Niềm mong đợi của người chiến sỹ trinh sát
- Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 9:18:35 AM
YBĐT - Dù đã được nghỉ hưu, sum vầy cùng cháu con, hình ảnh người chiến sĩ trinh sát “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, hết lòng vì đồng đội thân yêu vẫn luôn thắp lên trong ông - Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ niềm hy vọng được gặp lại các chiến sĩ thương binh điểm cao 828 Bắc Kon Tum năm nào.
Hiệp định Pa-ri ký kết được một thời gian thì tháng 8/1973, Nguyễn Văn Kỳ nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Anh được điều về làm lính trinh sát thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 Tây Nguyên. Ở giai đoạn địch và ta trong tình thế xen kẽ, nhiệm vụ của lính trinh sát luôn được quán triệt: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, bám nắm địch từ địa hình, địa vật, cách bố trí hỏa lực đến số lượng quân di biến động hàng ngày để báo cáo kịp thời với cấp trên. Anh còn nhớ như in cái ngày cùng đồng đội đi trinh sát điểm cao 828. Đó là nơi đóng quân tiểu đoàn bộ một tiểu đoàn lính ngụy, chỉ cách điểm cao 1207 của Trung đoàn 66 ở phía Bắc thành phố Kon Tum chừng 5 - 6 km, theo đường chim bay. Từ chốt tiền tiêu của tiểu đoàn - điểm cao 942, do Đại đội 5 chốt giữ, trinh sát được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người thâm nhập vào chốt địch để tìm hướng tấn công.
Nhóm trinh sát hướng chính của Nguyễn Văn Kỳ luồn sát trận địa tiểu đoàn địch. Kỳ đã đếm đủ các hàng rào kẽm gai, các lớp chiến hào và vị trí các điểm hỏa lực của chúng. Đang lúi húi bò luồn vào sâu hơn, Kỳ bỗng nghe có tiếng ù ù mỗi lúc một đông hơn. Anh vội ngẩng lên: một bầy ong đất đang hùng hổ tỏa ra sục sạo ngay trên đầu mình. Bằng kinh nghiệm của người sống ở rừng, Kỳ nằm im để lũ ong quay về tổ rồi mới nhẹ nhàng bò lùi dần. Hú vía! May không bị vết đốt nào. Cái giống ong bầu đất, chỉ cần vài con đốt thì sẽ thành thương binh ngay. Kỳ cố nhớ vị trí tổ ong để báo cáo nhóm trưởng. Nhóm trinh sát hướng chính gặp nhau chưa kịp tỏ vui mừng bỗng: “U…ùng”! Một tiếng nổ dội lên từ phía nhóm trinh sát hướng phụ. “Dính Claymo rồi!” - nhóm trưởng nói như rên rồi nhanh chóng ra lệnh: “Đội hình chiến đấu, tiến lên!”
Không có động tĩnh gì thêm sau tiếng mìn định hướng địch nổ, khi nhóm của Kỳ đến nơi đã thấy ba chiến sĩ trinh sát hướng phụ: một hy sinh ngay tại chỗ, một bị bị mìn xuyên thấu ngực, máu vẫn trào ra theo nhịp thở; chiến sĩ còn lại bị tướp từ đầu gối xuống hai bàn chân. Cả nhóm xúm vào băng bó cho các chiến sĩ bị thương. Chỉ có ba người, nhóm trưởng giao nhiệm vụ cho anh đưa hai thương binh về chốt, anh và chiến sĩ trinh sát còn lại đi nắm tình hình xem ta có bị lộ, địch có biến động gì để phục vụ cho trận đánh nhổ chốt sắp diễn ra.
Anh tranh thủ kiểm tra lại tình trạng vết thương của hai chiến sĩ. Hậu - chiến sĩ bị bi mìn xuyên ngực tuy máu vẫn rỉ ra băng nhưng vẫn có thể tự đi được, Kỳ phân công Hậu nhiệm vụ đi trước dẫn đường. Tuyền - chiến sĩ bị mìn làm tướp đôi chân sẽ do Kỳ cõng. Kỳ và Hậu vẫn phải đem theo súng, mỗi người hai băng đạn và hai quả lựu đạn đề phòng gặp địch. Những vũ khí còn lại cùng tử sĩ, Kỳ đem đi giấu. Xong xuôi mọi việc, Anh nhanh chóng xốc cõng Tuyền, quàng súng, đeo lựu đạn cùng Hậu mang theo ba lô, tăng, võng, lương khô trở về điểm cao 942.
Không như Nam Tây Nguyên, núi ở Kon Tum có sườn rất dốc. Nhiều chỗ dốc cao, chỉ cần trượt chân là người đã lăn vài chục mét xuống vực. Đi một mình đã phải lựa bước, phải bám vào mỏm đá, cành cây mới giữ được thăng bằng. Giờ cõng thương binh trên lưng, Tuyền tuy chỉ nặng chừng 45 kg, mà mỗi bước vẫn làm cho Kỳ như muốn rời rã cả tay chân. Đường đi phải cắt rừng, tuột xuống rồi lại leo ngược dốc. Có lúc mải đi, xuôi xuống chừng vài trăm mét rồi mới giật mình nhận ra lạc đường, thế là hì hục cõng nhau ngược lên, người cõng, người được cõng đều nằm vật, thở dốc bên vạt rừng.
Anh đã chứng kiến mưa ở Tây Nguyên bao giờ chưa? Thật đúng là mưa nát đất, rách rừng. Lúc đi trinh sát, qua suối chỉ là khe nhỏ liu riu nước chảy, vậy mà lúc về nước đã dâng tràn bờ, nước đỏ ngầu, sùng sục như muốn cuốn phăng những gì chúng gặp. Cõng thương binh đi trong rừng mưa Tây Nguyên là thử thách mà bất kỳ ai cũng không muốn thử, trừ tình yêu đồng đội và nhiệm vụ cấp trên giao cho mình.
Để giữ Tuyền không bị ngã, xuống dốc, Kỳ phải xoay ôm Tuyền lên bụng rồi chạng hai chân vừa trườn vừa làm phanh hãm trượt. Khi lên dốc, anh lại phải cõng Tuyền vắt vẻo, cắt đường xiên giảm độ cao. Gặp dòng suối lũ, để thương binh an toàn, Kỳ đặt Tuyền trên bờ, một mình lội suối thăm dò mực nước. Vừa nhích chân, đất nhão đã kéo anh tuột xuống. May mà anh đã quen với việc đi rừng, lội suối từ lúc còn ở nhà.
Quan sát thấy hai bên bờ đều có những bụi cây le, Kỳ liền leo lên vặn đổ mỗi bụi một vài cây cho Hậu có chỗ bám lội trước sang bờ bên kia làm nhiệm vụ cảnh giới. Đặt Tuyền lên bụng, Kỳ dặn Tuyền phải ôm chặt lấy cổ mình để khi xuống suối, không bị nước cuốn trôi. Anh nhích nhẹ đôi chân, hai tay túm cây le nhằm cản lực kéo xuôi dốc bởi trọng lượng của cả hai người. Vậy mà khi xuống gần lòng suối, đất nhão vẫn lôi cả hai cùng rơi tùm xuống nước. Cũng may, Tuyền vẫn không rời tay khỏi cổ Kỳ, hai người chới với mất một lúc rồi Kỳ lại túm được ngọn cây le phía bờ đối diện, anh xoay Tuyền trở lại bám lưng mình để cõng Tuyền lên. Gặp cây gỗ to đổ ngáng đường, bình thường, Kỳ chỉ cần co chân là có thể nhảy phốc qua.
Sau một ngày trinh sát, khi cõng, lúc ẵm ôm Tuyền, cơ thể Kỳ như rão ra. Anh phải xoay người đặt Tuyền ngồi lên cây gỗ rồi mới gập mình bò trườn qua. Trời đổ tối nhanh như có người lấy áo choàng đen che ánh mặt trời. Mưa. Rét. Đói. Mệt. Kỳ giục Hậu rẽ vào khe nước nhỏ nhiều cây che khuất làm chỗ nghỉ qua đêm. Hai người mắc võng, căng tăng chụm vào nhau, lại bẻ lá cây dọn chỗ cho Tuyền nằm. Kẹp khẩu AK vào sát một bên võng, Kỳ mở túi lấy lương khô bẻ chia cho mọi người. Đói mệt là vậy nhưng miếng lương khô cứ tắc nghẹn trong cổ, Kỳ phải rút bình toong nhấp từng ngụm nước nuốt cho xuôi. Nghe tiếng nước óc ách, Tuyền vùng lên giành bình toong nước từ tay Kỳ rồi ghì chặt vào miệng, ừng ực uống.
Kỳ vội giằng lại chiếc bình toong, gắt lên: “Uống ít thôi. Muốn cho máu trong người chảy hết hay sao mà uống khiếp thế?". Anh vội cất bình ra khỏi tầm với của Tuyền. Dù thấm mệt nhưng giấc ngủ chỉ chập chờn đến với Kỳ, phần vì người ngấm mưa, không phải leo trèo nên giờ mới thấm lạnh. Anh lần túi lấy ra điếu “Điện Biên” - quà Bác Giáp đơn vị chia cho mỗi chiến sĩ vẫn bọc kĩ trong nilon cất trong túi ngực. Kỳ khum tay, dí sát điếu thuốc xuống mặt đất để châm lửa hút. Đó là những hơi thuốc đến giờ vẫn ngon nhất trong cuộc đời anh. Khói thuốc len sâu vào tận từng phế nang, vào tận tâm can làm ấm rực cả người. Nhưng rồi chỉ được vài hơi, Kỳ lại nhanh tay bóp tắt đốm lửa, gói mẩu thuốc còn lại vào nilon. Anh đã từng phát hiện ra tốp thám báo địch vì ánh lửa và mùi thuốc rất riêng chúng hút. Biết đâu, mùi thuốc Điện Biên thơm lừng lại chẳng dẫn bọn chúng tới đây…
“Ối! Đau quá”. Tiếng Tuyền hét làm Kỳ bật dậy. “Cái gì thế, Tuyền”? Anh hỏi. “Có con gì đang cắn vào chân, buốt lắm”. Ý nghĩ thoáng qua trong óc Kỳ: lỡ chẳng may rắn độc thì thật khó bảo toàn được thương binh. Anh vội quờ tay xuống chỗ chân Tuyền. Thì ra là do lũ kiến màu vàng đỏ, bộ đội thường gọi là “kiến cực nhanh”, có nọc độc và hai cái răng khá to chuyên săn côn trùng và các động vật nhỏ. Chắc mùi máu từ vết thương của Tuyền hấp dẫn chúng. Kỳ phải đổi chỗ cho Tuyền lên võng nằm tránh lũ kiến, nhưng rồi đôi chân bị thương gác lên cao lại gây tụ máu làm Tuyền thêm nhức nhối. Vậy là lại phải chuyển chỗ nằm, thay việc ngủ bằng luôn tay xua đuổi lũ kiến đi.
Trong đêm thức canh kiến cho đồng đội, Kỳ được biết Tuyền quê ở Hòa An, Cao Bằng, có vợ là giáo viên. Tuyền hẹn, nếu sau này còn sống nhất định sẽ tìm gặp Kỳ “vì anh là người đã cứu, sinh ra Tuyền lần thứ hai”. Kỳ chỉ mong đưa cả hai về hậu cứ, còn sống trở về. Hậu quê Vĩnh Phú vết thương đã bớt chảy máu, nói chắc như đinh đóng cột: “Còn sống, nhất định tôi sẽ tìm gặp anh”…
Cõng, ôm, leo, trượt…, người cõng, người được cõng, người tự đi đều khô két những máu, bùn đất trên áo quần. Máu từ vết thương của người bị thương, máu do vắt rừng cắn cứ ri rỉ chảy mãi mới chịu liền miệng.
Cuối cùng họ cũng đưa nhau về được trận địa tiền duyên trên chốt 942. Đẩy được Tuyền qua bờ đất xuống chiến hào, Kỳ cũng ngã lăn theo, ngất lịm. Thương binh nhanh chóng được chuyển về tuyến sau. Kỳ ngất hẳn một ngày đêm, không nói cũng không cử động được chân tay, đơn vị chốt phải chăm sóc đặc biệt anh mới dần tỉnh lại. Kỳ báo vị trí giấu liệt sĩ để đơn vị tổ chức vào lấy xác ra mai táng. Chốt 828 của địch bị Trung đoàn 66 tiêu diệt, ta bắt được cả tên tiểu đoàn trưởng ngụy.
Nguyễn Văn Kỳ tiếp tục làm nhiệm vụ chiến sĩ trinh sát trận đánh tiêu diệt chi khu Đức Lập mở màn cho chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột và một loạt các trận đánh khác cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Năm 1976, anh được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân I rồi được giữ ở lại Trường đến năm 1990 thì chuyển về Trung đoàn 254, Quân khu II với quân hàm Thiếu tá.
Năm1991, anh được giao quyền Trưởng ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1992, anh là Hiệu trưởng Trường Quân sự Ấp Bắc với cấp hàm Trung tá. Năm 1996, được điều làm Tham mưu phó và năm sau là Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Yên Bái với cấp hàm Thượng tá. Năm 2006, Đại tá Nguyễn Văn Kỳ được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Yên Bái. Năm 2012, ông đã là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu II, với hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bây giờ dù đã được nghỉ hưu, sum vầy cùng cháu con, hình ảnh người chiến sĩ trinh sát “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, hết lòng vì đồng đội thân yêu vẫn luôn thắp lên trong ông niềm hy vọng được gặp lại các chiến sĩ thương binh điểm cao 828 Bắc Kon Tum năm nào.
Dương Soái
Các tin khác
YBĐT - Nhắc đến Đại Lịch là nhắc đến vùng đất anh hùng với biết bao câu chuyện cảm động về một thời đạn lửa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày chiến đấu anh dũng ấy luôn vẹn nguyên trong tâm trí ông Hà Văn Tích ở thôn 14 Thanh Bồng, xã Đại Lịch (Văn Chấn).
YBĐT - Ban CHQS huyện Văn Chấn tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, trọng tâm xây dựng xã, thị trấn vững mạnh, an toàn làm chủ, xây dựng thế trận lòng dân là then chốt...
YBĐT - Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, Đội du kích Khau Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của địch. Người Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ - Lý Nủ Chu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội du kích Khau Phạ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
YBĐT - Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, quân nhân Sùng A Lu ở tổ 7, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải còn là ông chủ của lò ấp trứng vịt lộn có công suất trên 1 vạn quả để phát triển kinh tế gia đình.