Đánh thức ruộng “ngủ đông”

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2017 | 8:01:07 AM

YBĐT - Những triền ruộng bậc thang dát vàng hoa cải, những ruộng khoai tây, lúa mì, nương gừng tươi xanh màu hy vọng... chính sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của mỗi người dân cùng cao Mù Cang Chải đã tạo nên duyên lành giữa cây và đất.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải chăm sóc lúa mì.
Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải chăm sóc lúa mì.

Mù Cang Chải những ngày đầu xuân, hoa đào đua nhau khoe sắc hồng tươi, hoa mai, hoa mận tinh khôi sắc trắng. Hòa trong bức tranh xuân ấy là thảm màu vàng rực của hoa cải dầu, màu xanh mướt của lúa mì, khoai tây khiến bao người đến đây có cảm giác như lạc vào cõi mơ miền sơn cước.

Nhưng đó lại rất thật! Bức tranh được tạo bởi bước đột phá trong sản xuất đông xuân này và là sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự cố gắng của đồng bào vùng cao Mù Cang Chải làm cho những thửa ruộng "ngủ đông” nhiều năm thức giấc, làm cho bức tranh nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải bật lên những gam màu tươi sáng.

"Lúa Tây" trên đất ta

"Thật khó có thể tin được trong khí hậu khắc nghiệt, không có cây trồng truyền thống nào có thể sống nổi trong mùa đông thì lại có cây lúa mì chống chọi được với thời tiết ấy và vươn lên phát triển xanh tốt. Bà con vui lắm! Ai cũng tích cực ra đồng” - Chủ tịch UBND xã Púng Luông - Vàng Bua Tủa phấn khởi cho chúng tôi biết khi đi trên cánh đồng lúa mì đang xanh ngời ngợi.

Năm 2016 - 2017, xã Púng Luông trồng lúa mì ở 5 bản trên diện tích 8 ha. Các bản trồng nhiều là Nả Háng Tàu, Háng Cơ Bua... Từ vụ đông xuân trước, huyện đã chọn xã Nậm Khắt trồng thử nghiệm 10 ha lúa mì và bước đầu đã cho năng suất trung bình 6 tấn/ha.

Sau thành công đó, huyện đã nhân rộng diện tích lúa mì lên 20 ha, trồng ở các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn và Púng Luông. Giống lúa mì được trồng là Vân Tạp 5, Vân Tạp 6 nhập khẩu từ Trung Quốc. Các địa phương trồng lúa mì được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ngành nông nghiệp huyện đã chủ động cung ứng giống sớm cũng như làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng đúng với khung lịch thời vụ nên thời điểm này, lúa mì đang sinh trưởng tốt. Nếu thời tiết ủng hộ thì khoảng giữa tháng 4, lúa mì sẽ trổ bông, ra hạt, người dân Mù Cang Chải đang kỳ vọng một vụ bội thu.

Cùng với nhiều bà con đang làm cỏ, bón phân ruộng lúa mì, anh Giàng Nhà Chừ ở bản Háng Cơ Bua, xã Púng Luông vui vẻ bày tỏ: "Được chính quyền địa phương tuyên truyền, cho giống và hướng dẫn kỹ thuật nên chúng tôi trồng cây lúa mì trên diện tích ruộng mà trước đây bỏ không. Sau thu hoạch lúa mì là đến thời điểm trồng lúa mùa, đất ruộng không nghỉ, chúng tôi có việc làm, có tiền, ai cũng cố gắng, chăm chỉ làm ăn”.

Tiết trời tháng 2 ở Mù Cang Chải lúc nắng gắt, hanh khô nhưng lại có thể kéo mây mù mà trở lạnh ngay lập tức. Tiết trời "đỏng đảnh" ấy khiến nhiều cây trồng không thể tồn tại trong vụ đông. Cây lúa mì thành sự lựa chọn khả quan khi phát triển tốt trong những khe lạnh mà trước đây không có loại cây truyền thống nào có thể trồng được trong vụ đông và đã mở ra hướng cây trồng mới cho nông dân Mù Cang Chải. Ngoài thu sản phẩm hạt, lúa mì còn có thể dùng làm một trong những dạng ngũ cốc và thân lá có thể dùng làm nguồn thức ăn cho gia súc rất tốt.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Tiến Lâm bộc bạch: "Có được kết quả này là cả cuộc "cách mạng” trong sản xuất, đặc biệt là quyết tâm thay đổi tư duy của bà con đấy, nhà báo ạ! Bởi vì, từ bao đời nay, đồng bào Mông chỉ làm một vụ và thay đổi tập quán này không thể một sớm một chiều. Đến khi bà con thấy được hiệu quả, lợi ích từ việc chuyển đổi cây trồng mang lại thì sẽ tự khắc làm theo”.

Thực tiễn là thước đo chính xác nhất hiệu quả của chủ trương, chính sách. Việc chọn cây lúa mì vào đồng đất Mù Cang Chải đã và đang khẳng định sự phù hợp, mang lại tín hiệu vui trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con.  

Giấc mơ hoa miền sơn cước

Dù đã mường tượng trong đầu về những ruộng hoa cải bạt ngàn, nhưng khi tận mắt chứng kiến mùa vàng thứ hai ở Mù Cang Chải, tôi thật không khỏi ngỡ ngàng. Mù Cang Chải thời điểm lúa chín hay mùa nước đổ đã làm say lòng bao du khách. Song, mùa này, khi tiết trời vẫn đương xuân, Mù Cang Chải lại đẹp đến nao lòng bởi những thảm màu vàng rực, tươi mới của những ruộng cải dầu bung sắc trong nắng mới.

Không như đồng bằng, hoa cải dầu Mù Cang Chải trải vàng trên những triền ruộng bậc thang uốn lượn. Bức tranh "dát vàng” này là kết quả của việc đưa cây cải dầu với cơ cấu giống cải dầu lai F1 do Công ty cổ phần Thịnh Đạt cung cấp 2.500 kg giống vào gieo trồng trên diện tích 500 ha tại 12 xã trong vụ đông xuân năm 2016 - 2017 sau thành công của việc trồng thử nghiệm 3 ha cải dầu tại xã Chế Cu Nha từ vụ đông xuân năm trước.

Đang là cuối tháng 2, cây cải dầu đã cao từ 1,6 m đến 1,8 m và có cây cao đến hơn 2 m. Chẳng thế mà người đi trong hoa cải cứ ngỡ như chìm trong rừng vàng bất tận. Trong vườn cải, lao xao, tiếng nói, cười của các thiếu nữ Mông cùng tiếng trầm trồ, xuýt xoa vì cảnh đẹp của những du khách.

Chị Giàng Thị Mỷ ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt vui vẻ cho biết: "Cả bản mình năm nay trồng 25 ha cải dầu. Được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc nên những diện tích gieo trồng cải dầu đang lên rất tốt. Người dân trong bản rất phấn khởi. Cây lên cao, hoa cải nở rất đẹp nên bản mình có nhiều khách du lịch đến đây để chụp ảnh lắm”.

Du khách Đình Thu Dung đến từ thành phố Nam Định xuýt xoa: "Hoa ở đây màu vàng tươi, cây cao quá đầu người khiến đoàn chúng tôi ai cũng mê mẩn. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nữa là hoa cải dầu tầng tầng, lớp lớp trên những triền ruộng bậc thang khiến những bức ảnh của chúng tôi trở nên rất tuyệt”.

Quá trình triển khai, huyện xác định cải dầu là cây nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo điều kiện cho người dân có việc làm và thu nhập. Trên cơ sở huyện ký kết, liên kết với doanh nghiệp, mỗi héc - ta sẽ thu được trên 30 triệu đồng, sau trừ chi phí thu về khoảng 20 triệu đồng - điều mà bấy lâu nay người Mông nơi đây từng mơ ước.

Những bông cải vàng, cánh mỏng manh quyến rũ, mời gọi hàng triệu con ong rừng đến hút nhụy, khiến bà con nơi đây lại tăng thêm sản lượng mật ong mùa này. Lợi ích kép khá rõ từ việc trồng cải dầu!

 

Cây cải dầu được trồng trên những triền ruộng bậc thang uốn lượn đã mang lại lợi ích kép cho nông dân Mù Cang Chải.

Ruộng "ngủ đông” thức giấc

Khác với hình ảnh những cánh đồng bỏ hoang nhiều năm trước, vụ đông xuân 2016 - 2017, cùng bạt ngàn sắc hoa cải dầu, màu xanh của lúa mì, huyện Mù Cang Chải còn đưa vào trồng khoai tây Marebel giống của Đức và gừng. Đồng thời, chuyển đổi khoảng 400 ha lúa bằng giống CT 16, C ưu đa hệ số 1 có năng suất, chất lượng cao trong vùng quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ tại 14 xã, thị trấn trên diện tích 1.600 ha lúa nước và khuyến khích các hộ mở rộng diện tích ở những nơi có đủ điều kiện, càng nhân lên niềm vui mùa vụ bội thu.

Chia sẻ về sự thay đổi này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Lê Trọng Khang hào hứng: Trước đây, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện khoảng trên 4.400 ha đất ruộng. Diện tích này từ năm 1993 trở lại đây, huyện đã tích cực tăng cường sản xuất lúa xuân; tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được 1.600 ha. Như vậy, những diện tích chưa thể trồng được lúa xuân còn rất lớn. Quá trình tìm tòi, thử nghiệm, năm 2015 - 2016, huyện đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây cải dầu, khoai tây, lúa mì và gừng.

Qua đánh giá phân tích, các loại cây này đều phù hợp với thổ nhưỡng cũng như điều kiện tự nhiên của địa phương, do đó, vụ đông xuân này, huyện đã nhân rộng diện tích cải dầu lên 500 ha, 20 ha lúa mì, 15 ha khoai tây và 100 ha gừng. Kết quả, năng suất mà các loại cây trồng này mang lại sẽ là tiền đề để huyện mở rộng sản xuất  cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Đồng thời, huyện dự kiến sẽ cùng với doanh nghiệp Thịnh Đạt - đơn vị cung cấp giống cải dầu cho bà con xây dựng nhà máy ép dầu giúp bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong thời gian tới để bà con yên tâm sản xuất - Phó chủ tịch Lê Trọng Khang cho biết thêm.

Chỉ ngần ấy thôi, đã cho thấy sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến thôn, bản, sự nỗ lực thay đổi tư duy, cách làm của người dân để những triền ruộng "ngủ đông” trước đây bừng tỉnh mang đến sắc màu no ấm cho bà con vùng cao Mù Cang Chải.

Những triền ruộng bậc thang dát vàng hoa cải, những ruộng khoai tây, lúa mì, nương gừng tươi xanh màu hy vọng..., chính sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của mỗi người dân cùng cao đã tạo nên duyên lành giữa cây và đất. Chẳng mấy nữa, mùa vui và cơ hội vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được hiện hữu ngay trên đồng đất mà họ đã gắn bó từ ngàn đời nay!         

Thanh Chi - Mạnh Cường

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục