Tỉnh đã thành lập Tổ công tác ở cả 4 cấp (tỉnh, huyện, xã và thôn, tổ, bản) để thống nhất chỉ đạo, thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra.
Với vai trò cơ quan Thường trực Đề án, Công an tỉnh đã chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch... đảm bảo nguồn dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Công tác cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, định danh cá nhân, giải quyết cư trú trên dịch vụ công được thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn hiểu được vai trò, vị trí, ý nghĩa và sự cần thiết của CCCD gắn chíp điện tử, định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, có sự phối hợp, hỗ trợ thực hiện.
Việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công (CDVC) đã được tỉnh Yên Bái chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn và đã chính thức kết nối thành công CDVC của tỉnh từ tháng 5/2022 với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối trên toàn quốc.
Toàn tỉnh đã gửi 33.822 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin của công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và là tỉnh có số lượng yêu cầu xác thực thông tin từ Cơ sở dữ liệu dân cư đứng thứ 2 so với các tỉnh đã kết nối chính thức sau Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, trên CDVC tỉnh đang cung cấp 97 dịch vụ công mức độ 3; 525 dịch vụ công mức độ 4. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công thường xuyên nâng cấp CDVC để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức dễ thao tác sử dụng, cải thiện tốc độ xử lý và kết nối, tích hợp, chia sẻ các hệ thống phần mềm chuyên ngành để thuận tiện cho việc khai thác cơ sở dữ liệu.
Đến nay, CDVC đã kết nối 10/17 hệ thống dữ liệu chuyên ngành; 100% cán bộ, công chức bộ phận một cửa sử dụng chữ ký số cá nhân trên thành phần hồ sơ, hạn chế tối đa việc sử dụng hồ sơ giấy; tự động cập nhật thông tin vào biểu mẫu điện tử; xác thực định danh điện tử... Kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, tỉnh Yên Bái đã triển khai tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ của 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó 8/25 thủ tục thực hiện trên CDVC tỉnh; 13/25 thủ tục thực hiện trên cổng dịch vụ công của các bộ, ngành; 4 thủ tục đang triển khai thực hiện.
Thực hiện nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến nay toàn tỉnh có 191/198 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD và đã có 13.200/25.589 người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế bảo hiểm y tế giấy đi khám chữa bệnh, hệ thống tra cứu kết quả thành công.
Kết quả thực hiện nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, đến nay lực lượng Công an toàn tỉnh đã thu nhận được 686.653 hồ sơ cấp CCCD và đã được Bộ Công an trả 637.759 thẻ CCCD. Tính đến 21/9/2022, Yên Bái là tỉnh xếp thứ 5 trên toàn quốc đạt tỷ lệ cao trong thực hiện chỉ tiêu cấp mới CCCD.
Toàn tỉnh đã thu nhận 119.903 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 thông qua cấp CCCD. Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% cấp xã, cấp thôn gồm 1.529 tổ (173 cấp xã, 1.356 cấp thôn) với hơn 10.500 thành viên. Các Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã và đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn công dân lập tài khoản, sử dụng dịch vụ công; cài đặt, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VneID…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Trung ương chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống CDVC của tỉnh với hệ thống chuyên ngành của một số bộ, ngành khác... nên việc theo dõi, thống kê số liệu giải quyết dịch vụ công còn gặp khó khăn, chưa thống nhất.
Việc đăng ký tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải sử dụng số điện thoại chính chủ trong khi nhiều người dân vẫn sử dụng sim rác nên không thực hiện được. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa còn nhiều khó khăn; tỷ lệ nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên CDVC quốc gia, CDVC của tỉnh còn thấp...
Để thúc đẩy triển khai Đề án 06 một cách đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới, Tổ công tác Đề án 06 các cấp và người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải thực hiện trách nhiệm "nêu gương”, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Đề án 06. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân về Đề án 06 nhằm tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, nhân dân toàn tỉnh để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục duy trì thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống”; thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin công dân mở rộng phục vụ làm giàu dữ liệu…
Đức Toàn