Các lực lượng tăng cường kiểm tra bảo đảm ATGT đường thủy
- Cập nhật: Thứ tư, 24/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mặc dù tai nạn giao thông đường thuỷ ít xảy ra (từ đầu năm đến nay mới có một vụ). Tuy nhiên, trong đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thuỷ trong đợt đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện khá nhiều trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thuỷ vẫn còn ở mức độ cao.
Trên hồ Thác Bà nhiều đối tượng vẫn coi thường an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.
|
Đường sông của tỉnh Yên Bái có tổng chiều dài khoảng 198km, trong đó sông Hồng dài khoảng 115km, sông Chảy dài khoảng 83km. Sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà, tuyến sông Chảy trở thành một vùng hồ rộng lớn rất thuận lợi cho giao thông đường thủy phát triển. Nhiều người dân các xã nằm ven sông Hồng và vùng hồ Thác Bà làm nghề vận tải thuỷ và kinh doanh bến bãi, nên đến nay trên địa bàn Yên Bái có hàng chục bến bãi bốc xếp hàng hóa và vật liệu xây dựng, vài chục bến khách ngang sông và khoảng gần 500 phương tiện (có đăng ký vận tải), trong đó có 46 phương tiện vận chuyển khách ngang, dọc sông và trên vùng hồ.
Dù lưu lượng phương tiện vận tải không nhiều, nhưng do các tuyến đường thủy của Yên Bái chủ yếu vẫn ở trạng thái tự nhiên, về mùa mưa lũ, mực nước dâng nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn hình thành rất nhiều xoáy nước. Ngược lại, về mùa cạn, mực nước xuống rất thấp, nhiều bãi cạn, bãi bồi ngầm là những chiếc bẫy ẩn chứa nhiều hiểm họa cho các phương tiện qua lại, nhất là với những chiếc đò không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá tải, người điều khiển không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn…
Theo kết quả từ cuộc tổng điều tra phương tiện thuỷ năm 2007 và qua công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa của lực lượng chức năng cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa đã và đang diễn ra khá nghiêm trọng. Phổ biến nhất là tình trạng chở quá tải và tình trạng “nhiều không”, như: phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm; không trang bị đủ các dụng cụ cứu sinh, cứ nạn, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.
Trong đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thuỷ trong đợt đầu năm, với 37 bến thuỷ nội địa được kiểm tra, đã có 10 bến hoạt động trái phép, 27 bến phải yêu cầu khắc phục vi phạm; lực lượng chức năng còn phát hiện 113 trường hợp vi phạm, trong đó có 8 phương tiện bị đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo tiêu chuẩn. So với cùng kỳ năm 2007, số trường hợp bị phát hiện, xử lý về TTATGT đường thuỷ của Công an tỉnh tăng 33 trường hợp, số phương tiện tạm giữ tăng 4 trường hợp.
Nguyên nhân của tình trạng trên, về khách quan là do cuộc sống người dân còn khó khăn, do vậy đầu tư trang bị an toàn cho phương tiện và trình độ chuyên môn chưa nhiều. Bên cạnh đó, đường thuỷ có địa hình trải rộng, phức tạp khó khăn cho việc tuần tra kiểm soát, trong khi đó lực lượng chuyên trách về đảm bảo TTATGT đường thuỷ còn mỏng. Về chủ quan do, công tác tuyên truyền còn hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành luật của người dân về ATGT đường thuỷ chưa cao, còn mang nặng hình thức chống chế. Việc xử lý các vi phạm còn rất nhiều bất cập, người dân cố tình vi phạm, nhưng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế cứng rắn. Hầu hết mới chỉ xử lý ở mức phạt và cho tồn tại, bởi không có địa điểm tạm giữ phương tiện hoặc vị trí bốc dỡ hàng quá tải. Công tác quản lý bến bãi, đăng ký, đăng kiểm phương tiện… còn chồng chéo.
Tai nạn giao thông đường thủy ở Yên Bái tuy ít, nhưng khi xảy ra thì hậu quả khôn lường. Để phòng chống TNGT đường thuỷ, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm, các lực lượng chức năng như: công an, thanh tra giao thông, quản lý đường sông… sẽ phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa tới các doanh nghiệp vận tải thuỷ; các chủ bến và người điều khiển đò ngang.
Đặc biệt, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cuộc vận động người đi đò mặc áo phao nhằm giảm thiệt hại về người khi có tai nạn xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các chủ bến, chủ phương tiện thay thế và bổ sung đủ cơ số áo phao và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn khác; củng cố, chỉnh trang nâng cấp phương tiện; gia cố lại đường lên xuống bến; ký cam kết không chở quá tải, quá số ghế qui định, mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn. Những bến nào không đảm bảo an toàn như: đường lên xuống bến lầy lội, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện cũ nát, không đăng ký, đăng kiểm... sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động và yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải khắc phục xong mới được tiếp tục hoạt động.
Đây thật sự là những việc làm cần thiết để hoạt động đường thuỷ nội địa trên địa bàn Yên Bái thực sự đảm bảo an toàn.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Nghe tin Hoa cô bạn học cùng cấp 3 bị tai nạn giao thông nặng gây trấn thương sọ não hiện phải đưa xuống Bệnh viện Việt Đức cứu chữa tôi vô cùng bàng hoàng vì mới hôm qua thôi tôi còn thấy Hoa đến cửa hiệu làm đầu, mà Hoa vốn là người đi xe rất cẩn thận cơ mà tại sao lại bị tai nạn nặng vậy?
Vào khoảng 4h sáng ngày 21/9, trên Quốc lộ 1 A đi qua xóm 14, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An, một chiếc xe khách mang BKS 47V - 1875 chạy từ hướng TP.HCM - Hà Nội đã đâm vào một xe container mang BKS 77H - 1518 đi ngược chiều làm 14 người trên xe khách chết tại chỗ.
Khoảng 3h20 sáng nay 21/9, tại quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe container mang biển số 77H 1518 chạy hướng Bắc – Nam và xe khách biển số 47V 1875 chạy hướng ngược chiều.
YBĐT - Mặc dù gặp nhiều khó khăn về con người, phương tiện và kinh phí hoạt động… nhưng thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) Sở Giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra trên các lĩnh vực giao thông vận tải; góp phần bảo vệ tốt các tuyến đường, công trình giao thông, đưa các hoạt động trên lĩnh vực giao thông vận tải vào nề nếp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.