Vi phạm trật tự an toàn giao thông: Cắt "ngọn" vẫn còn "gốc"
- Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đất nước trong hòa bình và phát triển, nhưng số người chết do tai nạn giao thông ngày ngày vẫn cứ diễn ra do chính con người gây nên. Sự thiệt hại đó chẳng thua kém những cuộc chiến tranh ác liệt bằng bom đạn và lực lượng tung ra mặt trận này ngày càng đông, mặt trận ngày càng mở rộng.
Tình trạng họp chợ trên đường diễn ra khá phổ biến.(Ảnh chụp tại chợ Hồng Hà, TP Yên Bái) (Ảnh: Thu Trang)
|
Chỉ cách đây ít năm, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ trên đường làm gì đông như hôm nay, phương tiện làm gì hiện đại như hôm nay, cả trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, thế mà bây giờ không chỉ là đông đảo chiến sỹ cảnh sát giao thông lại còn thêm lực lượng cảnh sát cơ động trang bị đầy đủ tung ra mặt đường, sẵn sàng vào cuộc bất kỳ lúc nào. Thêm vào nữa là cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông tuần tiễu, chốt ở những vị trí xung yếu. Còn lực lượng tham gia giao thông thì khỏi phải bình, mật độ dân số ở đô thị tăng nhanh, cơ sở hạ tầng theo không kịp, xuống cấp nghiêm trọng, một bộ phận lớp trẻ thiếu ý thức cố tình vi phạm, hoạt động ngày càng tinh vi, trắng trợn, thậm chí có lúc thách đố cả lực lượng CSGT. Đã nhiều lần người dân hai bên đường phố Yên Bái được chứng kiến những pha rượt đuổi khá ngoạn mục.
Bên cạnh đó, phương tiện tham gia giao thông chẳng khác gì những đoàn quân ô hợp, từ xe đạp đến xe máy, xe công nông, xe ô tô, trọng tải bất kể. Chất lượng xe thì khỏi phải nói, có lúc xe đang chạy bỗng một bánh sau "xe ơi ở lại, bánh đi nhé", tự tách ra và cứ đà ấy băng băng lao đi hàng chục mét rồi đâm sầm vào vỉa hè. Còi xe thì thôi rồi! Kể sao hết các cỡ còi, thả sức "ra oai" đến lộng óc. Đã có tình huống một phụ nữ đi xe máy, đang bình thản bon bon, một ô tô vượt lên sát lưng và "pép" một cái giật bắn chân tay, cả người và xe đâm sầm vào vỉa hè, oan gia chỉ vì tiếng còi quá lớn. Chỉ ngồi một ít thời gian theo dõi có thể chỉ ra cơ man các loại xe có còi "hết cỡ" như thế.
Kể sao cho hết bởi đến đầu tháng 9 năm 2008, số mô tô trong toàn tỉnh đã lên tới 157.809 xe, ô tô lên tới 4.104 xe. Bên cạnh đó, các loại dịch vụ gia tăng nhanh bên hai hè phố, thả sức lấn chiếm hành lang: xây dựng nhà cửa thì cát, sỏi, vật liệu chỉ việc nộp tiền cho phường là thoải mái sử dụng vỉa hè, rồi những chiếc ròng rọc ngang nhiên kéo vật liệu bung biêng ngay trên hành lang, ai biết điều gì sẽ xảy ra, nên người tham gia giao thông cứ tới đó là dạt về một phía.
Rồi những dịch vụ rau tươi, hoa quả, cứ vắng mấy "ông" môi trường đô thị thì đâu lại vào đó. Những cơ sở sản xuất nhôm sắt, quảng cáo, chế biến gỗ cũng "hồn nhiên" sử dụng hành lang, tiếng ồn lộng óc, điện hàn lóa mắt, những đường doa tóe lửa làm trẻ em đi học về phải tạt xuống hết lòng đường. Lại có một loại dịch vụ mà không mấy ai để ý, đó là những điểm "rửa ô tô, xe máy".
Ngày nắng ráo mà đi từ Km5 đến Km8 (TP Yên Bái) cả hai bên đường đã có 64 điểm rửa xe, từ Km5 đến ngã tư Nam Cường có 118 điểm, ngày sau mưa, dịch vụ này còn nhiều hơn. Phụt rửa choán hành lang đã là một nhẽ, nguy hiểm hơn là họ tập trung vào công việc nên dòng nước phụt cực mạnh thường xuyên lia ra mặt đường. Xe máy tình cờ đến đúng lúc thì không ăn trọn một chùm nước cũng phải liệng theo phản xạ, lao ra ngoài đường, tai họa cũng đã có, thật oan uổng!
Chưa hết, hệ thống xây dựng cống rãnh, các đường cống đào để làm tuyến bưu điện, ống nước, cáp quang... chạy dọc hành lang. "Các ngành chức năng" đào lấy được, dọc theo hai bên đường và tất nhiên rễ cây xanh hai bên hành lang bị chặt hết, sát tận hai bên gốc, rễ cây chỉ còn bám vào lòng đất mỏng manh theo một hàng dọc, không quá 40 phân, hai bên đã bị bờ xây chặn cứng. Cây càng lớn, độ lung lay càng cao và chỉ cần một sự rung động nào đó là sẵn sàng đổ ập xuống, kể cả cành cây sà xuống quá thấp ra phía mặt đường, mui ô tô gạt gẫy văng xuống bất ngờ, gây tai nạn cho người không may đi tới đó. Tại Km7 đường Đinh Tiên Hoàng (TP Yên Bái) chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008 đã có 2 vụ cây gãy, đổ bất ngờ, thân cây chu vi hơn 20cm ập xuống lòng đường trùm kín 2 xe máy, 2 xe đạp, may không chết ai...
Biết bao tình huống đa hình, đa dạng trên mặt trận an toàn giao thông (ATGT) khiến lực lượng thực thi pháp luật không đủ sức ngăn chặn. Riêng tháng 9/2008 đã có nhiều cuộc vận động, mít tinh, tuần hành hưởng ứng Tháng ATGT quốc gia, đặc biệt ở 3 địa bàn trọng điểm trong thành phố; đã lập biên bản xử lý 1238 vụ vi phạm, phạt tiền 256 triệu đồng, tạm giữ 6 ô tô, 327 mô tô, tước giấy phép lái xe 35 trường hợp, nhưng số tai nạn, số người chết so với tháng 9 năm ngoái vẫn tăng (số vụ tăng 20%, số người chết tăng 16%).
Từ những gì đã diễn ra hàng ngày có thể thấy lực lượng thực thi pháp luật có tung ra bao nhiêu chăng nữa, xử lý bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ là giải pháp "cắt ngọn", cái gốc của sự vi phạm vẫn còn đất để ngoi lên. Rồi ngay cả lúc thi hành công vụ cũng có lúc lực lượng cảnh sát thiếu kiên quyết, thiếu công bằng, đôi lúc còn nể nang, làm giảm hiệu quả giáo dục tuyên truyền.
Sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở "Lấy dân làm gốc", ngẫm ở đây muốn chặn được tai nạn giao thông thiết nghĩ cũng chính bắt đầu từ dân. Từ trong mỗi gia đình, mỗi cụm dân cư để hình thành cho thế hệ trẻ ngay từ nhỏ ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác thực hiện pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc. Cha mẹ, gia đình chính là nơi hình thành nhân cách đầu tiên cho đứa trẻ, tốt hay xấu, bắt đầu từ nơi đây. Vì vậy có những cụm dân cư đã có những buổi học tập, ký cam kết "Gia đình tôi không có người vi phạm ATGT", "Phố không có người vi phạm".
Điển hình như phố Yên Hòa I, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, mọi cá nhân trong gia đình đều ký vào bản cam kết, cho nên khu vực Km7 trước kia là điểm nóng về ATGT thì 2 năm lại đây không có ai vi phạm, đã giảm hẳn tai nạn xảy ra. Cùng với gia đình, cụm dân cư thì trường học là nơi giáo dục lớp trẻ có hiệu lực, song một thực tế cho thấy trẻ càng lớn, học càng lên lớp cao thì ý thức chấp hành pháp luật càng yếu. Đây là điều các cấp học cần xem xét để xóa đi câu cửa miệng của người tham gia giao thông "Đến chợ không sợ bằng đến trường".
Trận chiến ATGT còn gian nan, phức tạp. Chỉ khi nào ý thức của mọi người, đặc biệt lớp thanh niên hiếu động, biết tự giác tôn trọng pháp luật, trẻ hư biết sợ pháp luật và người thực thi pháp luật biết dùng luật chính xác, công bằng thì tai nạn sẽ giảm, sự bình yên trên các tuyến đường sẽ trở lại, hạnh phúc mới trọn vẹn trong mỗi gia đình.
Vũ Quang Trung
Các tin khác
Sáng 5.11, khi thấy xe khách 43S-2119 có dấu hiệu vi phạm trong việc đón, bắt khách, lực lượng CSGT của Đội tuần tra kiểm soát - giữ gìn trật tự giao thông TP Đà Nẵng yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra thì bất ngờ tài xế tăng ga, bỏ chạy.
YBĐT - Trước tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng và luôn là vấn đề nóng bỏng, mối lo chung của xã hội, làm thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ mất an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị và của toàn xã hội.
YBDT - 9 tháng đầu năm 2008, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn Trấn Yên liên tục có những diễn biến phức tạp. Số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông gia tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn huyện đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông (tăng 5 vụ) làm 14 người chết (tăng 6 người so với cùng kỳ).
Đang lưu thông trên QL 46, đoạn qua địa phận Nghệ An, xe ô tô mang BKS Lào 3608 và xe mô tô 17H1 - 7784 đâm sầm vào nhau khiến hai người ngồi trên xe mô tô văng ra đường, chết tại chỗ, chiếc xe biển Lào thì mất lái đâm thẳng vào một nhà dân.