Quy định về khiếu nại, tố cáo trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2016 | 10:18:30 AM
YBĐT - Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015 đã quy định nhiều nội dung về KNTC và giải quyết KNTC trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Cụ thể, trong lập danh sách cử tri, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri khi cho rằng có sai sót. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Điều 33- Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015).
Trong ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (Điều 61- Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015) quy định: công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, KNTC, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc KNTC, kiến nghị được thực hiện khi: KNTC, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, việc lập danh sách những người ứng cử ĐBQH được gửi đến Ban bầu cử ĐBQH, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trường hợp người KNTC, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của ban bầu cử, Ủy ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng; KNTC, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới Ban Bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó.
Trường hợp người KNTC, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban Bầu cử là quyết định, cuối cùng; Ban Bầu cử, Ủy ban Bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết KNTC, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi KNTC, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những KNTC đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia (đối với bầu cử ĐBQH) hoặc Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết. Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, huyện, xã chuyển toàn bộ hồ sơ về KNTC chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử ĐBQH) hoặc Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Về kết quả bầu cử, công dân có quyền KNTC về kiểm phiếu, tại Điều 75- Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, quy định: những KNTC tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
Trong trường hợp tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ Bầu cử vào biên bản giải quyết KNTC và chuyển đến Ban bầu cử. Giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử, tại Điều 87- Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, quy định: khiếu nại về kết quả bầu cử ĐBQH phải được gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia chậm nhất 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử ĐBQH.
Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND phải được gửi đến Ủy ban Bầu cử chậm nhất 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND. Hội đồng Bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử ĐBQH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử là quyết định cuối cùng. Về bầu cử bổ sung ĐBQH, đại biểu HĐND, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, quy định việc KNTC, kiến nghị về bầu cử bổ sung và việc giải quyết KNTC, kiến nghị cũng được áp dụng theo những quy định tương ứng trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015.
Như vậy, để hạn chế KNTC trong bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đòi hỏi những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cần tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân, cử tri những quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Đồng thời, phải thực sự dân chủ, thận trọng, công tâm, khách quan trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử, như: việc lựa chọn, giới thiệu những ứng cử viên; việc lập danh sách cử tri; việc bỏ phiếu, kiểm phiếu...
Làm tốt những việc này, sẽ là những đóng góp tích cực cho thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trần Thị Thúy Hải (Ban Nội chính Tỉnh ủy)
Các tin khác
YBĐT - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ((MTTQ) thị xã Nghĩa Lộ vừa tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 2 bầu cử đại biểu HĐND thị xã nhiệm kỳ 2016 - 2021.
YBĐT - Chiều 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Yên Bình đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
YBĐT - Với sự chuẩn bị chu đáo, tin tưởng rằng kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 ở thành phố Yên Bái sẽ diễn ra thành công, lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho tiếng nói của nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Danh sách 197 người của khối các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV được Hội nghị Hiệp thương lần 2 thông qua.