Sắc nắng trên đỉnh non ngàn
- Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2015 | 3:00:21 PM
YBĐT - Cứ ngỡ sẽ chẳng có gì đặc biệt khi tìm hiểu về công việc của những chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) ở tận huyện vùng cao Mù Cang Chải - cái nơi mà: “Anh thấy đấy, đứng cả tiếng đồng hồ chỉ gặp vài xe lưu thông trên đường thôi” như lời Thượng úy Lê Anh Tuấn - Đội phó Đội CSGT, Trật tự và Cơ động, Công an huyện Mù Cang Chải nói với tôi. Ấy thế mà khi đi sâu tìm hiểu về công việc của các anh, tôi “vỡ” ra rất nhiều điều. Những điều ấy, nếu không “3 cùng” với các anh thì có lẽ sẽ không bao giờ tôi biết được.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Mù Cang Chải tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Chế Cu Nha.
|
Đầu giờ chiều nắng nhẹ, giữa tiết thu vàng mát rượi vùng sơn cước, tôi được thông báo: “Đội em chuẩn bị đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở theo kế hoạch, đặc biệt về Luật Giao thông đường bộ. Anh có muốn đi cùng không? Nhiều chuyện để kể lắm đấy!”. Tất nhiên, tôi không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội như thế. Vậy là tôi xin phép lãnh đạo Công an huyện được đi cùng Đội của Tuấn.
Hôm ấy, Đội CSGT, Trật tự và Cơ động thực hiện kế hoạch tuyên truyền ở xã Chế Cu Nha - xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Mù Cang Chải với gần 100% là đồng bào Mông sinh sống. Trước nay với tôi, chuyện giờ giấc ở cái nơi vùng cao này thì hầu như chỉ là lấy lệ, hẹn hò đấy nhưng việc nhanh chậm hàng tiếng đồng hồ là thường. Ấy thế mà khi chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Chế Cu Nha - địa điểm được các chiến sỹ CSGT chọn để tổ chức buổi tuyên truyền - đã đông kín người, chủ yếu là các em học sinh và thầy cô giáo, lại có thêm cả nam, nữ thanh niên trong các thôn, bản cũng rủ nhau kéo đến để nghe tuyên truyền, xếp hàng rất trật tự, quy củ chứ không hề lộn xộn. Hình như ai cũng rất háo hức muốn được nghe các chiến sỹ công an phổ biến về luật, về các biện pháp tham gia giao thông bảo đảm an toàn.
Khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi vì vừa phải đi bộ vượt quãng đường dốc từ trên bản Thào Chua Chải - bản xa nhất của xã, cách trung tâm xã đến trên 10 km đường đất, anh Vàng A Tùng - Trưởng bản Thào Chua Chải cho biết: “Được thông báo về kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Công an huyện tại xã, dù công việc mùa màng đang rất bận nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bảo nhau xuống nghe cho bằng được. Có được những ngày như thế này là quý với bà con lắm! Bà con cần được biết về luật, hiểu luật để không làm trái pháp luật”... Ngày hôm ấy, anh Tùng cùng hơn chục người dân ở Thào Chua Chải đã gác lại công việc để đến đây. Thế mới biết, dù ở nơi nghèo khó, đường xá trắc trở đến mấy thì nhu cầu về thông tin, về kiến thức pháp luật của bà con nhân dân vẫn không hề giảm... Buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông của Đội tại Chế Cu Nha diễn ra trong không khí hết sức nghiêm túc, bà con nhân dân và các em học sinh đều rất chăm chú vào lời truyền đạt của các chiến sỹ công an.
Thỉnh thoảng lại có tiếng xì xào nho nhỏ “À, ra thế”, “Ừ, đúng thật” hoặc vài ý kiến thắc mắc của bà con nhân dân về các tình huống cụ thể xảy ra trên đường khi tham gia giao thông. Ý kiến nào cũng đều được các chiến sỹ công an giải đáp kịp thời cho bà con biết và hiểu thật rõ. Ngoài việc tuyên truyền về luật, về các loại biển báo trên đường khi tham gia giao thông, các chiến sỹ còn tận tình hướng dẫn cho bà con nhân dân và các em học sinh rất cặn kẽ về cách đội mũ bảo hiểm thế nào cho đúng, loại mũ bảo hiểm nào an toàn, lái xe như thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro, những trường hợp nào không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi tham gia giao thông thì phải mang đầy đủ giấy tờ sở hữu phương tiện và giấy phép lái xe...
Tất cả những thông tin bổ ích ấy đều được bà con nhân dân và các em học sinh tiếp thu rất chăm chú và tỏ thái độ đồng thuận cao. Đặc biệt, rất nhiều em học sinh giơ tay phát biểu ý kiến để tìm hiểu về nội dung các biển báo giao thông hay hỏi về các quy định về nhường đường, nhường phương tiện thường gặp trên đường.
Trung úy Hảng A Dê – chiến sỹ Đội CSGT, Trật tự và Cơ động, người trực tiếp tham gia tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải chia sẻ: “Đồng bào vùng cao chúng em rất dễ gần và mến khách, đặc biệt khi đã yêu quý thì rất nhiệt tình và cầu thị. Việc tham gia những buổi tuyên truyền như hôm nay được bà con mong đợi lắm! Hầu như tổ chức ở xã nào, cơ sở nào, lực lượng công an cũng đều được chào đón hết sức chân tình, ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi”...
Được biết, theo kế hoạch, mỗi năm, Đội tổ chức trên 40 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, an toàn giao thông cho trên dưới 10 nghìn lượt người dân tại địa bàn 14/14 xã, thị trấn của huyện. Ở địa bàn nào, cơ sở nào, bà con nhân dân cũng được tham gia nghe và được tổ chức ký cam kết trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, từ đó bà con hiểu rõ về luật, dẫn tới thay đổi nhận thức và hành vi để thực hiện đúng pháp luật. Vì thế, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng như các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện nhiều năm gần đây đã giảm đáng kể.
Trở lại câu chuyện nghiệp vụ của các chiến sỹ CSGT nơi vùng cao Mù Cang Chải này, với “đặc trưng” là gắn bó với đồng bào, quan điểm của các anh là “giúp cho người dân hiểu rõ về luật, biết cách bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác khi tham gia giao thông” chứ không nặng về phạt lỗi. Từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, lực lượng CSGT Công an huyện đã xử lý trên 5.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 476 phương tiện, xử phạt hành chính 1,5 tỉ đồng - chủ yếu là các trường hợp người tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy phép lái xe và chạy quá tốc độ quy định...
Các chiến sỹ cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 32.
Nói về lĩnh vực này, Thượng úy Lê Anh Tuấn tâm sự: “Nói chung bà con ở vùng cao cần phải có thời gian để thay đổi hành vi, không phải một sớm một chiều là có thể áp Luật vào ngay được. Lực lượng CSGT chúng tôi vẫn chủ yếu dùng biện pháp răn đe, giáo dục từ từ, nhắc nhở là chính để bà con thay đổi. Được cái là bà con rất tích cực lắng nghe, rất ít khi xảy ra trường hợp chống lại người thi hành công vụ”...
Điều đặc biệt và cũng là “đặc trưng” hình như chỉ có ở những vùng cao như Mù Cang Chải là việc người vi phạm khi tham gia giao thông thường xuyên “cười rất tươi” để xin tư vấn thêm về luật, “bị bắt xe nhưng vẫn vui vẻ để học hỏi và sẵn sàng nộp phạt chứ không rút điện thoại ra “cầu cứu” bao giờ” - Tuấn cho biết thêm. Và tôi cũng nhận ra rằng, đối với người dân ở đây, các chiến sỹ CSGT thực sự là những người bạn của dân, được bà con yêu mến chứ không hề thấy hình ảnh “sợ CSGT” như ở một số vùng miền tôi đã đi qua. Phải chăng chính những tình cảm mà các anh mang lại cho nhân dân nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này đã “cảm hóa” từ trong tâm thức của họ, để trong họ hình thành nên một sự kính trọng, yêu mến dành cho các chiến sỹ Công an nhân dân.
Thế mới biết, CSGT không chỉ là những người bảo đảm việc tuần tra, xử lý vi phạm trên đường họ còn là những người góp phần tích cực vào việc tuyên truyền cho người dân biết, hiểu về luật để từ đó người dân tư duy, thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi khi tham gia giao thông trên đường. Việc “cầm tay chỉ việc” và giáo dục từ “gốc” mới chính là điều quan trọng trong công việc của những chiến sỹ mang trên mình bộ quân phục tươi màu nắng nơi vùng cao Mù Cang Chải này và có thể nói, “tôi khâm phục việc các anh đang gắn bó” - CSGT cũng trèo đèo, lội suối như bao nghề...
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ thường xuyên có mặt tại các tuyến đường để tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) hay cấp cứu người bị tai nạn mà các chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Trật tự - Cơ động, Công an thị xã Nghĩa Lộ còn ngày đêm thầm lặng “cõng luật” về các thôn, bản, tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số.
YBĐT - Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), đường sắt giai đoạn 2014 - 2020, UBND tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong tỉnh.
YBĐT - Trong tháng 10/2015, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Trạm Tấu phát hiện 49 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, các lỗi chủ yếu là: không đội mũ bảo hiểm, không có đăng ký phương tiện, không có giấy phép lái xe, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT mở rộng triển khai lắp camera trên toàn tuyến, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc.