Lặng thầm làm đẹp cho đời
- Cập nhật: Thứ ba, 20/9/2016 | 7:34:55 AM
YBĐT - Đó là những nữ công nhân Đội Vệ sinh Môi trường (VSMT) số 1 thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, Yên Bái, những người không kể nắng mưa, lặng thầm làm nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, dọn dẹp vệ sinh để giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho thành phố Yên Bái.
Công việc thầm lặng mỗi ngày của các chị lao công Đội VSMT số 1, thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, Yên Bái.
|
Nỗi niềm mong được sẻ chia
“Tôi làm nghề lao công hay nói nôm na là nghề quét rác, chẳng phải nói nhiều thì ai cũng biết nó cực nhọc như thế nào. Bắt đầu công việc là lúc nhiều người đang trong giấc ngủ ngon. Dù hàng ngày trên ti vi thấy người ta vẫn kêu gọi “Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá” nhưng chẳng mấy khi chúng tôi được gom rác nhẹ nhàng. Gần 10 năm trong nghề, tôi đã quen với bộ bảo hộ lao động kín mít, quen với tiếng chổi tre và đôi bàn tay đã chai sạn, những mùi hôi, mùi khó chịu từ rác. Rác thải ra hàng ngày từ dân cư, trường học, quán ăn… chúng tôi vẫn dọn mỗi ngày”.
Chị Ngô Thị Tuyết Mai - Công nhân Đội VSMT số 1 tâm sự. Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, lượng rác thải ra càng nhiều, nhất là vào dịp lễ, tết, lượng rác nhiều gấp đôi ngày thường. Bởi những ngày đó, người dân khắp nơi đổ về thành phố vui chơi, rác cũng vì thế mà ngập đường. Hay đơn cử như đợt hoàn lưu cơn bão số 3 vừa rồi, gây ngập úng nhiều điểm trên địa bàn thành phố.
Ngay sau khi nước rút, Đội VSMT số 1 huy động 100% cán bộ, công nhân viên thay nhau làm nhiệm vụ 24/24 giờ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Mưa to làm cho rác thải bị ùn ứ, một số nơi bị ngập lụt nặng, chị em trong Đội luôn ở tâm thế sẵn sàng, làm việc không kể ngày đêm chỉ mong thành phố sớm trở lại xanh - sạch - đẹp. Công việc VSMT ngày thường đã vất vả nhưng vào những ngày mưa bão còn vất vả, cực nhọc hơn bội phần.
Để làm được nghề "mưa rát mặt, nắng rát đầu" này, chị em phải thực sự có sức khỏe, kiên trì và nhẫn nại. Công việc vất vả, tiền công không cao, hàng ngày phải tiếp xúc với đủ thứ rác thải nên tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh: viêm mũi, đau mắt, đau khớp...
Làm ngoài đường, tranh thủ ăn và chợp mắt một lúc ở vỉa hè với nữ công nhân môi trường là chuyện bình thường nhưng chị em luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày nắng có nỗi khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa, các chị em làm lao công vẫn tán nhau về nghề của mình là cái gì cũng dở: “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”. Khác với những công việc khác được ăn mặc đẹp, quần áo sạch sẽ, trang điểm xinh tươi, những nữ công nhân VSMT lúc nào cũng trùm mình trong bộ đồng phục bảo hộ lao động, khuôn mặt bịt kín mít chỉ hở ra đôi mắt.
Song không vì vậy mà mất đi vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ, ở các chị luôn toát lên sự khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng và lòng nhiệt tình với công việc. Dù vậy thì các chị vẫn không khỏi chạnh lòng nhất là vào những đêm 30 tết, khi mọi nhà quây quần bên nhau thì các chị - những nữ công nhân VSMT lại vắng nhà. Hay do đặc thù công việc đi sớm về muộn, chị em gặp phải đủ hạng người trong xã hội như: nghiện ngập, trộm cắp... chúng trêu ghẹo, hoặc xin tiền. Khi đó, chị em chỉ còn biết hô lên hay chạy vào đồn công an nơi gần nhất. Có chị đi thu rác trong dân bị chủ nhà trêu ghẹo, buông những lời lẽ khó nghe...
Buồn đấy, nhưng các chị vẫn phải vững vàng, vượt qua để rồi lại vui với niềm vui của công việc khi ngắm nhìn những đoạn đường vừa được dọn sạch, thoáng đãng hè phố và luôn thầm mong mỗi người dân đều nêu cao ý thức trong phân loại rác, vứt rác.
“Nghề nào cũng có cái hay của nó, nghề của chúng tôi cũng vậy. Có lẽ đa phần cùng hoàn cảnh, chị em lao công chúng tôi rất thương và thân nhau. Những ngày hè nóng nực cùng sẻ chia cốc nước mát… Đi làm có lúc tôi cũng nhặt được khi là tiền, khi là điện thoại, tôi đều tìm cách trả lại. Mình chẳng giàu nghèo gì thêm từ những thứ như thế. Các con tôi chúng rất thương và trân trọng công việc của mẹ. Nếu sau này chúng theo nghề, tôi cũng thấy vui bởi chính con người mới làm nên giá trị của công việc. Bất cứ nghề nào lương thiện giúp ích cho đời đều đáng tự hào!” - chị Ngô Thị Tuyết Mai cho biết thêm.
Và lòng yêu nghề
Đội VSMT số 1 hiện có 65 công nhân vệ sinh. 65 con người “quản lý” 36 tuyến đường với 40 km chiều dài, đảm bảo mỗi ngày trước 8 giờ sáng, người dân được đi lại trên những vỉa hè sạch sẽ, những lòng đường không rác. Và sau 17 giờ chiều, rác thải trong các hộ dân cư được thu gom chở về nơi quy định. Đa phần nhân viên của Đội là nữ, độ tuổi từ 22 - 45.
Với nhiệm vụ quét, thu gom rác đường, hè phố, thu gom rác sinh hoạt tại các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng… thuộc khu vực trung tâm thành phố trong các khung giờ: 3 giờ 30 đến 8h sáng, ca làm chiều bắt đầu từ 17 giờ đến 19 giờ 30. Công ty căn cứ trên sản phẩm mà trả lương cho công nhân, tính bình quân, lương công nhân vệ sinh trong Công ty khoảng 3,5 triệu đồng đến trên 4 triệu đồng/người/tháng. Một tháng, công nhân sẽ thay phiên nhau được nghỉ khoảng 5 hoặc 6 ngày. Công việc vất vả, khó khăn, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy là vậy song công nhân Đội VSMT số 1 đều là những trái tim "say nghề".
Không ít chị em trong Công ty hoàn cảnh khó khăn, nhiều chị em còn phải ở nhà thuê, mức lương của một công nhân VSMT ít ỏi, không đủ để trang trải cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn đó, các chị đều khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Nhiều chị đã có thâm niên từ 15 đến 20 năm.
“Đời sống của các chị em công nhân VSMT trong Công ty giờ đã được cải thiện đáng kể. Mỗi chị em trong Đội đều nêu cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp phát động, nhiệt tình tham gia các giải thể thao và đạt thành tích cao. Ngoài công việc chuyên môn chị em còn làm kinh tế gia đình như nuôi tằm, nuội lợn tăng thu nhập, cải thiện đời sống”. Chị Vũ Thị Ngọc Tuyến - Đội VSMT số 1 chia sẻ.
Qua những câu chuyện, những tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của các nữ công nhân Đội VSMT số 1 làm tôi nhớ đến bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu. Tôi khẽ đọc: “Những đêm hè/ Khi ve ve/ Đã ngủ/ Tôi lắng nghe.../ Tiếng chổi tre/ Xao xác hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác… Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác...”. Bài thơ đã trở thành niềm tự hào về công việc lặng thầm của người lao công, còn tôi qua tiếp xúc với những người như chị Tuyến, chị Mai tôi càng thêm yêu và kính trọng công việc lặng thầm của các chị cho cuộc sống mỗi ngày luôn sạch đẹp.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Sau khi xây dựng gia đình, Vừ A Hù ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) đã đầu tư mô hình chăn nuôi “mới” đem lại hiệu cao.
YBĐT - Sau hơn 5 năm trở lại xã Lâm Thượng (Lục Yên), tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê vốn khó khăn. Bên cạnh những nếp nhà sàn truyền thống, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Ở trung tâm xã, người dân và tư thương đi lại giao lưu buôn bán tấp nập. Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn mới mà không phải địa phương nào cũng có được.
YBĐT - Bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point, máy tẽ ngô hay máy thái rau lang là những sản phẩm khoa học đã và đang được ứng dụng trong thực tế trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Và tác giả của những sản phẩm này, không ai khác, chính là những người phụ nữ dân tộc thiểu số bình thường.
YBĐT - Làng Trục là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Toàn thôn có 148 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đời sống khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Làng Trục đã có những đổi thay đáng kể.