Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 23/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông.
Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đáng chú ý nhất trong dự thảo này là việc Chính phủ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Dự thảo Nghị quyết giao Bộ GTVT và Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được tách từ Luật Giao thông đường bộ).
Theo đó, Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội hai dự luật này vào Kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trong đó, dự án Luật Đường bộ xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ Trung ương tới các địa phương.
UBND các tỉnh, thành được quyết định đầu tư bằng ngân sách địa phương, đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam; đầu tư mở rộng các tuyến đường quốc lộ hiện có theo quy hoạch và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, kết hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh việc hoàn thiện Luật Đường bộ, Bộ GTVT phải hoàn thiện chính sách pháp luật phân cấp, phân quyền trong vận tải đường bộ và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Sửa nghị định 10 theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để công tác quản lý danh mục tuyến cố định liên tỉnh cho các Sở GTVT…
Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự thảo nghị quyết nêu rõ cần phân định rõ trách nhiệm của lực lượng Công an trong công tác chỉ huy, điều hành giao thông; cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin để xác định và xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
***** Tại Yên Bái, trong đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, triển khai các kế hoạch, chuyên đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Sau khi ra quân sẽ triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, chuyên đề, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đồng thời sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vi phạm tốc độ trên đường bộ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; xử lý các phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép.
Người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an tỉnh nếu không kiểm soát, kiềm chế được tai nạn giao thông, để xảy ra tình hình phức tạp trên địa bàn. Ban Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái nghiêm cấm các hành vi can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Quang Tuấn (BT- Vietnamnet)