Như chúng ta đã biết, các thế lực thù địch, những kẻ bất mãn chính trị, thoái hóa, biến chất luôn ra sức đăng tải các bài viết sai trái, bịa đặt nhằm bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận sạch trơn công lao to lớn của Đảng và Bác Hồ, hạ thấp vai trò, uy tín và sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng và quần chúng nhân dân…
Đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực sự là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm lớn của mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân yêu nước, đặc biệt là của báo chí và bản thân mỗi người làm báo.
Là binh chủng đặc biệt nhất, xung kích nhất trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, là vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh với mọi kẻ thù; tờ báo Đảng địa phương có tôn chỉ, mục đích hết sức rõ ràng "là Cơ quan của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái”.
Khi quê hương, đất nước, cụ thể hơn là chế độ xã hội, nền tảng tư tưởng của Đảng bị kẻ địch tấn công từ nhiều phía thì báo chí và mỗi người làm báo phải thể hiện rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Phải tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng vững chắc của đời sống xã hội.
Đại hội XIII của Đảng xác định: Báo chí phải đi đầu trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận sự nghiệp đổi mới của Đảng, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Công tác tuyên truyền tập trung vào một số vấn đề lớn như: chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới đất nước với nước ngoài; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; truyền tải kịp thời những phản ánh, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, khích lệ những tấm gương người tốt, việc tốt và phong trào thi đua yêu nước; chống "diễn biến hòa bình”, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần ổn định chính trị của đất nước.
Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, luôn toan tính tạo ra "khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng tận dụng tối đa nền tảng công nghệ thông tin như mạng Internet, các mạng xã hội như Youtube, Facebook. Zalo… để lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân những thông tin bịa đặt, sai trái, suy diễn, quy chụp…
Đáng tiếc rằng, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân tin và nghe theo chúng, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên, những trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu, luật sư, nghệ sĩ… có vị trí xã hội, có tài khoản mạng xã hội thu hút nhiều người theo dõi. Họ không những tin, nghe theo mà còn trả lời phỏng vấn, đăng tải những bài viết, bình luận… hùa theo chúng.
Đối với lĩnh vực báo chí, các thế lực thù địch ra sức kêu gọi phải có một nền báo chí "không biên giới”, tuyệt đối hóa vai trò của báo chí như một "quyền lực thứ tư”, bản chất của chúng chỉ là muốn có một đội ngũ nhà báo vô pháp, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, mà chạy theo xu hướng dân túy, vì lợi ích cá nhân.
Hơn lúc nào hết, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải chú trọng hơn nữa, chăm lo hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng nói chung và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng. Cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải chỉ rõ bộ mặt thật của kẻ xấu lên mặt báo để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ, từ đó cảnh giác, phòng ngừa và hơn nữa là chung sức, đồng lòng với báo chí dũng cảm đấu tranh, phản bác lại những luận điệu và quan điểm sai trái ấy.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay vẫn còn những cơ quan báo chí đi lệch tôn chỉ mục đích, có những nhà báo, phóng viên thoái hóa, biến chất, vì mục đích câu like, câu view, vì mục tiêu vật chất tầm thường mà vi phạm pháp luật, cá biệt còn tiếp tay cho thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích Nhà nước và nhân dân.
Đâu đó đã xuất hiện cái gọi là "Nhà báo tự do”, thực tế thì trong kho tàng lý luận báo chí chẳng có khái niệm nào có tên gọi như vậy. Báo chí dù ở quốc gia nào, chế độ chính trị nào cùng thuộc về một đảng phái nào đó và nhất thiết phải thuộc về một giai cấp nhất định nào đó.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực báo chí, truyền thông đang tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với đó là những giải pháp nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật… cho đội ngũ những người làm báo.
Đã 97 năm từ ngày Báo Thanh Niên ra số đầu tiên với truyền thống quý báu và những tấm gương nhà báo - chiến sĩ cách mạng đã công hiến cho nền độc lập tự do và cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ làm báo hôm nay luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm vẻ vang của mình, xung kích nhất, dũng cảm nhất và giành chiến thắng trong trận chiến với kẻ thù, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Lê Phiên