Tỉnh Yên Bái có trên 30 dân tộc sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 57,29%. Toàn tỉnh có 81 xã, 652 thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2 huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên
90%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao.
Đồng chí Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội Yên Bái cho biết: "Tại thời điểm tách tỉnh tháng 10/1991, Yên Bái về cơ bản vẫn là một tỉnh rất khó khăn, đời sống của người dân, nhất là những người sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tình trạng đói còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã vùng cao.
Chính vì vậy ngay sau khi tái lập, tỉnh Yên Bái luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đã đạt được một số kết quả khá quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân...”.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, trong giai đoạn 1991 - 1995, tỉnh Yên Bái đã dành 130 tỷ đồng cho nông dân vay để phát triển sản xuất, trong đó có 8 tỷ lãi suất ưu đãi dành cho người nghèo; kết thúc giai đoạn này, số hộ nghèo đói giảm từ 30% năm 1993 (năm đầu tiên rà soát hộ đói, nghèo) xuống còn 18% năm 1995.
Giai đoạn từ năm 1996 - 2000, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên, số hộ đói nghèo đã giảm từ 29,82% năm 1996 xuống còn 13,53% vào năm 2000. Giai đoạn 2001 - 2005, tổng huy động vốn trong công tác giảm nghèo của tỉnh đạt trên 600 tỷ đồng để triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo. Trong giai đoạn này, tỷ lệ giảm nghèo giảm từ 19,29% đầu năm 2001 xuống còn 6,95% năm 2005.
Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực giảm nghèo đạt trên 2.800 tỷ đồng, đầu tư cho các lĩnh vực giảm nghèo của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,71% cuối năm 2005 xuống còn 11,53% năm 2010.
Đặc biệt giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo toàn tỉnh trong 5 năm đạt trên 6.813,4 tỷ đồng (trong đó kinh phí đầu tư cho 2 huyện nghèo 30a là 1.871,1 tỷ đồng). Tỷ lệ thoát nghèo của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra, với 32,53% cuối năm 2011 giảm xuống còn 16,02% năm 2015.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực giảm nghèo đã đạt được kể từ ngày tái lập tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã xác định: "Chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, trọng tâm là giảm nghèo đa chiều bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 3,5%, trong đó, các huyện nghèo giảm 6%/năm".
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng tham gia thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo bền vững.
Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 62.500 tỷ đồng, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã lựa chọn, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng đã bố trí trên 250 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đồng thời nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đầu tư, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất thông qua các đề án, tỉnh đã huy động các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động trên 50.000 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.200 công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện lực, thông tin, viễn thông... Vì vậy, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, nhất là người dân thuộc hộ nghèo, người dân tại các địa bàn đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ còn chiếm 0,19% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh...
Thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ vừa qua, các cơ quan, đơn vị được phân công đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí, cây, con giống, máy móc, công cụ sản xuất, tài sản thiết yếu để giúp đỡ cho 5.128 hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo. Đặc biệt, trong năm 2020 và năm 2021 tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở.
Tổng nguồn lực huy động thực hiện Đề án và Kế hoạch đạt trên 127,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 14,55 tỷ đồng) còn lại là huy động nguồn lực xã hội hóa từ vận động đóng góp, ủng hộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và huy động nguồn lực đóng góp của các doanh nghiệp, nhân dân để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.117 căn nhà cho hộ gia đình người có công và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc thực hiện các đề án, kế hoạch nói trên đã góp phần khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt nhận thức của người nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, một bộ phận lớn các hộ nghèo đã mạnh dạn, chủ động đầu tư, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trong 2 năm 2019 và 2020 toàn tỉnh đã có 338 hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, huyện vùng cao Trạm Tấu có 113 hộ viết đơn xin thoát nghèo; huyện Mù Cang Chải có 24 hộ viết đơn xin thoát nghèo.
Cán bộ xã Cường Thịnh (Trấn Yên) và thôn Hiển Dương chia vui với gia đình ông Lê Quang Chung ở thôn Hiển Dương được Đề án hỗ trợ làm nhà ở mới.
Qua 5 năm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn (2016 - 2020) trên địa bàn tỉnh giảm 25,17%, bình quân đạt 5,03%/năm, đạt 125% so với mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giảm bình quân 8,32%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm; tổng nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo giai đoạn này đạt trên 16.890 tỷ đồng, qua đó đã góp phần quan trọng thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo, chênh lệch về mức sống giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản...
Nhìn lại chặng đường 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào về những thành tựa đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong chặng đường qua, nhất là thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Yên Bái tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các hộ nghèo ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện vùng cao, vùng thấp trong tỉnh về nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách an sinh - xã hội... với mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Minh Hằng