Hai nhà sáng chế với ý tưởng từ thực tiễn

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2016 | 2:39:21 PM

YBĐT - Nguyễn Duy Linh và Nguyễn Ngọc Bảo Huy là hai cậu học trò lớp 12A4 của Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình. Cả hai được biết đến bởi những giải thưởng gặt hái được cả ở tỉnh và trung ương dành cho Dự án “Kiềng tiết kiệm năng lượng” và danh hiệu “nhà sáng chế” đã được bạn bè trong lớp trong trường trao tặng.

Nguyễn Ngọc Bảo Huy và Nguyễn Duy Linh (phía ngoài bên trái) trong Lễ trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ XI - 2015.
Nguyễn Ngọc Bảo Huy và Nguyễn Duy Linh (phía ngoài bên trái) trong Lễ trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ XI - 2015.

Những đam mê học tập

Có thấy các em cùng trao đổi về những vấn đề xã hội như phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo trật tự khi tham gia giao thông, hay cảnh các bạn cùng lớp chia nhóm, xúm xít quanh nhau chơi cờ caro, bàn luận những tiết học ngoài hành lang trong giờ ra chơi mới cảm nhận được Duy Linh và Bảo Huy thể hiện vai trò người giữ nhịp như thế nào.

Ở lớp cả hai Linh và Huy đều có thành tích học tập đáng nể, là nhân tố tích cực trong các phong trào, góp phần vào thành tích học tập của cả lớp. Theo các thầy cô giáo bộ môn, các em tiếp thu kiến thức khá đều ở các môn, nhưng sự đam mê khoa học kỹ thuật đã được các em bộc lộ rõ trong từng tiết học môn Vật lý.

Cô giáo Đỗ Kim Phương dạy môn Vật lý của lớp tự hào chia sẻ: “Hai em nhận thức nhanh, sáng tạo trong học tập. Khi giáo viên đưa ra yêu cầu các em đều say sưa, nhất là kỹ năng thực hành các em đều cố gắng thực hiện. Những giờ thực nghiệm, tôi thường giao cho các em bao quát và hướng dẫn bạn. Các thao tác thực hành thí nghiệm của các em khá chuẩn, nhiều bài đạt kết quả cao và mang lại hứng thú trong môn học cho cả lớp”.

Một Bảo Huy to đậm, rắn rỏi săn chắc, nhanh nhẹn, một Duy Linh mảnh khảnh, trắng trẻo thư sinh và điềm tĩnh, sự kết hợp của hai tính cách được hiểu là rất phù hợp. Hợp nhau nên chia sẻ với nhau nhiều thứ, những nội dung các bạn và thầy cô đưa ra ở các tiết học trên lớp cũng như chuyện ngoài sân trường. Nhất là những kiến thức về vật lý trở thành niềm đam mê, khó thiếu, theo đó là những ý tưởng đưa ra trong từng câu chuyện về lực, nhiệt năng, về quá trình đối lưu, tuần hoàn nhiệt...

Đặc biệt, Bảo Huy như được thừa hưởng những gì của người cha - một công nhân lắp máy, nên năng khiếu về kỹ thuật cơ khí càng được thể hiện trong sự tạo điều kiện hết mức của gia đình.

Đến ý tưởng từ thực tiễn Đông hồ Thác Bà

Dọc theo dải đất Đông hồ Thác Bà, hình ảnh những ngôi nhà sàn nơi quần tụ của đồng bào các dân tộc thiểu số trở nên gần gũi đến lạ. Đó là những hình ảnh từng in đậm trong mỗi người thuở ấu thơ qua những bài văn tả cảnh hay bức họa sơn thủy.

Huy và Linh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thị trấn Thác Bà - nơi thế kỷ trước cha ông đã đắp đập ngăn sông tạo nguồn than trắng cho Tổ quốc. Thị trấn nhỏ bé ấy trở thành nơi bắt đầu của dải đất đông hồ để các địa phương cứ vậy trải dài theo tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế. Những lần được bố mẹ đưa về vùng thôn quê, rồi những lần cùng bạn bè đạp xe trong ngày chủ nhật để khám phá và hiểu hơn tập quán sinh hoạt và khó khăn trong đời sống của người Tày, người Dao và Cao Lan…

Ấn tượng tốt đẹp, nỗi băn khoăn được chia sẻ với bạn học, với bố mẹ và thầy cô, nhưng hình ảnh ấm nước sôi trên bếp đỏ lửa suốt ngày đêm giữa nhà sàn là một câu chuyện được các em quan tâm. Rồi chuyện các bạn cùng trang lứa ở nơi đó phải tranh thủ ngày nghỉ học mà đi kiếm củi phục vụ đun nấu, sinh hoạt của gia đình. Sống trong điều kiện đầy đủ hơn với bếp ga, ấm điện, bình nước nóng và các thiết bị phục vụ sinh hoạt khác, thế nhưng 2 em lại nghĩ đến củi lửa, nghĩ đến những thiếu thốn trong sinh hoạt của người dân vùng đông hồ Thác Bà.

Điều quan trọng hơn là những hiểu biết từ phong trào tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng mà thầy cô, bố mẹ và người dân thị trấn Thác Bà đã thôi thúc các em tìm đến ý tưởng.

Nguyễn Ngọc Bảo Huy tâm sự: “Chúng em biết người dân vùng Tây Bắc còn khó khăn, ở một số nơi còn chưa có điện phục vụ sinh hoạt. Trong khi đó đồng bào lại có phong tục giữ lửa suốt ngày nên chúng em đã nghĩ ra việc chế tạo chiếc kiềng vừa để đun nấu, vừa có thể tận dụng năng lượng đun nóng một lượng nước giúp cho người già em nhỏ tắm giặt, phục vụ sinh hoạt hàng ngày”.

Ý tưởng đơn giản và thiết thực ấy đã đưa những tri thức mà thầy cô truyền đạt để các em vận dụng vào thực tế. Nguyên lý đối lưu nhiệt đã được 2 cậu học trò nghĩ đến việc tận dụng năng lượng bếp củi bằng cách đưa nước qua những ống kẽm để quanh bếp.

“Chúng em dùng kiểu dáng chiếc kiềng ba chân và dựa trên nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Chân và thanh nối các chân kiềng là những thanh rỗng để có thể chứa và lưu thông nước, khi đun nấu, kiềng nóng lên làm nhiệt độ nước trong kiềng tăng và đối lưu làm nóng nước lên bình chứa. Nước lạnh sẽ đi xuống vào kiềng và làm nóng tuần hoàn theo nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên” - Duy Linh chia sẻ.

Nguyên lý là vậy và các thiết kế được đưa ra, hai em đã sử dụng ống kẽm làm các thanh của chân kiềng. Các mối hàn kín làm cho nước lưu thông trong các chân kiềng, khi đun nấu nhiệt năng làm nóng nước trong kiềng. Theo tính toán và thử nghiệm, nếu đun nấu bằng “kiềng tiết kiệm năng lượng có dung tích 20 lít nước, trong thời gian 40 phút có thể làm nhiệt độ nước tăng từ 20 lên 70 độ C. Nếu sử dụng hàng ngày đối với gia đình có 7 người thì sẽ tiết kiệm 180 ngàn đồng/tháng so với bình nóng lạnh dùng điện.

Và môi trường sáng chế

Bảo Huy (phải) - Duy Linh (trái) trong một lần thử nghiệm.

Ý tưởng sáng tạo của Duy Linh và Bảo Huy lại càng được khuyến khích khi Trường THPT Thác Bà đã luôn quan tâm đến Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT.

Thầy giáo  Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường THPT Thác Bà đã triển khai đến toàn thể giáo viên và học sinh, khuyến khích các em tham gia cuộc thi, đồng thời quan tâm đến các ý tưởng, mô hình đề án, dự án. Trường cũng còn chỉ đạo các thầy cô hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các ý tưởng của các em. Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT cấp trường nên phong trào đạt được kết quả đáng khích lệ ở cấp tỉnh và cấp quốc gia”.

Năm học 2014 - 2015, “Kiềng tiết kiệm năng lượng” của Huy và Linh là 1 trong số 31 dự án của học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo KHKT do nhà trường tổ chức. Trường đã chọn 3 dự án tham gia dự thi cấp tỉnh, trong đó Dự án kiềng tiết kiệm năng lượng của các em đã giành giải nhì. Với sự hướng dẫn của thầy hiệu phó Lưu Trung Kiên, dự án tiếp tục được chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp.

Từ chiếc kiềng ba chân kim loại rỗng, thầy trò đã cải tiến thành ống kim loại xoắn có thể gá lắp vào kiềng ba chân sẵn có trong bếp đun của các gia đình nhằm giảm chi phí và phù hợp với thực tế. Giá thành mỗi chiếc kiềng tiết kiệm năng lượng chỉ phải chi phí 500 đến 600 ngàn đồng tùy vào dung tích bình chứa.

Theo ông Phạm Văn Rỡ - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đây là một dự án có tính thực tiễn cao, tiết kiệm được năng lượng và nhiên liệu. Nếu được sự đầu tư về tài chính có thể sản xuất quy mô hàng hóa, sản phẩm công nghiệp phục vụ người dân.

Điều đáng mừng hơn, Dự án “Kiềng tiết kiệm năng lượng” của nhóm tác giả Bảo Huy và Duy Linh đã được Sở Giáo dục - Đào tạo chọn dự thi cấp quốc gia và nhận giải đặc biệt do Trường Đại học Sư phạm I trao tặng.

Năm 2015, “Kiềng tiết kiệm năng lượng” tiếp tục sánh vai với 554 đề tài, dự án trong cả nước tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh - thiếu niên vànhi đồng toàn quốc lần thứ XI năm 2015 và giành giải Khuyến khích.

Thầy giáo Lưu Trung Kiên - Phó hiệu trường nhà trường cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, năm học 2015 - 2016, Cuộc thi sáng tạo KHKT do Trường Trung học phổ thông Thác Bà tổ chức đã có 145 dự án của học sinh tham gia, trong đó 8 dự án được nhà trường trao giải, 6 dự án được chọn tham gia thi cấp tỉnh. Chúng tôi mong rằng Sở Giáo dục - Đào tạo và các ngành hữu quan tiếp tục tạo điều kiện để học sinh của trường có nhiều ý tưởng, dự án xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phục vụ đời sống người dân”.

Năm học này là năm học cuối cấp, cùng ước mơ tới giảng đường đại học, Nguyễn Ngọc Bảo Huy và Nguyễn Duy Linh sẽ có nhiều con đường để lựa chọn. Bởi trong các em đang có một ngọn lửa say mê khoa học kỹ thuật và vốn kiến thức mà các thầy cô ở Trường THPT Thác Bà truyền dạy. Tin rằng, hai nhà sáng chế sẽ biến những ước mơ hoài bão thành hiện thực, góp phần phục vụ đất nước, quê hương.

Quang Tuấn

Các tin khác
Vẻ đẹp vùng cao Tà Chì Nhù (Trạm Tấu).

YBĐT - Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Trên đỉnh Tà Chì Nhù có những câu chuyện đẹp như cổ tích với biển mây trắng ngập trời thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng.

Chị Hoàng Thị Phượng (thứ 2 bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng khách du lịch bên ngôi nhà sàn của chị.

YBĐT - Tôi thật sự ấn tượng với chị ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Và hơn hai chục năm rồi, chị vẫn giữ được vẻ đẹp rất đặc trưng của những cô gái Mường Lò – nơi mà có nhà văn từng gọi đó là “miền gái xinh”.

Anh Trần Văn Tuấn (giữa) tại Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015.

YBĐT - Cuối cùng thì anh cũng tìm thấy điều yêu thích, khơi lên lòng đam mê cho mình trên bước đường của một doanh nhân. Có thất bại, có thành công, còn thử thách nhưng quan trọng hơn, đam mê sẽ trở thành động lực cho Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát (thị xã Nghĩa Lộ), người vừa nhận danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015” vững bước trên bước đường khởi nghiệp.

Đường giao thông nông thôn ở xã Phù Nham (Văn Chấn) được kiên cố hóa từ vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.

YBĐT - Từ các xã vùng ngoài như Đại Lịch, Nghĩa Tâm, Bình Thuận đến các xã vùng trong như Thanh Lương, Thạch Lương và các xã vùng cao như Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Gia Hội, Tú Lệ… đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà xây, nhà bán kiên cố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục