Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 1 người chết, 4 người bị thương. Lực lượng chức năng phát hiện, lập biên xử lý 332 trường hợp vi phạm là học sinh điều khiển xe máy điện; tạm giữ 258 phương tiện, phạt cảnh cáo 191 trường hợp, phạt tiền 141 trường hợp.
Để giải quyết tình trạng này, Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND thành phố Yên Bái vừa có công văn về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái, việc lập danh sách học sinh sử dụng phương tiện giao thông đến trường và tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Giao thông đường bộ và ký cam kết không sử dụng xe máy điện để tới trường đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, chấp hành nghiêm của các em học sinh.
Em Vũ Ngọc Hà - lớp 9A, Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: "Trước đây có nhiều bạn chưa hiểu rõ về Luật Giao thông đường bộ nên có tình trạng sử dụng xe máy điện đến trường. Sau khi được nhà trường tuyên truyền, các chú cảnh sát giao thông phổ biến đã giúp chúng em hiểu thêm về pháp luật và chấp hành tốt hơn. Ở trường, nếu có bạn nào sử dụng xe máy điện, các bạn trong lớp có nghĩa vụ nhắc nhở và báo cho giáo viên chủ nhiệm. Để tới trường, em luôn chọn đi xe đạp là phù hợp nhất, giúp em nâng cao thể lực của bản thân. Khi đi đâu xa, em thường nhờ bố mẹ, anh chị đưa đi. Em nghĩ đây là cách tốt để giúp học sinh được an toàn hơn khi đến trường cũng như tham gia giao thông ngoài xã hội”.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hầu hết các bậc phụ huynh cũng chủ động ký cam kết và không giao xe máy điện cho con khi chưa đủ 16 tuổi nên vào giờ tan trường không còn tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện.
Phụ huynh Nguyễn Công Sự cho biết: "Chúng tôi đã ký cam kết với nhà trường và không muốn mình trở thành người vi phạm, các cháu cũng ý thức được việc đó nên hoặc lựa chọn đi xe đạp, xe đạp điện không thì bố mẹ, anh chị sẽ đưa đón. Thực tế đã có khá nhiều vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc người sử dụng phương tiện giao thông không đủ tuổi, thiếu kỹ năng xử lý, thiếu ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông nên tôi rất đồng tình với chủ trương của nhà trường, công văn của UBND thành phố và của tỉnh. Mong sao các em học sinh, phụ huynh nghiêm chỉnh chấp hành để các em được đến trường an toàn, đúng luật".
Theo rà soát của Trường THCS Lê Hồng Phong, 100% học sinh không sử dụng xe máy điện để tới trường. Một số em đã chuyển sang sử dụng xe đạp điện, xe đạp hoặc nhờ bố mẹ đưa đón khi tới trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Luyến - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: "Nội dung tuyên truyền của chúng tôi tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, các nguy cơ tiềm ẩn khi học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện, những lợi ích của việc đi xe đạp hoặc đi bộ đến trường. Đồng thời, đề nghị các lớp, các bậc phụ huynh ký cam kết không vi phạm pháp luật và quan tâm, giáo dục con em về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ".
Những ngày này, tại khu vực cổng Trường THPT Nguyễn Huệ có số phương tiện giao thông đông hơn một chút do một số học sinh khối lớp 10 đã nhờ bố mẹ, anh chị đưa đón. Tuy nhiên, vẫn còn học sinh chưa đủ điều kiện sử dụng xe máy điện đến trường.
Thấy giáo Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: "Toàn trường có 472 học sinh khối lớp 10 (lứa tuổi từ 15 đến 16 ). Hàng năm, Trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục về Luật Giao thông đường bộ, truyền thông về an toàn giao thông học đường... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít học sinh khối 10 chưa bước sang tuổi 16 vẫn sử dụng xe máy điện đến trường.
Để hạn chế vấn đề này, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đồng thời rất cần sự chung tay của toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cơ quan chức năng để vừa tuyên truyền vừa nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và kỹ năng trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, giao thông học đường".
Theo anh Nguyễn Tuấn Hùng - phụ huynh học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Huệ: "Gia đình đã mua xe máy điện cho con từ khi cháu còn học cấp 2. Từ khi tỉnh, thành phố triển khai công văn không cho học sinh chưa đủ 16 tuổi sử dụng xe máy điện, gia đình tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành. Hai vợ chồng tôi bố trí thời gian, tranh thủ đưa đón con đi học. Chỉ còn vài tháng nữa cháu sẽ đủ 16 tuổi, gia đình sẽ tích cực bổ trợ kiến thức, kỹ năng để cháu tham gia giao thông an toàn”.
Xe máy điện là loại phương tiện nhỏ gọn, không cần bằng lái, vì vậy những năm gần đây tỷ lệ học sinh, nhất là học sinh cấp THCS trở lên sử dụng xe máy điện ngày càng phổ biến. Theo quy định của pháp luật, học sinh THCS có độ tuổi từ 11 tuổi - 14 tuổi và học sinh THPT dưới 16 tuổi sẽ không được dùng xe máy điện để lưu thông trên đường. Thế nhưng, một phần do chủ quan, thiếu hiểu biết nên nhiều bậc phụ huynh vẫn sắm cho con mình chiếc xe máy điện làm phương tiện đi học khi các em chưa đủ tuổi, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cảu các em chưa cao, trong khi xe máy điện di chuyển trên đường gần như không có tiếng động, tốc độ tối đa có thể lên tới 40 - 50 km/h.
Trung tá Trần Thị Kim Thủy - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an thành phố Yên Bái nhấn mạnh: "Nếu các cháu chưa đủ 16 tuổi thì chỉ được sử dụng phương tiện giao thông có dung tích dưới 50 phân khối, cụ thể được sử dụng xe đạp, xe đạp điện để đến trường còn xe máy, xe máy điện bắt buộc phải đủ 16 tuổi trở lên mới được sử dụng – Đó là quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008".
Hàng năm, Công an thành phố Yên Bái cũng đã phối hợp với các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh các trường trên địa bàn đồng thời tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật…
Trung tá Trần Thị Kim Thuỷ cho biết thêm: "Thực trạng các cháu học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi sử dụng, Công an thành phố Yên Bái đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo có liên quan để tuyên truyền, vận động đảm bảo an toàn giao thông cho các cháu học sinh khi đến trường và những người tham gia giao thông khác.
Tôi cũng mong muốn các bậc phụ huynh sẽ phối hợp tốt với nhà trường, cơ quan chức năng để giúp con em mình chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là không giao xe máy, xe máy điện cho con khi chưa đủ 16 tuổi và bố trí thời gian hoặc lựa chọn loại hình giao thông phù hợp để đưa, đón con em tới trường một cách an toàn, đúng pháp luật”.
Ðể giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, cơ quan chức năng và toàn xã hội trong giáo dục ý thức tự giác của mỗi học sinh khi tham gia giao thông. Lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các nhà trường, các bậc phụ huynh tăng cường công tác phối hợp quản lý, giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em mình tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, đặc biệt không giao xe gắn máy, xe máy điện cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển.
Hoài Văn