiếng cười hạnh phúc luôn ngập tràn trong mỗi gia đình - mỗi tế bào của xã hội hôm nay.

Thanh Hương 

Các tin khác
Người học lái xe được lựa chọn loại bằng lái xe số tự động hoặc cả số sàn. Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ đốc thúc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để cấp giấy phép lái xe số tự động hạng B1 từ 1/1/2016.

Hiện trường 1 vụ tai nạn giao thông trên đường Điện Biên, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Tai nạn giao thông có thể xảy ra trên mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Hậu quả của những vụ TNGT đã gây nên những thiệt hại nặng nề về kinh tế, ám ảnh về thể xác và tinh thần cho mọi người trong gia đình người bị nạn.

Đồng chí Nguyễn Hữu Biên – Phó giám đốc Công an tỉnh, thay mặt đoàn công tác thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân Hoàng Văn Tâm, thôn Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam”, từ 10-11/11, Ban ATGT tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT).

Các chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an huyện Lục Yên kiểm tra giấy phép lái xe người điều khiển phương tiện giao thông.

YBĐT - Cuộc giao ban hàng tuần của Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động (CSGT-TT-CĐ), Công an huyện Lục Yên trong căn phòng rộng khoảng hơn chục mét vuông diễn ra trong 2 giờ. Sau đó, các tổ tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. “Công việc của Đội chủ yếu ở trên các tuyến đường, các anh cùng đi thì mới thấy và nắm nhiều thông tin” - Thiếu tá Vũ Phú Cường - Đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ, Công an huyện Lục Yên nói với chúng tôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục