Đã hơn 1 năm kể từ khi các xe khách, xe tải bắt buộc phải lắp camera giám sát. Doanh nghiệp vận tải phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt, lưu dữ liệu hàng ngày, nhưng đến nay chưa phát huy tác dụng do thiếu có 1 trung tâm xử lý dữ liệu, điều hành hệ thống như kế hoạch đặt ra.
Chủ trương đúng nhưng đừng lãng phí
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là bảo đảm quyền lợi và an toàn cho hành khách, năm 2020 Chính phủ ban hành nghị định 10 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó hết 31/12/2021 tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Thực hiện Nghị định này, khoảng 300.000 xe khách và vận tải hàng hóa trong cả nước đã được lắp camera. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, hệ thống này chưa phát huy được hết tác dụng như yêu cầu và mục tiêu, trong khi chi phí mà các đơn vị kinh doanh vận tải đã phải bỏ ra là rất lớn
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải này cho biết, sau khi thực hiện theo Nghị định 10 của Chính phủ trong việc lắp camera giám sát hành trình, doanh nghiệp đã lắp cho 70 xe theo đúng quy định. Chi phí lắp đặt thiết bị mỗi xe gần 7 triệu đồng, bện cạnh đó doanh nghiệp đã phải chịu chi phí truyền dữ liệu theo ứng dụng 4G, mỗi xe một tháng khoảng 400 nghìn đồng, một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên sau một năm đưa vào hoạt động cũng không mạng lại nhiều hiệu quả.
Nghị định 10 của Chính phủ ban hành tháng 1/2020, trong đó yêu cầu lắp camera trên xe được nêu ở khoản 5 Điều 34, cụ thể như sau:
Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công- ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (đối với xe vận tải hành khách bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe ) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe phải đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét; Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.
Bắt đầu từ đầu năm 2022, xe nào không lắp camera thì đơn vị kinh doanh vận tải có xe đó sẽ bị xử phạt |
TNGT do vi phạm tốc độ
Cần nói rõ thêm là trước đây, thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp Tổng cục Đường bộ có thể theo dõi các xe chở khách, rồi container về các thông số như tốc độ, thời gian hoạt động của lái xe, hành trình xe di chuyển… Với camera giám sát thì ngoài các thông số trên còn giúp theo dõi hình ảnh của lái xe, hành khách, tình hình an ninh trật tự trên xe, từ đó kịp thời nhắc nhở, điều tiết lái xe. Nhưng đây chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, hầu như các dữ liệu đều gần như là dữ liệu chết. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do không kịp thời được cảnh báo, nhắc nhở.
Liên quan đến vụ TNGT nghiêm trọng do xe tải không làm chủ tốc độ đâm xe khách làm 3 người tử vong, 8 người bị thương ở Khánh Hòa đêm 11/7/2022. Theo cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, sau vụ tai nạn, qua kiểm tra xác định tài xế xe tải Đỗ Tiên Điệp có nồng độ cồn trong máu. Đồng thời, chiếc xe tải chở hàng quá tải trọng cho phép tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ngoài ra, theo trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy chiếc xe tải này điều khiển trước thời điểm xảy ra tai nạn đang lưu thông với tốc độ 77 km/h .Tuy nhiên, trước thời điểm đó, không ít lần chiếc xe vượt quá tốc độ cho phép,xe liên tục đạt tốc độ trên 80km .Theo nhận định ban đầu của Công an tỉnh Khánh Hoà, do không chú ý quan sát nên tài xế không làm chủ được tốc độ đã đâm vào đuôi xe khách gây ra vụ tai nạn.
Sáng ngày 14/2/2023 tại huyện Núi Thành , tỉnh Quang Nam đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, cơ quan công an bước đầu xác định nguyên nhân tai nạn là do xe khách chở quá số người và chạy vượt tốc độ cho phép. Theo dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, vụ việc xảy ra lúc 3 giờ 41, tốc độ xe khách lúc 3 giờ 40 phút 51 là 69 km/h, trước đó 10 giây, tốc độ là 73 km/h. Trong khi đoạn đường này cho phép chạy 60 km/h.
Nghị định 10 quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có yêu cầu lắp camera đối với cả xe vận tải hành khách và hàng hóa với mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, hiện đại, thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ này, cũng như góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đây là chính sách đúng và phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải.
Tuy nhiên, cần có sự tính toán kỹ lưỡng và tổ chức triển khai đồng bộ. Trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn, hàng trăm nghìn đơn vị kinh doanh vận tải đã phải hết sức cố gắng để thực hiện đúng quy định về lắp camera. Nếu không sớm có trung tâm xử lý dữ liệu, những nỗ lực đáng giá nghìn tỷ ấy sẽ trở thành một sự lãng phí xã hội vô cùng lớn, trong khi hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải có nguy cơ thụt lùi.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
(Theo VTV)