Bến đò Hóp (xã Báo Đáp) đi xã Hoàng Thắng (Văn Yên) là 1 trong 2 bến đò ngang quan trọng của xã Báo Đáp giúp nhân dân trao đổi, giao thương hàng hóa. Để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua bến đò, xã Báo Đáp đã ra mắt mô hình "Bến đò ngang an toàn” từ năm 2014, có đội thanh niên tình nguyện ứng trực gồm 7 thành viên tham gia. Ngoài ra, xã thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi qua đò.
Ông Nguyễn Văn Hải - lái đò ngang bến Hóp tâm sự: "Là người trực tiếp tham gia đưa đón khách qua sông, tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở về các quy định khi đi đò cho người dân. Qua nhiều năm tuyên truyền, ý thức của đa số người dân đã được nâng lên”.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp khẳng định: "Với 2 bến đò ngang đang hoạt động trên địa bàn, vấn đề đảm bảo ATGT đường thủy luôn được chính quyền xã quan tâm. Hàng năm, xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm tra các điều kiện an toàn trên các bến đò; đồng thời yêu cầu các chủ phương tiện tại các bến đò hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn như: sử dụng phao cứu sinh, sắp xếp phương tiện, chỗ ngồi và thường xuyên kiểm tra độ an toàn của thuyền, thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm...”.
Hiện nay, bến đò Y Can - Cổ Phúc có mật độ người qua lại lớn nhất huyện Trấn Yên, bình quân 20 phút/chuyến, hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối với khoảng 400 - 500 lượt khách và phương tiện qua lại trong ngày.
Do lượng khách qua lại khá đông, nhu cầu phục vụ khách và vận chuyển hàng hóa của nhân dân các xã: Y Can, Quy Mông, Kiên Thành, Minh Tiến cũng như các xã lân cận rất cao nên vấn đề đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người tham gia giao thông được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, UBND xã Y Can đã xây dựng mô hình "Bến đò tự quản về ATGT”. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả tích cực vào việc đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.
Các thành viên tham gia mô hình tự quản thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, giáo viên, học sinh khi đi qua đò chấp hành nghiêm Luật ATGT đường thủy; tổ chức ký cam kết với tổ đò không vi phạm ATGT; đồng thời yêu cầu các chủ đò đảm bảo các phương tiện như phao cứu sinh, dụng cụ nổi; đường lên xuống bến, nhà chờ được vệ sinh sạch sẽ, có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm, có biển báo hiệu, hai đầu bến bờ cắm nội quy, quy định, niêm yết giá đò và chở đúng số người quy định...
Ông Nguyễn Văn Thắng - một người dân thường xuyên qua lại bến đò cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi qua bến đò này, tôi cảm thấy rất yên tâm vì trên thuyền được trang bị đầy đủ áo phao và phao nổi, bến đò đã được đổ bê tông thuận tiện cho việc lên xuống đò”.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng các tổ tự quản về ATGT đường thủy và "Bến đò ngang an toàn” ở Trấn Yên đã góp phần tăng cường các giải pháp an toàn cho phương tiện, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như ý thức chấp hành quy định của người tham gia giao thông góp phần đảm bảo trật tự ATGT, ngăn ngừa và hạn chế tai nạn giao thông tại các bến đò.
Ông Phùng Nguyên Ngọc - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an huyện Trấn Yên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Đội đã thực hiện tuần tra, kiểm soát ATGT đường thủy 13 ca, qua đó phát hiện và xử lý phạt tại chỗ 53 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 8 triệu đồng, lỗi vi phạm chủ yếu là không mang dụng cụ nổi cứu sinh, để mờ vạch dấu nước an toàn”.
Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông tại các bến đò ngang, đặc biệt trong mùa mưa bão sắp đến, lực lượng chức năng huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời nhắc nhở và xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy của chủ đò và hành khách.
Anh Dũng