Vi phạm cứ phải phạt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dư âm lễ hội Lồng tồng đầu xuân Kỷ Sửu của đồng bào dân tộc Tày xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên - Yên Bái) vẫn còn nức lòng bà con các thôn bản. Riêng nhà anh N. ở thôn 1 thì buồn tênh, chả ai nói với ai câu nào bởi dành dụm được ít tiền để mua con lợn giống thì đã nộp phạt cho công an xã vì vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ban Công an xã Tân Đồng (Trấn Yên) kiểm tra việc chấp hành trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. (Ảnh: Đức Hồng)
Ban Công an xã Tân Đồng (Trấn Yên) kiểm tra việc chấp hành trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. (Ảnh: Đức Hồng)

Nhà nghèo không có tiền mua xe máy cũng không có bằng lái xe, không có mũ bảo hiểm nhưng thấy bạn bè phóng xe máy vù vù ngoài đường, cao hứng lên, N sang hàng xóm mượn xe đi chơi, gặp tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Công an xã Phong Dụ Thượng đang đi làm nhiệm vụ ra hiệu lệnh dừng xe, N không dừng lại mà tăng ga chạy trốn, lực lượng công an xã đã đuổi theo và bắt được.

Xét hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, Công an xã Phong Dụ Thượng đã phạt N cả 3 lỗi vi phạm là không có bằng lái xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ ở mức tối thiểu là 400.000 đồng. Tuy vậy đây vẫn là món tiền không nhỏ đối gia đình N cũng như đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xã Phong Dụ Thượng. Phạt cũng là một biện pháp kiên quyết của Công an xã Phong Dụ Thượng để người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ông Trần Văn Tí ở thôn 1 xã Phong Dụ Thượng cho biết: Trước kia, người dân nơi đây chưa chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, từ khi có người bị phạt, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của gia đình, nên giờ nhiều người răm rắp chấp hành. Muốn nói gì thì nói, Nhà nước cứ phải phạt thì mới có hiệu lực!

Nằm cách trung tâm huyện gần 70km về phía Bắc, xã Phong Dụ Thượng có diện tích lớn nhất trong số 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên, có 2.532 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông chiếm 99%, dân tộc Kinh chỉ có 1%. Đây là xã xa nhất đồng thời là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, đường giao thông đi lại rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Một vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an xã đang rất quan tâm, đó là vấn đề nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là tình trạng thiếu đăng ký xe diễn ra phổ biến. Phần lớn người dân chỉ hiểu chấp hành luật giao thông là chỉ cần đi đúng phần đường của mình, vì thế, nhiều người mua xe mà không có bằng lái, không đăng ký được xe do mua trả góp, thậm chí thiếu các hệ thống an toàn, không mua bảo hiểm mô tô - xe máy.

Trước đây khi chưa có Nghị quyết 32 của Chính phủ thì đội mũ bảo hiểm là một việc xa lạ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, phần vì phải chi thêm một khoản tiền để mua mũ, phần vì nhiều người cho rằng đội mũ thì vướng và nóng cái đầu, nhất là đối với phụ nữ phải búi tóc, chít khăn thì việc úp cái “nồi cơm điện” lên đầu lại càng khó khăn. Để Nghị quyết 32 của Chính phủ đi vào cuộc sống của người dân, Công an xã Phong Dụ Thượng đã ký kết liên tịch với MTTQ và phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, Đoàn thanh niên để vận động toàn dân tham gia an toàn giao thông, đưa nội dung an toàn giao thông về tuyên truyền tại từng thôn bản nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tự giác thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Bên cạnh đó, Ban công an xã đã thành lập tổ tuần tra kiểm soát giao thông gồm 4 người thường xuyên tuần tra tại các trụ đường chính của xã.

Ông Nguyễn Xuân Vạn – Trưởng công an xã Phong Dụ Thượng cho biết: Bằng các biện pháp mạnh, kèm theo tuyên truyền giáo dục nên ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, việc chấp hành luật giao thông cũng như đội mũ bảo hiểm đã dần trở nên quen thuộc với đồng bào thiểu số ở xã vùng cao này. Tuy nhiên, không phải gia đình nào có xe máy cũng mua được vài chiếc mũ bảo hiểm cho người thân trong gia đình, bởi kinh tế khó khăn, xe còn phải trả góp lấy đâu ra tiền mua mũ, nhà có kinh tế thì lại không chú trọng đến tính mạng của mình. Bên cạnh đó còn khá nhiều tình trạng đối phó, nhất là đối tượng thanh niên. Khi lực lượng công an xã đi tuần tra kiểm soát thì không ai vi phạm, khi hết ca trực thì các hành vi vi phạm lại “nở rộ như hoa mùa xuân”, làm tuyến đường này thì họ lại vi phạm tuyến đường khác.

Quan sát trên tuyến đường tại trung tâm xã, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có cả cán bộ thôn xuống xã họp cũng vậy. Họ có rất nhiều lý do để lý giải cho cái sự “quên” mũ của mình, người thì bảo cho mượn, người thì bảo quên. Người dân địa phương có thói quen chỉ đội mũ khi có việc ra trung tâm xã hay xuống huyện, còn đi lại trên các tuyến đường liên thôn bản thì có lẽ không cần! Mỗi khi trong thôn, trong bản có đám cưới là thành niên tụ tập suốt đêm uống rượu rồi phóng xe đi chơi, thậm chí đèo 2, đèo 3 là chuyện bình thường chưa nói gì đến chuyện đội mũ bảo hiểm. Thậm chí có đám cưới gia đình còn lên xin công an xã không tuần tra, kiểm soát giao thông. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm nhưng lực lượng mỏng, địa bàn lại rộng, Công an xã không thể tuần tra, kiểm soát cả ban đêm nên tình trạng vi phạm an toàn giao thông vào ban đêm vẫn thường xuyên xảy ra.

Có thể khẳng định, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Phong Dụ Thượng đã rất cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân về chấp hành luật lệ an toàn giao thông được nâng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ. Đặc biệt với sự kiên quyết xử lý của lực lượng công an xã, người dân nơi đây đã có ý thức hơn trong việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Do vậy, trong năm qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn xã được kiềm chế, không có người chết do tai nạn giao thông. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần không nhỏ cho kinh tế – xã hội ở địa phương.

 Tuy nhiên để người dân tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông, trong đó có quy định về đội mũ bảo hiểm, đòi hỏi xã cần có những biện pháp tuyên truyền giáo dục cụ thể và phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, đặc biệt cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, phải làm cho người dân hiểu được rằng: chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nghiêm túc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô - xe máy chính là bảo vệ mạng sống cũng như hạnh phúc của bản thân và gia đình. Cán bộ, đảng viên, công chức và lực lượng công an xã bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cần phải nêu cao vai trò gương mẫu ngay trong gia đình và dòng họ của mình. Có như vậy, mới nâng cao được ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông ngay từ mỗi gia đình, mỗi thôn bản vùng cao, để an toàn giao thông luôn là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.

Hồng Vân

Các tin khác

Tất cả các xe chở khách đều phải gắn hộp đen như ở máy bay. Đây là quy định bắt buộc trong vận tải hành khách vừa được bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Luật giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-7-2009 bổ sung quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe đạp điện. Mặc dù xe đạp điện được xếp vào loại xe thô sơ nhưng để đảm bảo tính mạng của người tham gia giao thông nên người sử dụng phương tiện có tốc độ cao này vẫn phải đội mũ bảo hiểm.

YBĐT - Đã từng là điểm “nóng” về tai nạn giao thông (TNGT) của Lục Yên (Yên Bái), nhưng trong năm 2008, bằng nhiều biện pháp với quyết tâm kiềm chế TNGT, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở xã Liễu Đô đã có chuyển biến rõ nét. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của lực lượng công an xã.

Vụ tai nạn tương tự tại Quảng Ninh ngày 17.1 khi xe tải đâm liên hoàn 6 xe con.

Lại một vụ xe tải "điên" đâm liên tiếp 10 xe máy và 2 ôtô sáng nay (16.2) tại ngã ba (đường Huỳnh Văn Lũy và Đại lộ Bình Dương, Thị xã Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục