“Ông giữ đường”
- Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã gần 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, dù nắng dù mưa, ông Hợi vẫn tận tụy làm công việc mà nhiều hộ kinh doanh ở khu vực chợ cống Ngòi Yên, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái), quý ông, nể ông gọi vui là “ông giữ đường”. “Mà giữ đường cũng đúng”, ông Hợi cười hiền lành bảo thế.
Lỗi của người tham gia giao thông tại khu vực chợ Nam Cường được ông Hợi kịp thời nhắc nhở.
|
Tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho ông là Nguyễn Văn Hợi, nhưng ngần ấy thời gian phụ trách tổ tự quản đảm nhiệm công việc giữ gìn trật tự giao thông khu vực chợ này có mấy ai gọi đúng tên ông. Họ tự đặt cho ông cái tên mới, nghe rất lạ tai nhưng ông vui, ông tự hào, bởi nó đúng với công việc ông làm và điều ông tâm huyết – “ông giữ đường”.
Nói chuyện với tôi nhưng cặp mắt ông Hợi luôn quan sát hoạt động giao thông tại khu vực cổng và hai bên hành lang chợ Nam Cường, để rồi kịp thời tuýt còi nhắc nhở, chấn chỉnh những lỗi của người mua hàng cũng như người bán hàng khi chưa chấp hành đúng quy định của chợ. Tiếng còi ông cất lên dứt khoát nhưng cử chỉ và giọng nói của ông lại ân cần và mềm mỏng như là “mời”, là “nhờ” khiến người vi phạm vừa vui lại vừa nể phục.
Ông Hợi kể: “Có chị vội mua hàng dựng xe ngay dưới lòng đường, tôi thổi còi yêu cầu đưa xe lên hành lang thế nào cũng không nghe, vậy là lại phải dắt xe lên hè, đứng gần tiếng đồng hồ trông xe chờ bằng được chị ta ra để giao trả xe, lựa lời nhắc nhở. Chị đó ái ngại xin lỗi, những lần sau chấp hành tốt và lần nào gặp tôi cũng đều hồ hởi chào hỏi. Những chuyện như thế này tôi gặp nhiều, thậm chí với những trường hợp khi mình làm cương quyết còn gặp phải sự phản kháng rất gay gắt nhưng tôi không nản chí vì bà con mình nếu thường xuyên được nhắc nhở đều có ý thức chấp hành tốt”.
Theo yêu cầu của phường, tháng 9/2008, ông Hợi được tăng cường về chợ Nam Cường đảm nhiệm công việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại khu chợ này từ 16h đến 18h hàng ngày. Chợ Nam Cường có trên 70 hộ kinh doanh cố định. Hoạt động kinh doanh của các hộ trong chợ khá ổn định, song việc đảm bảo an toàn giao thông ở đây lâu nay vẫn còn yếu và thiếu người phụ trách có năng lực, nhiệt tình với công việc.
Anh Nguyễn Quang Khải, Trưởng Ban quản lý chợ Nam Cường cho biết: “Do mặt bằng của chợ quá chật, thiếu chỗ để xe cho khách mua bán nhất là giờ cao điểm nên các phương tiện của khách và các chủ hàng thường để “vô tổ chức” ngay cả trong chợ và dưới lòng, lề đường gây cản trở cho hoạt động giao thông ở khu vực này và khó khăn cho ngay chính cả các hộ kinh doanh ở đây. Giải quyết vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực chợ về lâu dài cần thiết phải xây dựng được nơi để xe theo quy định cũng như khu vực dành riêng cho các hộ bán hàng rong”.
Nói về “nhân viên mới” của chợ, anh Khải hồ hởi hẳn lên: “Từ khi có bác Hợi về chợ này, trật tự an toàn giao thông trong, ngoài chợ và khu vực ngã tư Nam Cường đã được cải thiện đáng kể. Với cánh làm mềm mỏng nhưng cương quyết, chủ yếu là thuyết phục, nhắc nhở giáo dục, nâng cao ý thức của các chủ hộ kinh doanh cũng như người dân tham gia giao thông; trong đó, sáng kiến bố trí khu vực, quy định giờ vào chợ chính bán hàng đối với các hộ bán hàng rong của bác Hợi đã tạo lập được một trật tự kinh doanh mới, hạn chế đáng kể tình trạng bán mua lộn xộn, gây mất mỹ quan cũng như trật tự an toàn giao thông tại khu vực chợ”.
Sở dĩ ông Hợi tận tâm với công việc này bởi ông mong làm nhẹ gánh nặng lòng mình. Là Cung trưởng Cung Thông tin tín hiệu đường sắt Ga Yên Bái, chỉ một sơ suất do chủ quan, ông đã để hai đoàn tàu đâm vào nhau khi vào Ga Yên Bái. Sau vụ tai nạn đó, ông bị cách chức, bị khai trừ ra khỏi Đảng khi đã gần tròn 20 năm tuổi Đảng. Ông rất tiếc và ân hận, nhưng cũng may vụ tai nạn đó không gây chết người. Nghỉ chế độ về địa phương, hơn 10 năm qua, ông được chi bộ và nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân phố Thắng Lợi II, thành viên ban bảo vệ dân phố, tham gia ban thanh tra nhân dân, ban mặt trận Tổ quốc phố và phường, trưởng ban hoà giải khu dân cư, rồi tham gia hội cựu chiến binh, hội cựu thanh niên xung phong, ông đều hoàn thành tốt công việc mà nhân dân tín nhiệm giao cho. Ông Hợi cho hay, hàng ngày chứng kiến những vụ va quệt, thậm chí là tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa tại chợ bán hoa quả khu vực cống Ngòi Yên gần nhà mình ông rất bức xúc.
Sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 32 về tăng cường các giải pháp kìm chế tai nạn giao thông, năm 2007 ông đã chủ động đề xuất với UBND phường Nguyễn Thái Học cho thành lập tổ tự quản đảm nhiệm việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bản thân ông tự nguyện xin tham gia. Đề xuất của ông Hợi đã mở ra hướng mới trong việc giải quyết vấn đề an toàn giao thông ở khu vực này, bởi đây cũng là điểm bức xúc về tai nạn giao thông trên địa bàn phường. Tổ tự quản được thành lập gồm 3 người và ông Hợi được giao phụ trách tổ.
Tận tụy với công việc mặc cho vợ con lo lắng, phản đối, rồi cả những lời xỉa xói, mạt sát, dọa dẫm của những hộ kinh doanh buổi đầu chưa “phục”, song ông vẫn chuyên tâm làm. Ông chỉ mong sao giảm bớt được những vụ tai nạn giao thông không đáng có. Như “mưa dầm thấm lâu”, những công việc ông làm đã lay động ý thức trách nhiệm của người dân. Đã thành nếp, gần 40 hộ kinh doanh hoa quả ở khu vực cống Ngòi Yên giờ không cần ông nhắc nhở mà tự giác chấp hành đúng các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của chợ. Cũng từ sự chuyển biến này mà số vụ va chạm giao thông tại khu vực chợ đã giảm một cách rõ rệt.
Hơn 10 năm đóng góp sức mình cho công tác xã hội ở địa phương nói chung và gần 2 năm đảm trách công tác giữ gìn trật tự giao thông, ông Hợi đã nhận được không ít bằng khen, giấy khen của UBND phường, của các ngành, đoàn thể và Công an thành phố. Nhiều năm trước, Đảng uỷ phường có ý phục hồi Đảng cho ông, nhưng ông bảo tuổi đã cao, xin được làm quần chúng tốt. “Làm việc gì cũng vậy, vui nhất, hạnh phúc nhất là được nhân dân tin yêu”. Đây cũng là điều mà ông Hợi luôn tâm niệm với chính mình trước mỗi công việc được giao.
Minh Anh
Các tin khác
YBĐT - Đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), giờ đây không hiếm gặp những cặp vợ chồng trên những chiếc xe máy lên nương, hay xuống chợ. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là dù đi đâu, mỗi khi ngồi trên mô tô, xe máy, họ luôn đội trên đầu chiếc mũ bảo hiểm.
Theo Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C26) - Bộ Công an, bắt đầu từ 6giờ sáng hôm nay (16.12), lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm xử phạt vi phạm trật tự giao thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.
YBĐT - Ngày 12/12/2008, Trung tâm Truyền thông giáo dục Sức Khoẻ tỉnh Yên Bái tổ chức họp giao ban, giới thiệu các hoạt động Truyền thông nằm trong khuân khổ của Dự án “Thí điểm sáng kiến an toàn giao thông đường bộ Việt Nam”.
YBĐT - Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái, từ ngày 1/12/2007 đến ngày 1/12/2008, toàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 75 người, bị thương 42 người.