Thoáng xanh sa mộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 8:10:16 AM

YBĐT - Lên Nà Hẩu. Một đoạn đường, bên tay trái, dãy sa mộc khiến bất cứ ai cũng có cảm giác như đang bắt đầu vào thị trấn Sa Pa mờ sương của Lào Cai nếu từng một lần đã đến.

Đồi sa mộc 5 năm tuổi trên địa bàn thôn 5, xã Nà Hẩu phát triển nhanh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.
Đồi sa mộc 5 năm tuổi trên địa bàn thôn 5, xã Nà Hẩu phát triển nhanh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.

Nói là một thoáng thì cũng chưa hẳn nhưng có lẽ rằng cứ vậy thôi cho chút khiêm nhường nhẹ nhàng. Cô bạn đồng nghiệp như reo: “Sương giăng lá sa mộc trông thật tuyệt!”. Tinh mắt thế cơ chứ, lớp bụi đường được làn sương đỡ lại trên những màng lá chả khác gì nhện dệt mạng tơ vương, lóng lánh khi ánh nắng xuyên qua. Thấp thoáng đất trời Nà Hẩu (Văn Yên) có màu xanh sa mộc - một loài cây vốn dĩ thân thuộc với đồng bào Mông ở Lào Cai, Hà Giang…

Điểm trường lẻ Ba Khuy nằm sát con đường chính dẫn vào trung tâm xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Ngôi nhà của ông Cứ A Phần lại nằm sát trường và đường. Nhà ông Phần im ắng quá, hóa ra đi vắng hết. Rặng sa mộc vươn cao được trồng theo trục đường đã có hơn chục năm tuổi. Đấy là những cây sa mộc đầu tiên mà ông Phần đưa về trồng trên đất Nà Hẩu.

Anh Đỗ Văn Tĩnh - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đại Sơn - người từng gắn bó với Nà Hẩu gọi điện cho ông Phần không được. Tiếp tục hành trình, chiếc xe bán tải chầm chậm đưa chúng tôi qua những cung đường. Lời giới thiệu của anh Tĩnh đã giúp chúng tôi thấy cây sa mộc trở nên gần gũi hơn. Ở một đoạn đường, bên tay trái, dãy sa mộc khiến bất cứ ai cũng có cảm giác như đang bắt đầu vào thị trấn Sa Pa mờ sương của Lào Cai nếu từng một lần đã đến. Chia sẻ cảm giác ấy của mình, tôi có được sự xác nhận của anh Tĩnh: “Chính là sa mộc đấy, không sai đâu chị!”.

Chênh vênh bên đường, phía dưới có ruộng, có suối, có nương, sa mộc vươn rễ giữ đất với một dáng vẻ rất tự tin và chắc chắn. Sau một cuộc điện thoại của anh Tĩnh, xe dừng đón người. Lên xe là Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu - anh Thào A Sà.

Bắt nhịp ngay câu chuyện vì đã được trao đổi trước, anh Sà mang theo nhiều thông tin cho chúng tôi. 416 hộ dân sinh sống trên mảnh đất vùng cao đặc biệt khó khăn nhất của huyện Văn Yên này thì có tới 99% là đồng bào Mông. Cụ thể nữa trong số đó, đồng bào Mông gốc ở Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chiếm đến 70%, còn lại từ huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải sang đây.

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra năm 1979, đồng bào Mông ở Si Ma Cai đã di cư đến Nà Hẩu và sinh sống đến bây giờ cũng đã gần bốn chục năm. Anh em, họ hàng của các hộ dân này vẫn còn rất đông ở quê cũ nên đây cũng chính là khởi nguồn cho sự xuất hiện của loài sa mộc trên mảnh đất Nà Hẩu. Xe lại dừng, bên đường có một người phụ nữ đang chăm sóc sa mộc. Cũng đúng lúc đó, tốp cán bộ xã đi xe máy theo sau ô tô chúng tôi đã kịp có mặt.

Anh Hoàng A Hòa - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhiệt tình đảm nhiệm công việc phiên dịch. Cư Thị Hồ là tên người phụ nữ. Chị bảo chồng mình là Thào A Lềnh, hai vợ chồng sống ở thôn 5: “Năm 1980, mình di cư xuống đây. Trước nhà ở Si Ma Cai, giờ vẫn còn anh em trên đó mà. Sa mộc đâu có lạ, quê cũ trồng nhiều lắm vì gỗ của nó làm nhà rất tốt đấy. Nhà mình mang từ quê về trồng thử 6 cây rồi, lên to lắm, thích lắm, cũng phải được năm, sáu năm. Có cây nở hoa, cho quả, rụng hạt rồi lại mọc thành cây con. Nà Hẩu cũng mát giống Si Ma Cai mà, sa mộc dễ trồng, dễ lên lắm”.

Hỏi thăm lứa sa mộc vừa trồng vụ thu năm ngoái, chị Hồ kể: “Thích trồng sa mộc chứ, năm ngoái lúc họp thôn thì lại đi vắng mất, không đăng ký được nhưng anh em cho 80 cây rồi. Không chăm sóc gì nhiều đâu, chỉ cần nhổ cỏ, vun gốc, khó nhất là làm sao không để gia súc ăn thì cây sẽ lên nhanh thôi mà. Trồng ven đường vào xã, 80 cây thì 20 cây bị trâu, ngựa ăn đấy”.

“Nếu tiếp tục được cho cây giống, chị có trồng tiếp không?”, chị Hồ cười bẽn lẽn: “Thích. Mà cái này thì phải hỏi chồng mình đã”. Bên này đường, những cây sa mộc của nhà chị Hồ đang bén rễ ăn sâu vào lòng đất. Bên kia đường, những đồi sa mộc lao xao lá đùa với nắng, với gió: “Sa mộc lớn nhanh lắm, trông to thế mà mới trồng 5 năm đấy!” - anh Hòa bảo vậy.

Ông Giàng Chẩn Phử - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu đã đợi sẵn chúng tôi ở trụ sở xã. Nói về sa mộc cũng lại khơi đúng mạch của ông: “Phải nói thật thế này, khi đưa vào trồng thử nghiệm 18.180 cây sa mộc vụ thu năm ngoái, chúng tôi không có khó khăn gì hết. Nà Hẩu có khí hậu phù hợp với loại cây này. Người dân hưởng ứng tích cực lắm vì nếu là dân Si Ma Cai thì đều biết sa mộc và thích sa mộc. Gỗ của nó để làm nhà khỏi nói, ba đời người vẫn cứ tốt. Thích nhất ở chỗ gỗ không cứng, mềm nhưng dai, không mối mọt, màu giống gỗ xoan mà lại vàng sáng hơn. Điểm đặc biệt là đinh đóng vào gỗ chẳng bao giờ bị rỉ cả”.

Từ quê cũ của mình, cây sa mộc về với Nà Hẩu theo cách của ông Phần, chị Hồ… cũng như bao người dân khác vì yêu mến loài cây đã gắn bó với đời ông, đời cha, đời họ.

Việc trồng thử nghiệm phân tán hơn 1,8 vạn cây sa mộc tại các diện tích vườn rừng cũ và hai ven đường vào xã Nà Hẩu sẽ dần từng bước thay thế cây gỗ tự nhiên để làm nhà. Đó là tính chuyện dài lâu cho thế hệ con cháu của đồng bào Mông đang sinh sống nơi đây từ hiện tại.

Những bầu cây giống sa mộc chính thức về với người dân Nà Hẩu từ vụ thu năm trước hoàn toàn do nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Xã đã tuyên truyền nhân dân các thôn trồng thử nghiệm, trong đó vận động các hộ gia đình trồng dọc tuyến đường từ đỉnh Ba Khuy vào trung tâm xã. 8 km là chiều dài đoạn đường tính từ đỉnh Ba Khuy vào đến trung tâm xã và hiện đã có 1 km trồng cây sa mộc ven đường. Mục đích của việc này là giữ đất, chống sạt lở ta - luy âm bên đường song khó khăn là trẻ thả trâu chưa có ý thức nên bị phá khá nhiều.

Ông Phử, anh Sà, anh Hòa, anh Tĩnh đều khẳng định rằng ưu điểm của loài cây này là chịu được khí hậu khắc nghiệt, giữ đất tốt, dáng cây đẹp nên tạo cảnh quan đẹp bên cạnh giá trị kinh tế thực tế của nó.

Anh Đỗ Văn Tĩnh - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Đại Sơn (bên trái) trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sa mộc với anh Hoàng A Hoà - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nà Hẩu.

Sa mộc dáng hình tháp, thẳng tắp, lá kim, cây càng to càng cao, cây càng lâu năm càng có giá trị. Chủ tịch Giàng Chẩn Phử cho biết thêm, toàn bộ các gia đình hiện nay của địa phương ở nhà gỗ, duy nhất chỉ có 1 nhà xây. Như vậy ý nghĩa lâu dài và giá trị lâu dài của cây sa mộc không cần nói gì nhiều thêm nữa. Tổng diện tích trồng cây sa mộc tập trung, Nà Hẩu có khoảng 5 đồi, ước độ 5 ha theo tính toán của ông Phử, nhiều nhất là thôn 5 với chừng 8.000 cây và 4 thôn còn lại cũng đều có trồng quanh nhà, trên nương, trên rừng.

Điều đáng tiếc nhất là thời điểm trồng cây sa mộc năm 2016 lại gặp thời tiết không thuận nên cây giống phát triển không được như mong muốn. Thực tế cây sa mộc rất dễ sống nếu khi cây đã bén rễ và không bị gia súc phá bởi việc chăm sóc đơn giản. Kỳ vọng của ông Phử là muốn đưa sa mộc vào trồng bổ sung diện tích đất còn trống có lý do từ sự gắn bó và yêu thích loài cây này của đồng bào Mông địa phương. Dự định của xã vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân tự tìm nguồn giống để trồng vào những diện tích của các gia đình.

Với những giá trị thiết thực mà đồng bào thấy rõ của cây sa mộc từ ngày xưa đến hôm nay ngay trên quê cũ thì cũng không khó khăn để nhân rộng mô hình này. Nâng cao nhận thức để trở thành hành động thiết thực cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái mang ý nghĩa vô cùng quan trọng từ mô hình trồng thử nghiệm cây sa mộc. 

Ngược những cung đường, chúng tôi trở về. Lấp loáng hai bên đường, có cây sa mộc đang bén đất, có dãy ngang tầm người đứng, có rặng đã vút cao. Màu xanh của loài cây ấy chở đầy hy vọng, dáng thẳng như nét vẽ khoáng đạt, bám đất tựa niềm tin sâu bền. Mênh mang Nà Hẩu, sa mộc xanh trong hoài niệm, ở hiện tại, tới tương lai…

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Sâu cây sắn việc trồng và chế biến gỗ là ngành nghề phát triển bền vững ở Vũ Linh.

YBĐT - Trong không khí lao động sản xuất nhộn nhịp những ngày sau tết Nguyên đán, có một sự khác biệt lớn so với dịp này hàng năm là người dân Vũ Linh không còn lên đồi trồng sắn.

Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Nguyễn Cao Nguyên, thôn 8 xã Minh Xuân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

YBĐT - Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động hay đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước ở huyện Lục Yên diễn ra rất sôi động. Không thể phủ nhận hiệu quả của việc đi lao động ngoại tỉnh đã giúp đồng lương ổn định và cao gấp nhiều lần so với thu nhập ở nông thôn. Tuy nhiên, việc lao động đi ồ ạt để lại phía sau hàng loại vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề ruộng đất bị bỏ hoang phí hoặc canh tác không hiệu quả...

Công trường khai hoang ruộng nước tại thôn Sán Trá, xã Bản Công.

YBĐT - Những người dân ở bản Sán Trá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu hẳn sẽ không quên hình ảnh những đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong màu áo tình nguyện hăng say đào đất, đắp bờ san tạo những mảnh ruộng cho bà con dân bản trong những ngày đầu tháng Ba vừa qua.

Điểm bưu điện văn hóa xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) vắng vẻ giờ mở cửa.

YBĐT - Gần 20 năm trước, các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) xuất hiện và trở thành một “thiết chế văn hóa”, là điểm sáng của ngành bưu điện trên toàn quốc. Các xã của tỉnh Yên Bái cũng không phải ngoại lệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục