"Công bộc" của dân
- Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2016 | 9:49:15 AM
YBĐT - Trong suy nghĩ của anh Dê, dù ở cương vị nào thì mình cũng vẫn là "công bộc" của dân. Bởi thế, những dự định, trăn trở của anh về một hướng đi mới cho đời sống kinh tế, xã hội sẽ mãi mãi là điều một đảng viên như anh đau đáu theo đuổi mục tiêu.
Đồng chí Sùng A Dê – Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ (thứ ba bên trái) trao đổi công tác sản xuất vụ xuân cùng các cán bộ xã.
|
Hơn chục năm trước, đi qua đèo Khau Phạ, ai cũng có cảm giác đằng đẵng buồn bởi cái nghèo hiện hữu trên mỗi mái nhà của người Mông. Giờ đây, cuộc sống của đồng bào ngày càng sung túc hơn. Đó là thành quả từ chính những bà con người Mông cần cù, nghị lực trong lao động và sự bứt phá trong tư duy lãnh đạo của những cán bộ tâm huyết, sinh ra trong các làng bản của người Mông bên con đèo này. Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ - Sùng A Dê là một người như thế.
Được đi học, anh Dê luôn tự nhủ, phải cố gắng học thật giỏi để giúp đỡ đồng bào mình. Suy nghĩ hôm nay và suy nghĩ của chàng trẻ 17 tuổi năm ấy vẫn vậy. Anh tâm sự: “Đồng bào mình làm nhiều mà được ít, công sức bỏ ra nhiều mà sản phẩm thu hoạch không đáng là bao, nên đời sống gặp vô vàn khó khăn. Mình là người may mắn được đi học, nên phải làm thế nào để giúp đỡ bà con”.
Với tâm niệm ấy, khi làm bất cứ việc gì, anh cũng đều nhiệt tình hết mình. Năm 1996, anh được phân công làm cán bộ văn hóa xã. Nhận thấy trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế, hệ thống thông tin, tuyên truyền không có, anh đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã huy động nhân dân san tạo mặt bằng để tạo các sân chơi lúc hội hè, lễ tết, vừa để tạo ra một không gian giúp bà con được giao lưu trao đổi thông tin kinh tế, xã hội trong cộng đồng và bên ngoài. Một năm sau, anh được phân công làm Xã đội trưởng.
Với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ an ninh, chính trị trên địa bàn, anh trực tiếp xuống từng thôn tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng được trên 60 chiến sỹ dân quân. Hàng năm, lực lượng này vừa tham gia huấn luyện vừa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác trước âm mưu của thế lực thù địch; thực hiện vai trò nòng cốt nêu gương trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống thực tế ở cơ sở.
Với tinh thần tự học, tự rèn luyện phấn đấu, năm 1999, anh được bầu làm Phó chủ tịch, kiêm Trưởng công an xã và 8 năm sau, được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Vấn đề cấp thiết đặt ra với xã lúc này là, phải tiếp tục tục tập trung đi vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa những giống lúa mới năng suất cao phù hợp với thổ nhưỡng và áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất…
Tuy nhiên, tư tưởng “sợ thay đổi” đã ăn sâu vào đồng bào Mông, nhất là thay đổi những giống lúa truyền thống. Thêm nữa, hộ có đất thì chỉ sản xuất đủ ăn, còn hộ đói thì không có đất để làm hoặc có tư tưởng trông chờ ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tư duy phát triển kinh tế cũng rất hạn chế.
Vì thế, Chủ tịch Sùng A Dê cùng Đảng ủy xã nhận thấy phải thật tích cực vận động đồng bào thay đổi tập quán, nếp nghĩ trong sản xuất. Đối với cây lúa, ngô, phải kiên trì vận động dân đưa các giống lúa có năng suất cao vào khảo nghiệm rồi trồng đại trà; tập trung khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng phát triển giống nếp Tan đặc sản của xã Tú Lệ liền kề, theo hướng sản xuất hàng hóa. Những hộ có nhiều đất thì nhường đất cho anh em, họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Động viên nhân dân, chuyển đổi từ một vụ lúa, ngô sang hai vụ. Cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu thực hiện việc đổi mới, xây dựng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp... Nhờ sự kiên trì vận động, nhân dân trong xã đã nhanh chóng ổn định lương thực.
Anh Dê nhớ lại cách đây hơn 20 năm, cả xã chỉ có hơn 1.000 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc thiểu số và đại đa số sống tạm bợ trong những mái nhà xiêu vẹo trên các triền núi hoang sơ. Bữa ăn thường chỉ có sắn, mèn mén, ngô hạt, rau rừng. Đến nay, ngô vừa để chăn nuôi vừa làm hàng hóa, thóc gạo cơ bản đủ ăn, thì đó có thể được coi là thành công ban đầu.
Từ thực tế này, anh Dê rút ra được bài học là công tác lãnh đạo phải luôn bám sát cơ sở, phải trăn trở trước khó khăn của nhân dân và đưa ra được giải pháp thích hợp. Bởi vậy, anh cho biết: năm vừa qua, tất cả các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng ủy xã trực tiếp phải phụ trách từng thôn; chỉ đạo trực tiếp các hoạt động sản xuất và các hoạt động xã hội khác. Những thôn khó khăn nhất thì lãnh đạo cao nhất của xã trực tiếp phụ trách...
Bằng cách làm này, Cao Phạ trở thành một trong 2 xã đầu tiên của huyện Mù Cang Chải sản xuất vụ đông xuân và có được sự bứt phá trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi và tháo gỡ được khó khăn về lương thực. Trong đó, năm 2010, Cao Phạ đã sản xuất 140 ha lúa xuân, năng suất đạt 40 tạ/ha.
Đến năm 2014, diện tích được tăng lên 210 ha, năng suất bình quân 54,7 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt 2.673,2 tấn/năm; năng suất ngô nương đạt 45,74 tạ/ha, sản lượng đạt 1.413 tấn; đàn gia súc trên 4.000 con, tăng gần 700 con, đàn gia cầm trên 12.000 con, tăng 2.333 con so với đầu nhiệm kỳ.
Cuối năm vừa qua, Cao Phạ là một trong những địa điểm thực hiện thành công Dự án: “Mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác ngô vụ thu đông bền vững trên đất dốc. Qua thu hoạch, năng suất trung bình đạt 60 - 65 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình ngô thu đông chính vụ của huyện từ 20 - 25 tạ/ha.
Với những đóng góp của mình, năm 2015, Chủ tịch Sùng A Dê được bầu là Bí thư Đảng ủy xã. Xác định Cao Phạ là xã cửa ngõ của huyện Mù Cang Chải, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Cao Phạ còn là 1 trong những điểm du lịch ruộng bậc thang, du lịch cộng đồng rất hấp dẫn, trong đó có điểm bay dù lượn đẹp của cả nước, nên phát triển thế mạnh du lịch chính là chìa khóa vàng đưa Cao Phạ đi lên. Để từng bước khai thác thế mạnh này, xã xây dựng kế hoạch và vận động nhân dân khôi phục các giá trị văn hóa địa phương: khèn, sáo Mông, trang phục, ẩm thực dân tộc; xây dựng điểm du lịch cộng đồng...
Anh Dê chia sẻ: “Với đồng bào Mông, việc vận động không chỉ một sớm, một chiều, mà cần phải “mưa dầm thấm lâu”, phải thật kiên trì mới thay đổi được nhận thức của bà con. Muốn họ nghe và làm theo mình, trước hết mình phải làm gương và bà con thấy được hiệu quả họ mới làm theo. Vì thế, lấy mình làm gương, anh Dê cùng gia đình đang xây dựng nhà du lịch cộng đồng và vận động bà con cùng mạnh dạn đưa Cao Phạ phát triển, mở mang du lịch cộng đồng trong những năm tới đây.
Trong suy nghĩ của anh Dê, dù ở cương vị nào thì mình cũng vẫn là công bộc của dân. Bởi thế, những dự định, trăn trở của anh về một hướng đi mới cho đời sống kinh tế, xã hội sẽ mãi mãi là điều một đảng viên như anh đau đáu theo đuổi mục tiêu.
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, huyện Yên Bình đã phát triển đàn dê lên trên 31.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Ninh, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà.
YBĐT - Thực sự thì cây bưởi Khả Lĩnh đã có thể gọi là “cây tiền”. Tôi rất tâm đắc với cách nói đó của ông Trần Văn Quý. Thật đúng quá đi chứ khi theo giá thấp nhất trên thị trường hiện nay, người dân nơi đây bán được bình quân 12.000 đồng một quả bưởi, tương đương 2 kg thóc. >> Bài 1: Mùa cho hoa đơm trái
YBĐT -Giữa tháng Ba, trắng ngần một vùng bưởi bung hoa khắp làng Khả Lĩnh. Mỗi trái bưởi đã chắt chiu hương vị dâng đời và hương vị ấy cũng mang lại sự trù phú cho làng. >>Đại Minh mùa hoa bưởi
YBĐT - Cũng như các địa phương khác, huyện Mù Cang Chải cũng rất tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).