Nhiệm vụ trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập tại Văn bản 2560 về việc thực hiện Kết luận 155 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6) gửi các Thứ trưởng và các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ.
Theo đó, bà Phạm Thị Thanh Trà giao Vụ Tổ chức - Biên chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hằng tuần theo dõi và cập nhật thường xuyên về số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, chủ động gửi Bộ Tài chính để thực hiện phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp.
Vụ Tổ chức - Biên chế cần rà soát, đánh giá tác động của chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, người theo các tôn giáo.
"Khẩn trương xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trình Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/5", văn bản nêu rõ.
Vụ Tổ chức - Biên chế cũng được Bộ trưởng Nội vụ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giao Vụ Chính quyền địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 4 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Theo đó, phải bảo đảm văn bản hướng dẫn được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (trước ngày 24/6, ngày Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Vụ Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để thẩm định 1 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, 34 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua làm cơ sở cho các địa phương triển khai việc sắp xếp để bảo đảm đi vào vận hành cấp xã từ ngày 1/7, cấp tỉnh sau ngày 30/8.
Bộ trưởng Nội vụ giao Vụ Công chức - Viên chức chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu ban hành 7 Nghị định và 1 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bảo đảm văn bản hướng dẫn được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.
Trong đó chú ý vấn đề cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt yêu cầu phân cấp, phân quyền và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (trước ngày 24/6, ngày Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức).
Vụ Pháp chế khẩn trương được yêu cầu hoàn thiện dự thảo văn bản: Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Cũng theo yêu cầu của Bộ trưởng Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước kiểm tra, giám sát việc rà soát, kiểm kê, chỉnh lý hoặc tiêu hủy các hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị sẵn sàng bàn giao khi không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (phòng tránh nguy cơ thất lạc, làm mất hoặc tiêu hủy tài liệu, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai, dự án đầu tư...).
Tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáng 9/5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ kết thúc hoạt động của 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước.
Về việc này, Chính phủ giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
(Theo VTC News)