Những năm trước, gia đình anh Đặng Văn Chẩn, dân tộc Dao, thôn Đồng Tý, xã Phúc An (Yên Bình) nằm trong số những hộ nghèo của địa phương. Cơ hội thoát nghèo được mở ra khi anh Chẩn được vay 80 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Có vốn, anh đầu tư trồng 4 ha rừng kết hợp chế biến gỗ, nguồn thu nhập gia đình dần ổn định, đến năm 2017, gia đình anh đã thoát nghèo; thu nhập năm 2019 đạt trên dưới 200 triệu đồng. Hay hộ anh Giàng A Tủa ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn lại là điển hình tiêu biểu thoát nghèo vươn lên làm giàu ở huyện Mù Cang Chải.
Anh Tủa chia sẻ: "Không có vốn, nhất là không biết đầu tư làm gì để phát triển kinh tế hiệu quả là khó khăn lớn nhất đối với nông dân chúng tôi. Năm 2012, gia đình tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với số vốn tiết kiệm của gia đình khi đó có 50 triệu đồng, dồn tất cả vào mua được 3 con trâu, 5 con bò. Xác định hướng phát triển kinh tế là chăn nuôi kết hợp trồng trọt nên mình phải chịu khó tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật để trâu, bò nuôi ít bệnh.
Sau 5 năm, tổng số trâu, bò của gia đình đã tăng lên 36 con, trung bình mỗi năm bán ra thị trường từ 2-3 con. Sản xuất lương thực mỗi năm 2 vụ lúa, ngô, sản lượng đạt 10 tấn; trồng 0,5 ha mía và các loại hoa màu khác, thu nhập trên 30 triệu đồng; chăn nuôi lợn, gà, vịt trung bình thu nhập 10 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình đạt từ 250 triệu đồng trở lên”.
Kinh nghiệm được anh Tủa chia sẻ để thoát nghèo bền vững, đó là việc nắm vững và áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Từ kinh nghiệm bản thân, mỗi năm anh Tủa giúp từ 2 - 3 gia đình hội viên trong xã cây, con giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, huyện Mù Cang Chải đã có trên 2.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn SXKDG các cấp, trong đó có 1.063 hộ là người dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như hộ ông Hảng A Mang bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình với mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; hộ ông Lờ A Sang, bản Trống Khua - xã Lao Chải phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; hộ ông Giàng A Chú, bản Lao Chải, xã Lao Chải phát triển mô hình trồng sơn tra, thảo quả…, thu nhập 400 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Nông Văn Êm, Lò Văn Sáu, tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải với mô hình làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng cho thu nhập từ trên 100 triệu đồng/năm…
Thực hiện Phong trào Nông dân thi đua SXKDG, giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu những năm gần đây, bằng nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nông dân Yên Bái, đặc biệt là các địa phương vùng cao đã phát huy cao độ tinh thần tự giác, tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo trong sự chung tay hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội để "Không để ai bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Các hộ SXKDG đã vận động, trực tiếp giúp đỡ được trên 20.000 hộ nông dân nghèo với số tiền 46.400 triệu đồng vay không lãi suất và lãi suất thấp; 17.299 triệu đồng tiền cây con giống các loại; hỗ trợ trên 204.000 ngày công lao động xây dựng nhà cửa, cải tạo ruộng vườn và chuồng trại chăn nuôi; tạo việc làm cho gần 10.000 lao động thuộc hộ nghèo.
Thực tế, những tác động tích cực từ các phong trào thi đua yêu nước đã đóng góp quan trọng vào kết quả xóa nghèo ở vùng cao Yên Bái. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 33,3%, bình quân mỗi năm giảm 8,32%, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.
Minh Thúy