Ông Hờ Dua Cu là người tiên phong trong phát triển kinh tế ở bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha. Gia đình ông đang tập trung phát triển chăn nuôi với 4 con trâu, 35 con lợn và trồng cây sơn tra, thảo quả… mỗi năm cho thu nhập trên 170 triệu đồng.
Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của thôn bản, giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm 2019, được nhân dân bầu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông coi đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương: "Người có uy tín phải là người tiên phong thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, ăn ở hợp vệ sinh, không thả rông gia súc, vận động con cháu đi học đầy đủ, không cho con cháu kết hôn sớm... để người dân thấy và làm theo”.
Bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha hiện có 101 hộ với 627 nhân khẩu. Những năm qua, cuộc sống người dân trong bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là giao thông đi lại. Song giờ đây, bản Háng Chua Xay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Kết quả này, nhờ sự đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng như ông Hờ Dua Cu đã đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, không thả rông gia súc, xây dựng chuồng trại ở nơi xa nhà; tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm xuống còn 48,57%, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm giảm từ 5-7%.
Ông Hờ Dua Cu, ở bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha là người gương mẫu đi đầu trong phát triển chăn nuôi.
Ông Sùng A Trừ ở bản Trống Gầu Bua, xã Hồ Bốn là cán bộ địa chính của xã, nghỉ hưu từ năm 2004. Sau khi trở về địa phương, ông Trừ luôn tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là mở rộng trang trại để chăn nuôi trâu, bò. Hiện gia đình ông có 5 con trâu, bò và trên 100 con gà, vịt. Cùng với đó ông còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản phát triển kinh tế, chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước, vận động con cháu đến lớp, đến trường, không sinh con thứ 3 và không cho con cháu tảo hôn.
"Để bà con tin tưởng và làm theo, trước tiên mình phải là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế và chấp hành thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương. Từ đó, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong bản, gia đình, dòng họ; chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân trong bản xây dựng các mô hình sinh kế cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống” - ông Trừ chia sẻ.
Ông Vừ A Sào - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn cho hay: Hồ Bốn là 1 trong 13 xã khó khăn của huyện Mù Cang Chải, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Người dân ở các thôn bản trên địa bàn xã chưa biết làm kinh tế, chủ yếu tự cung, tự cấp. Xác định những rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương xem đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân cư là cánh tay đắc lực trong việc giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền bà con xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu...; đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo bền vững.
Điển hình trong phát triển kinh tế, các già làng, người có uy tín đã phối hợp cùng với các tổ chức đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động nhân dân không để ruộng hoang hóa, đầu tư thâm canh tăng vụ nên đến nay, hầu hết bà con nhân dân trong xã đều đã tập trung sản xuất lúa, ngô 2 vụ, góp phần nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực. Hay như vụ việc từ năm 2022 - 2023 trên địa bàn xã đã có một số hộ dân do thiếu hiểu biết đã tin theo đạo lạ gây mất ổn định an ninh trật tự ở địa phương. Sau khi được các già làng, người có uy tín trong bản tuyên truyền, giải thích, các hộ dân đã không nghe, không theo đạo lạ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông
Sùng Thành Công - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mù Cang Chải cho biết, toàn huyện hiện có 350 già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; trong đó, có 97 người có uy tín. Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Đội ngũ người có uy tín đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách dân tộc; tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước xã, bản, xây dựng bản, tiểu khu, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; tích cực tham gia tuyên truyền về công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xuất cảnh trái phép, kế hoạch hóa gia đình, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục vận động các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín thường xuyên theo dõi thông tin, tìm hiểu, cập nhật các chủ trương, chính sách mới; tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng tham gia ủng hộ và đóng góp sức người, sức của để tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cùng cấp ủy, chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để cùng tháo gỡ những khó khăn, tồn tại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đức Toàn