Mũ bảo hiểm hay mũ... nguy hiểm
- Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ khi Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự ATGT được đưa ra. Theo đó, từ ngày 15-9-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Đây là một chủ trương đúng đắn và thiết thực. Việc đội MBH là rất
cần thiết, vì nó khiến cho người tham gia giao thông an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có một số vấn đề về MBH nảy sinh như: khó kiểm soát; thị trường MBH, chất lượng không đảm bảo và người tham gia giao thông chính là người phải gánh chịu.
Đáng lo ngại là hiện nay vẫn còn nhiều người dân khi ngồi trên mô tô, xe máy đội MBH nhằm đối phó với lực lượng công an và cảnh sát giao thông mà chưa nghĩ tới việc đảm bảo cho tính mạng của bản thân và người thân, vì thế nhiều người đã sử dụng MBH có giá thành hạ, kiểu dáng thời trang nhưng không đảm bảo chất lượng. Nguy hiểm hơn là việc tháo bỏ lớp xốp để chống nóng cho phù hợp với điều kiện thời tiết nóng nực của mùa hè. Việc làm này đã thay đổi kết cấu chiếc MBH, tăng nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông và nghiêm trọng hơn sẽ không bảo vệ được đầu khi xảy ra tai nạn.
Gần đây, các dịch vụ bán MBH nở rộ khắp nơi, tự khuếch trương “công nghệ” chống nóng, đảm bảo kỹ thuật, hợp thời trang lại rất vừa vặn với đầu. Chỉ cần 1 con dao và trong thời gian rất ngắn, người bán hàng đã “điệu nghệ” cạy bỏ lớp xốp ra khỏi mũ, khoan 6 lỗ cân xứng lên vỏ nhựa của mũ, rồi dùng dây dù đen cắt các lỗ, đốt bằng bật lửa để khỏi tuột sợi làm móc, vít đinh tán vào thành mũ. Trong nháy mắt, sáu chiếc móc bằng dây dù được hoàn thành. Các sợi dây dùng làm dây chằng giữ đầu được đo, cắt và lồng vào lòng mũ. Các sợi dây này giữ khoảng cách với đáy mũ khoảng 2 cm.
Để chống va đập và lắc MBH, một vành đai cũng bằng dây dù đen đã được thợ xuyên quanh các móc nối. Khi chiếc mũ được làm xong, phần trong ruột giống nguyên xi phần ruột của chiếc mũ cối. Đối tượng làm mũ chống nóng chủ yếu là thanh niên, ngoài hành nghề xe ôm và những người phải thường xuyên đội MBH. Nhiều khách hàng đã tỏ ra băn khoăn về “công nghệ” này vì liệu chiếc MBH đó có bị thay đổi kết cấu hay không? có còn đảm bảo chất lượng và bảo hiểm được cho chủ phương tiện hay không khi đã được can thiện vào kết cấu của mũ ?...
Với kiểu “cải tiến” như trên, các kỹ sư Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 1 (Quatest 1) đã khẳng định: Đây chỉ là chiếc mũ nhựa dù nhìn bề ngoài nó giống mũ bảo hộ lao động. Việc cải biến MBH đã phá vỡ kết cấu chính là lớp xốp, đồng thời nó cũng không phải là mũ bảo hộ lao động. Bởi vì mũ bảo hộ có quy định riêng là lớp vỏ rất an toàn. Nếu xảy ra va đập, người đội mũ không những nguy hiểm vì không được cản lực mà còn nguy cơ vỏ mũ bị vỡ đâm vào đầu gây thương tích. Cũng theo cảnh báo của chuyên gia kỹ thuật Phòng Nghiệp vụ 3, (Quatest 1): MBH không nên dùng lâu vì lớp nhựa có thể bị lão hóa do oxy và ánh nắng mặt trời. Nên thay sau 3 năm sử dụng.
Hiện tại, do chưa có chế tài xử lý vi phạm đối với các trường hợp người đi mô tô, xe máy sử dụng MBH không đạt chất lượng, để giảm thiểu tối đa chấn thương sọ não khi bị tai nạn giao thông. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã có văn bản 657/TĐC-ĐGPH ngày 19/5/2009 yêu cầu các cơ quan chức năng cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng MBH không đạt chất lượng, không được tự ý làm thay đổi kết cấu của MBH để đảm bảo an toàn tính mạng khi tham gia giao thông.
Lời khuyên hữu ích cho mỗi người dân khi tham gia giao thông là hãy tự bảo vệ tính mạng của chính mình bằng việc nâng cao sự hiểu biết, không tự ý làm sai thiết kế của nhà sản xuất, không nên vì giá thành rẻ và chạy theo thời trang, đừng để dùng MBH trở thành mũ... nguy hiểm.
Anh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Với trên 193.000 đoàn viên thanh niên sinh hoạt ở các cơ sở Đoàn huyện thị, thành phố và đoàn trực thuộc, những năm qua, đoàn viên thanh niên Yên Bái đã không ngừng nỗ lực cùng với chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng tham gia thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ngày 9/6, Cục CSGT đường thủy (C25 - Bộ Công an) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2009 (từ 1-12-2008 đến 31-5-2009), cả nước đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 110 người chết, bị thương 10 người và 99 phương tiện thủy các loại bị chìm và hư hỏng.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (BHXCG). Theo đó, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có trách nhiệm trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hằng năm để đóng vào Quỹ BHXCG.
Lúc 10g30 ngày 31-5, tại xóm 4, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khi hai xe khách chạy ngược chiều đâm vào nhau làm 2 người chết, hơn 45 người bị thương, trong đó có 15 người bị thương nặng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.