Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
Là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, Yên Bái nằm ở vị trí nối tiếp giữa trung du và miền núi, dân số trên 81 vạn người, 30 dân tộc chung sống. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, trong đó có 2 huyện vùng cao nằm trong số 85 huyện nghèo của cả nước.
Để đưa Yên Bái ra khỏi danh sách các tỉnh nghèo, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược: đẩy mạnh cải cách thể chế; tập trung phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.
Trong đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách gắn với cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển, tỉnh đã ban hành 48 chính sách đồng bộ, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực, điểm nghẽn, tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức thực hiện chính sách theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; triển khai xây dựng chính quyền điện tử; sử dụng phần mềm một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã; thành lập, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%.
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó đã đầu tư nâng cấp và hoạt động khá hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư là trường nghề chất lượng cao của cả nước. Cùng với đó, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Đề án số 11-ĐA/TU về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã lựa chọn, đào tạo bài bản 150 cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ kế cận các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong huy động nguồn lực, đã huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước, chủ yếu tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Trong nhiệm kỳ đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; đặc biệt đã hoàn thành 2 cầu và đang thi công 1 cây cầu bắc qua sông Hồng; gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng và thủ đô Hà Nội...
Tích cực thu hút đầu tư
Công tác xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật, tỉnh liên tục đổi mới về nội dung và hình thức để tiếp cận, cung cấp thông tin đầy đủ nhất đến nhà đầu tư, qua đó số lượng nhà đầu tư đến với Yên Bái tăng nhanh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng, như Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC...
Các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho tỉnh và lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất giải quyết nhiều việc làm cho địa phương.
Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng nhanh, hoạt động khá hiệu quả; toàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp (gấp gần 2 lần so với năm 2015), gần 500 hợp tác xã, 4.100 tổ hợp tác và gần 22.000 hộ kinh doanh; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân trên 60% thu cân đối ngân sách của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án đầu tư Công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.980 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.700 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.100 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa, nhựa kỹ thuật cao và các sản phẩm nhựa tổng vốn đầu tư đăng ký 500 tỷ đồng; Dự án Khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung tổng vốn đầu tư đăng ký 1.410 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến các loại trà từ dược liệu và sơ chế dược liệu tổng vốn đầu tư đăng ký 100 tỷ đồng...
Thúc đẩy khởi nghiệp
Với những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư, Yên Bái đã đón được nhiều nhà đầu tư lớn. Khi các doanh nghiệp lớn là đầu tàu nhắm đến Yên Bái thì cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ - là các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp, Yên Bái đã phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Thanh niên Yên Bái giúp nhau phát triển kinh tế, giai đoạn 2014 - 2019”. Đối với cấp tỉnh, cấp huyện thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.
Đối với cấp xã, thành lập các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, câu lạc bộ sẽ là địa chỉ để các bạn đoàn viên thanh niên cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm ăn, giúp nhau về vốn, lao động, vật tư.
Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức 2 diễn đàn "Thanh niên Yên Bái sáng tạo - khởi nghiệp”; 2 cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên Yên Bái”; cấp huyện, đặc biệt tổ chức Đoàn huyện Văn Yên đã tham mưu UBND huyện tổ chức 2 cuộc thi ý tưởng/dự án khởi nghiệp…
Thông qua diễn đàn, cuộc thi khơi dậy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Việc tổ chức cuộc thi đã tạo môi trường tìm kiếm, hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp.
Cùng với các hoạt động truyền thông, Yên Bái còn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên đề về khởi nghiệp cho đối tượng là chủ các mô hình kinh tế trên địa bàn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản lý, hoạch định chiến lược phát triển.
Có thể khẳng định, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự đồng hành của Hội Doanh nhân trẻ, hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên thời gian qua đã diễn ra rất sôi nổi, nhiều diễn đàn, nhiều cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp được tổ chức qua đó nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã được triển khai đã tạo sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ và dám làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương Yên Bái.
Giảm nghèo nhanh và bền vững
Nếu như những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được coi là tiền đề tạo thành công cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ những năm tiếp theo thì Chương trình hành động 144, 190 của Tỉnh ủy chính là "cú huých” quan trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.
Để đạt mục tiêu giảm hộ nghèo, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 131, 170 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chỉ sau 6 tháng thực hiện, toàn tỉnh đã mở 26 lớp tập huấn cho 1.737 cán bộ thôn, bản và cộng đồng dân cư; 4 lớp tập huấn cho 194 cán bộ cấp xã và tổ chức đoàn thăm quan, học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Đồng thời, triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 với trên 2,1 tỷ đồng hỗ trợ của Trung ương.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai các hoạt động tuyên truyền; mở 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 734 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và thôn. Tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội phát triển sản xuất. 4.629 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trên 212 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hộ nghèo còn được hỗ trợ làm nhà ở thông qua chương trình của Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Thủ tướng Chính phủ và Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Cùng với chính sách cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đã mua và cấp 537.379 thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng chính sách.
Đồng thời, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; học sinh bán trú và trường bán trú trên địa bàn với tổng kinh phí trên 271 tỷ đồng; dành 156 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp học.
Thực hiện Chương trình 144 của Tỉnh ủy, các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhận được sự hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, cây, con giống, cơ sở vật chất và tham gia lao động "Ngày thứ Bảy cùng dân” của các sở, ban, ngành, đoàn thể tại các xã được phân công phụ trách với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhờ vậy, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4,93%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016, xuống còn 7,56% năm 2020, hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Với những kết quả, thành tựu đạt được cùng những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh nắm vững thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Tây Bắc.
Quang Thiều