Yên Bái: Những tấm gương thực hành làm theo Bác

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2021 | 7:55:01 AM

YênBái - Đảng bộ xã Mường Lai lãnh đạo triển khai tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Bí thư Đoàn xã Xuân Lai- Phương Đức Dũng đi đầu cùng tuổi trẻ chống dịch và tình nguyện giúp dân hay Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng - Ngô Văn Minh ghi dấu ấn giúp dân trong lũ... Đó là 3 trong số những tấm gương thực hành tiêu biểu học và làm theo Bác.

Ông Ngô Văn Minh mua mì tôm cứu trợ khẩn cấp bà con bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản trong trận lũ quét năm 2018. (Ảnh: Mai Linh)
Ông Ngô Văn Minh mua mì tôm cứu trợ khẩn cấp bà con bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản trong trận lũ quét năm 2018. (Ảnh: Mai Linh)

Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở Yên Bái đã xuất hiện ngày càng nhiều việc làm tốt, tấm gương sáng trong học và làm theo Bác. Những việc làm ý nghĩa đã và đang lan tỏa sâu rộng rãi trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong lao động sản xuất.

Ở cấp nào, lĩnh vực, địa phương nào trong tỉnh Yên Bái cũng có những cách làm hay, cụ thể học và làm theo Bác. Thực hiện lời Bác dạy "Lấy dân làm gốc”, Đảng bộ xã Mường Lai, huyện Lục Yên đang thực hiện hiệu quả công tác dân vận, lãnh đạo triển khai tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Qua đó, phát huy vai trò, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm đồng lòng xây dựng quê hương của mỗi người dân. Đi trên con đường bê tông liên thôn rộng, phẳng trải dài, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn phấn khởi bộc bạch: "Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận. Mỗi cán bộ, công chức đều phải làm dân vận chứ không chỉ riêng khối dân vận xã. Nhờ đó mà người dân đã thấu hiểu, đồng lòng, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, cùng nhiều tài sản, cây cối hoa màu trên đất để làm đường giao thông”. 

Đến nay, xã Mường Lai đã làm được hơn 4,5 km đường bê tông nội thôn, liên thôn, kiên cố hóa hơn 3,8 km kênh mương nội đồng, đóng góp trên 1.500 ngày công lao động, trị giá trên 250 triệu đồng để xây dựng các công trình. Đặc biệt, thực hiện nâng cấp tuyến đường liên xã Liễu Đô - Mường Lai, nhân dân trong xã đã hiến trên 4.000 mét vuông đất, chặt hơn 700 cây xanh các loại để mở rộng tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình thi công hoàn thành đúng kế hoạch.

Tinh thần nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đang được thể hiện rõ nét. Những ngày này, chàng trai trẻ Phương Đức Dũng - Bí thư Đoàn xã Xuân Lai, huyện Yên Bình lặn lội trên chiếc xe máy đằng sau chở chiếc loa thùng di động đến từng ngõ xóm của các thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Anh cùng lực lượng tham gia trực chốt kiểm soát dịch bệnh xã. Là thủ lĩnh của đoàn viên thanh niên một xã còn nhiều khó khăn như Xuân Lai, Dũng đã vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xã làm được nhiều việc làm thiết thực. 

Thông qua các hoạt động: "Tuổi trẻ xã Xuân Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”; hưởng ứng Phong trào "Ngày thứ Bảy tình nguyện”, "Ngày Chủ nhật xanh”, Đoàn xã đã huy động 100% ĐVTN tham gia gần 1.000 ngày công lao động trị giá trên 50 triệu đồng. Nhiều hoạt động thiết thực của các bạn trẻ góp sức cùng nhân dân làm đường giao thông nông thôn; thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc 600m đường hoa tại các thôn Trung Tâm, Cà Lồ và xây dựng công trình "Đường điện thắp sáng làng quê” tại thôn Cây Mơ… đã lan tỏa đến nhân dân tinh thần học và làm theo Bác một cách thiết thực, cụ thể. 

Ông Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ, luôn gương mẫu trong học và làm theo Bác. Ông Minh là điển hình làm kinh tế giỏi và là người tiên phong chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở thôn. Có lẽ đến bây giờ, khi nhắc về trận lũ kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 7/2018, người dân Bản Lùng không khỏi rùng mình. Chỉ trong chớp mắt, người dân trong thôn đã lâm vào cảnh trắng tay khi toàn bộ nhà cửa, hoa màu, vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi... 

Trong hoàn cảnh đầy khó khăn và hiểm nguy đó, hình ảnh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đội mưa, vượt lũ đến từng nhà vận động, hỗ trợ bà con chạy lũ đã khắc sâu trong tình cảm tin yêu, mến phục của người dân Bản Lùng. 

Hơn thế, ông Minh còn huy động các hộ dân trong thôn ủng hộ thóc, gạo trên tinh thần "ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Nhờ đó, tất cả hộ dân ở Bản Lùng đều có gạo ăn trong những ngày mưa lũ. Bản thân ông Minh đã xay 3 tải thóc của gia đình rồi mang gạo phân phát cho bà con; hỗ trợ 12 kiện mì tôm cho các gia đình thiếu lương thực, thực phẩm; đồng thời hỗ trợ thuốc men để dân bản điều trị vết thương ban đầu trong quá trình chạy lũ. 

Cũng để giúp bà con sớm ổn định chỗ ở và tái sản xuất, ông Ngô Văn Minh đã tự nguyện hiến trên 2.000 mét vuông đất canh tác của gia đình và vận động một số gia đình khác cùng hiến đất để xây dựng khu tái định cư cho nhân dân. 

Ông còn huy động lực lượng ĐVTN, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh và nhân dân cùng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng để việc đi lại được thuận tiện, an toàn. Khi thôn triển khai xây dựng nhà văn hóa còn thiếu đất, ông tự nguyện hiến đất vườn để có đủ diện tích làm nhà văn hóa. 

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ mà người đứng đầu là ông Ngô Văn Minh đã đưa thôn bản Lùng dẫn đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đến nay, người dân đã đưa vào canh tác 40 ha lúa nước 2 vụ với năng suất 53 tạ/ha; 20 ha ngô năng suất 38 tạ/ha; phát triển diện tích quế hiện có 60 ha. 

Ở Bản Lùng đã có 15 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; gần 20 mô hình dịch vụ kinh doanh hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Toàn thôn đã bê tông hóa được trên 3 km đường giao thông và làm được 500m đường đặc thù. 122 hộ trong thôn có kinh tế ổn định với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 26 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,8%.

Được gặp gỡ, trò chuyện với những con người điển hình, tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động học và làm theo Bác mới thấy, mỗi việc làm theo Bác đã trở thành thường ngày, đi sâu vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị. Mỗi việc làm ý nghĩa, thiết thực ấy đã và đang góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Bùi Minh

Tags Yên Bái làm theo lời Bác Chỉ thị 05 lan tỏa ngày thứ Bảy tình nguyện ngày Chủ nhật xanh thân thiện nhân ái đoàn kết sáng tạo hội nhập

Các tin khác
Hội viên Chi hội Phụ nữ Trường Mầm non Yên Ninh tham gia Hội thi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái tổ chức.

Quán triệt tinh thần “học Bác từ những việc làm nhỏ nhất”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các đồng chí cấp ủy, ủy viên Ban Thường vụ tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị tới 100% các chi bộ, ban chuyên môn và cán bộ, đảng viên Hội LHPN tỉnh và tổ chức Hội LHPN các cấp…

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Yên giúp dân thu hoạch lúa.

Hàng tháng, trong sinh hoạt định kỳ, cấp ủy các chi bộ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Yên đều có đánh giá theo từng việc làm cụ thể, sát yêu cầu nhiệm vụ đề ra mà từng cá nhân đã đăng ký thi đua làm theo lời Bác từ đầu năm.

Bà con bản Đoàn Kết tích cực lao động, dọn dẹp vệ sinh môi trường thôn xóm.

Với trên 560 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, những năm qua, đúng như tên gọi - bản Đoàn Kết đã khơi dậy và phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Chi bộ bản trở thành 1 trong 13 tập thể tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05 của Thị ủy Nghĩa Lộ.

Mô hình “Hàng cây nông dân” của Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ được nhân rộng trên các tuyến đường.

Vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải; "Hàng cây nông dân”, mô hình kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Đó là các mô hình điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục