Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019)

Quên mình vì Tổ quốc

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2019 | 1:51:20 PM

YênBái - Những bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với bộ đội và đồng bào các dân tộc, lực lượng thanh niên xung phong đã có nhiều đóng góp mồ hôi, công sức vào thắng lợi chung của đất nước.

Các cựu TNXP bên Tượng đài Thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La).
Các cựu TNXP bên Tượng đài Thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 65 năm qua, những ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện trọng đại này không hề phai mờ trong đời sống chính trị của nhân dân ta.

Những bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với bộ đội và đồng bào các dân tộc, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có nhiều đóng góp mồ hôi, công sức vào thắng lợi chung của đất nước.

Ngày 15/7/1950, Bác Hồ chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức Đội TNXP công tác để "giúp việc làm đường, để làm lực lượng căn bản". Lúc đầu, Đội chỉ có 225 cán bộ, đội viên. Đến các chiến dịch Trung du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Tây Bắc Thượng Lào (1951-1952), Đội được phát triển thêm với 2.750 cán bộ, đội viên. 

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", hàng vạn thanh niên đã tình nguyện gia nhập TNXP. Có thể nói, chưa bao giờ lại có phong trào tòng quân sôi nổi và vượt mức như vậy. Ngày tiễn anh em lên đường vui như ngày hội. Cho đến khi khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP Trung ương có khoảng 15.000 cán bộ, chiến sỹ. 

Trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện liên lạc đi lại hết sức khó khăn, các đội và đại đội ở phân tán trên tuyến đường dài mấy trăm ki-lô-mét, xa sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy Đoàn, đội, lực lượng TNXP luôn phát huy tinh thần chủ động, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, với hội đồng cung cấp mặt trận, địa phương nơi đóng quân nắm chủ trương của Đảng và cấp trên, đoàn kết giúp đỡ nhau, bảo đảm đời sống, bảo đảm tốt mối quan hệ với địa phương, từ đó hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy TNXP chỉ là một lực lượng nhỏ nhưng lại là lớp người trẻ tuổi, hăng hái, lại được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, tình nguyện phục vụ đến khi kháng chiến thành công nên được giao nhiệm vụ ở các trọng điểm của chiến dịch. Với quyết tâm TNXP còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững, TNXP không chỉ làm đường, phục vụ chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo mà trong chiến dịch còn chuyển sang bộ đội 8.000 quân, trực tiếp cầm súng chiến đấu, góp phần vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: "Trong Chiến dịch, nếu không có TNXP thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. TNXP đã thật sự đem tinh thần xung phong của TNXP trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, Tôi luôn coi TNXP như bộ đội".     

Yên Bái là cửa ngõ miền Tây Bắc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc. Với mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuối năm 1952, Đảng, Chính phủ giao cho tỉnh Yên Bái mở tuyến đường từ Hiên - Tuyên Quang qua Ba Khe nối với đường 41 Sơn La và bảo đảm giao thông từ bến phà Âu Lâu đến đèo Lũng Lô. 

Với nhiệm vụ đó, UBND tỉnh Yên Bái đã cho thành lập đơn vị TNXP C236 gồm 200 cán bộ, chiến sỹ, được tổ chức thành 3 trung đội. Tất cả đội viên TNXP luôn xác định trách nhiệm khắc phục khó khăn, gian khổ, không quản ngại hy sinh để bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống, cho bộ đội hành quân, xe pháo dân công vận chuyển lương thực qua đèo được an toàn, nhanh chóng.

Lực lượng TNXP có nhiệm vụ lập đài quan sát có tầm nhìn rộng ở chân đèo phía Sơn La, quan sát máy bay địch ném bom. Mỗi trận bom phải báo cáo kết quả về ban chỉ huy để xử lý, một bộ phận theo dõi và xử lý bom nổ chậm. 



Gặp mặt cựu TNXP phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với đặc điểm đèo Lũng Lô là đường gấp khúc, trọng điểm quan trọng máy bay địch thường xuyên bắn phá, bom không trúng đoạn trên thì trúng đoạn dưới, không trúng mặt đường thì trúng ta luy, gây sạt lở đất đá, ách tắc giao thông. 

Trong quá trình tham gia phục vụ chiến đấu ở đèo Lũng Lô, đơn vị TNXP C236 đã có nhiều hành động dũng cảm và chiến công xuất sắc. 

Vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bao vây chặt và trước sức mạnh tấn công của quân đội ta, giặc Pháp tăng cường đánh phá ác liệt vào đường giao thông. Đèo Lũng Lô là trọng điểm đánh phá của chúng, ngày nào chúng cũng ném bom cả ngày lẫn đêm với nhiều loại bom khác nhau.

Mặt đường ngày nào cũng có hố bom khoét sâu tới 4 m, rộng từ 10-12 m. Có ngày, chỉ một đoạn đường dài 500 m có đến hàng chục hố bom sâu, bom nổ chậm trên mặt đường, chỉ sau 2-3 giờ đồng hồ là TNXP phải đào bới, dùng thuốc nổ kích nổ để vô hiệu hóa bom nổ chậm, san lấp hố bom để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. 

Nhiều tấm gương dũng cảm sẵn sàng bất chấp hiểm nguy như: đội viên Nguyễn Văn Cát dùng thuốn sắt chui theo hố bom để xác định vị trí và khoảng cách của quả bom để các đội viên đào bới đến vị trí; đội viên Trần Văn Tiền dùng dây treo người trên ta luy để xả đất đá, nổ mìn trên ta luy cao, bom nổ chậm ở phía trên chấn động gây sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá, cả người rơi xuống mặt đường bị vùi lấp đã được đồng đội kịp thời cứu sống. Sau chiến tranh, đơn vị C236 còn 4 đồng chí TNXP hy sinh tại đèo Lũng Lô và Ma Lù Thàng (Lai Châu) chưa được công nhận liệt sỹ. 

Ngày 7/5/1954, giặc Pháp thất thủ hoàn toàn ở Điện Biên Phủ, cả vùng Tây Bắc rộng lớn được giải phóng. Tuy nhiên, những ngày đó, giặc Pháp vẫn tiếp tục ném bom bắn phá đường giao thông, đặc biệt là đèo Lũng Lô hòng ngăn chặn bộ đội và dân công chiến thắng trở về. 

Nhiệm vụ bảo đảm giao thông lúc này lại càng khó khăn gấp bội. Bộ đội hành quân trở về, xe pháo các loại vận chuyển ra đi cả ngày lẫn đêm, dân công và TNXP vận chuyển vũ khí, cáng thương, dẫn giải tù binh. Vì vậy, anh chị em phải làm cả ngày lẫn đêm, với tinh thần tự nguyện không sợ hy sinh, gian khổ. Hơn 700 ngày đêm chiến đấu vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ đã đoàn kết một lòng và lập công xuất sắc.

Chủ trương thành lập lực lượng TNXP để phục vụ kháng chiến đến thành công và kiến thiết đất nước, đào tạo cán bộ của Bác Hồ là một sáng tạo độc đáo, có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Đất nước ta nói chung và Điện Biên nói riêng đã có một bộ mặt khang trang như ngày nay là công sức của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự cống hiến to lớn của lực lượng TNXP. 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tổ chức Hội Cựu TNXP được ra đời, cán bộ, đội viên Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, đồng thuận, phát huy truyền thống, phẩm chất của chiến sỹ TNXP năm xưa, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, phát huy vai trò nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết tồn đọng chính sách cho cựu TNXP, phối hợp với Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh ngày càng vững mạnh.

Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh 

Tags Điện Biên Phủ Yên Bái TNXP

Các tin khác
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng.

Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, vượt lên trên sự nguy hiểm đến tính mạng, sự thiếu thốn về vật chất, dù sức vóc nhỏ bé, phụ nữ Việt Nam luôn có mặt và góp phần quan trọng vào các thắng lợi của nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đã 65 năm trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả thế giới. Những ngày này, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), những cảm xúc tự hào về một dân tộc anh hùng lại trào dâng trong lòng mỗi người dân Yên Bái.

Bộ sách gồm 7 cuốn.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), sáng nay (7/5), Nhà xuất bản TT&TT đã chính thức ra mắt bộ sách “65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng chói lọi”.

Tối 6/5, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn huyện Lục Yên tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019) và 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục