Do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khảo sát độc lập từ năm 2009, chỉ số hiệu quả quản trị kinh doanh và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Đồng thời, đây là công cụ đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền, từ đó hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương. Với những nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở, chỉ số PAPI của tỉnh Yên Bái từng bước được cải thiện theo hướng tích cực.
Đánh giá năm 2018, tỉnh Yên Bái đạt 44,80/80 điểm, xếp trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao trong cả nước. Theo đó, có 2/8 chỉ số nội dung được đánh giá nhóm các tỉnh đạt mức cao nhất; 5/8 chỉ số nội dung được đánh giá nhóm các tỉnh đạt mức trung bình cao; 1/8 chỉ số đánh giá nhóm các tỉnh đạt mức thấp.
Cụ thể, chỉ số đạt mức trung bình cao và cao nhất là: chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở, đạt 5,52/10 điểm, tăng 0,5 điểm so với năm 2017; chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, đạt 5,26/10 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2017.
Chỉ số thủ tục hành chính công, đạt 7,66/10 điểm, tăng 0,36 điểm so với năm 2017; chỉ số hiệu quả cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh, đạt 7,16/10 điểm, tăng 0,48% điểm so với năm 2017; chỉ số hiệu quả quản trị môi trường, đạt 4,51/10 điểm; chỉ số hiệu quả quản trị điện tử, đạt 3,40/10 điểm.
Riêng chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cấp tỉnh đạt 6,26/10 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2017, ở nhóm trung bình thấp.
Từ kết quả trên cho thấy, số lượng trí thức công dân tham gia bầu cử, việc quyết định của người dân tham gia quyết định về các công trình công cộng, các dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, dịch vụ cấp phép xây dựng, dịch vụ hành chính công cấp xã, dịch vụ y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập… của tỉnh đã có chuyển biến theo hướng tích cực, nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua đánh giá, còn 12/28 chỉ số nội dung thành phần của tỉnh gồm: công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; tiếp cận tư pháp của người dân; kiểm soát tham nhũng của chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công; quyết tâm chống tham nhũng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cơ sở hạ tầng căn bản; nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng nước… đang trong nhóm trung bình thấp và nhóm thấp nhất.
Cải thiện chỉ số PAPI là yếu tố nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, góp phần cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là cấp xã.
Để nâng cao chỉ số PAPI, trên cơ sở kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần đưa mục tiêu cải thiện chỉ số này trong chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch hàng năm, gắn với các hoạt động hướng về cơ sở, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng thực hiện phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các sở, ngành thuộc tỉnh cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện dân chủ cơ sở; đẩy mạnh việc giải quyết công việc cho người dân liên quan đến thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công; ngăn chặn xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; việc triển khai đầu tư công, công khai dự toán và quyết toán ngân sách; tiếp tục quản lý tốt đất đai, tài nguyên, khoáng sản, công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất…
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch nội dung khảo sát chỉ số đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nguồn nước. Đối với chính quyền cấp xã, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo và ngân sách xã hàng năm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính qua bộ phận phục vụ hành chính công; giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo không để tồn đọng kéo dài…
Đình Tứ