Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ thực tế địa phương, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh đồng thời ban hành nhiều văn bản quan trọng làm khung pháp lý để triển khai thực hiện.
Năm 2019, việc triển khai xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CQĐT được triển khai qua việc: xây dựng Kiến trúc CQĐT phiên bản 1.0, nghiên cứu triển khai phiên bản 2.0 để phù hợp với khung Kiến trúc CQĐT Việt Nam; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ hành chính công với ngành; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia khác…
Đến nay, tỉnh đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tại 105 điểm (31 điểm là sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố; 71 xã, phường, thị trấn; 3 trung tâm trực thuộc sở, ban, ngành); xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến tại 4 điểm cầu cấp tỉnh và 9 điểm cầu tại UBND các huyện, thị, thành phố. Năm 2019, đã có hơn 30 cuộc họp từ Trung ương tới địa phương được tổ chức qua hệ thống hội nghị trực tuyến, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành và tiết kiệm chi phí.
Phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai Phần mềm Quản lý và điều hành tại 99 cơ quan, đơn vị (31 sở, ban, ngành; 9 huyện thị xã, thành phố; 42 xã, phường, thị trấn; 18 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành).
Đối với các xã, phường, thị trấn và đơn vị sự nghiệp chưa được triển khai thì được cấp 2 tài khoản để thực hiện việc gửi/nhận văn bản điện tử. Tỉnh cấp chứng minh thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho 362 cơ quan, đơn vị và 79 cán bộ, công chức.
Đến ngày 31/12/2019, tỉnh đã cấp 3.319 tài khoản thư điện tử cho cán bộ của 42 sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, thành phố, đạt 100% CBCC cấp tỉnh, do đó tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 100%.
Năm 2019, với 89.165 văn bản được xử lý qua Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đánh giá cho thấy, chất lượng xử lý văn bản qua Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được nâng cao do tất cả các văn bản điện tử đều được theo dõi biết các trạng thái: đã đến, đã tiếp nhận, phân công, đang xử lý, hoàn thành. Việc kết nối, liên thông với Trục Liên thông văn bản quốc gia đã giúp lãnh đạo Văn phòng xử lý kịp thời công việc.
Trong đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh đang cập nhật Hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2019, có tổng số 3.440 nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương được theo dõi, kiểm tra. Qua đôn đốc, có 3.344 nhiệm vụ đã hoàn thành. Bên cạnh đó, một số cuộc họp của tỉnh đã được thực hiện qua phần mềm họp không giấy tờ, từ đó tiết kiệm chi phí hành chính.
Phục vụ người dân doanh nghiệp, các hệ thống thông tin tiếp tục được hoàn thiện với Cổng Thông tin điện tử tỉnh gồm 1 trang giao diện chính và 38 trang thành viên của sở, ban, ngành, địa phương. Phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử một cửa tỉnh được xây dựng đi vào hoạt động ổn định (cập nhật 2.192 thủ tục hành chính (TTHC), có 324 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 132 TTHC mức độ 4). Năm 2019, có 280.967 hồ sơ được giải quyết, tỷ lệ hài lòng đạt trên 90%.
CQĐT là chính quyền ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. |
Những kết quả đạt được trong xây dựng CQĐT là rất đáng khích lệ, tuy nhiên bên cạnh đó cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Thực tế, tỷ lệ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử vẫn còn chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và điều hành tại các đơn vị cấp xã vẫn còn hạn chế. Hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phòng chống virus chủ yếu mới triển khai ở mức đơn lẻ tại các máy trạm. Cơ chế, chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa được cụ thể, chưa đồng bộ, chưa tạo được môi trường thuận lợi để thúc đẩy ứng dụng CNTT. Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin chưa có nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan Nhà nước tại tỉnh...
Đẩy nhanh quá trình xây dựng CQĐT đáp ứng nhu cầu phát triển, trong năm 2020, Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái phiên bản 1.0 (giai đoạn 2019 – 2020); cập nhật Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0. Đồng thời đôn đốc sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CQĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Tiếp tục tổ chức triển khai các dự án trọng điểm tạo nền tảng phát triển CQĐT gắn với xây dựng đô thị thông minh như: xây dựng Trung tâm tổng hợp số liệu điện tử, xây dựng mạng WAN, xây dựng nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu, xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin. Tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện từ tỉnh đến cấp xã; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại các sở, ban, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài chính, y tế, giáo dục và đào tạo… Từ đó, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ngành, đơn vị nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các TTHC công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ và kiến tạo.
Đồng thời, tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan Nhà nước.
Nguyễn Đình