Vẹn nguyên ký ức ngày chiến thắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2020 | 8:10:27 AM

YênBái - Cảm xúc ngày chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của người cựu chiến binh tuổi 80 Lò Văn Sùm ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu

Ông Lò Văn Sùm ôn lại kỷ niệm những ngày kháng chiến chống Mỹ với lãnh đạo và hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hát Lừu.
Ông Lò Văn Sùm ôn lại kỷ niệm những ngày kháng chiến chống Mỹ với lãnh đạo và hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hát Lừu.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành mốc son vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 45 năm đã qua, kể từ ngày 30/4 năm ấy nhưng cảm xúc ngày chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam nói chung và ông Lò Văn Sùm ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu nói riêng.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Sùm vào một ngày cuối tháng 4, nắng vàng trải dài trên con đường bê tông thênh thang. Nhà ông Sùm khang trang, rộng rãi lại nằm ngay bên đường vào bản Hát 2 nên chẳng khó tìm chút nào. 

Trong ngôi nhà được bố trí khá ngăn nắp ấy, những tấm bằng khen, giấy khen được ông "trưng bày” thật cẩn thận như để nhớ về một thời "hoa lửa” trong quá trình phục vụ quân đội. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Sùm vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. Ông vẫn nhớ như in quãng thời gian gần 30 năm quân ngũ. 

Trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1968, ông được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trạm Tấu. Ông Sùm còn nhớ, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, bấy giờ, đất nước đang bị chia cắt, đời sống nhân dân nói chung và bộ đội nói riêng gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Một số đồng đội, đồng chí trăn trở muốn xin ra quân vì phụ cấp quá thấp, ông đã động viên mọi người khắc phục, một lòng tin theo Đảng, vững tay súng bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. 

Ông nhớ lại: "Trong lúc đồng bào và cán bộ, chiến sĩ thiếu đói, cơm ăn hàng ngày phải độn thêm sắn, khoai, học Bác, tôi đã tiên phong bớt một phần gạo của mình ủng hộ gia đình quân nhân. Thấy vậy, đồng đội trong đơn vị cùng làm theo”. 

Thời điểm bấy giờ, cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất. Cả nước đâu đâu cũng dấy lên khẩu hiệu: "Tất cả chi viện cho miền Nam ruột thịt”, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... 

Hòa vào với khí thế sục sôi đó, ông đã tích cực tham mưu cho huyện mọi mặt về công tác quân sự đặc biệt là công tác giáo dục chính trị trong đơn vị; quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh chiến đấu đến toàn thể chiến sĩ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao và bản thân ông cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu nếu được điều động. 

Ông Sùm tâm sự: "Khi ấy, tôi làm công tác Đảng, công tác chính trị nên luôn chủ động bám sát nhiệm vụ của cấp trên để tuyên truyền cho chiến sĩ, dân quân du kích. Nhất là trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, tôi luôn giáo dục đồng đội phải nêu cao tinh thần, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu chống lại sự bắn phá của máy bay địch. Cụ thể, năm 1967, khi giặc Mỹ bắn phá bản Lừu, xã Hát Lừu, các đơn vị phòng không của huyện Trạm Tấu đã nổ súng kịp thời, phá tan âm mưu phá hoại của địch”. 

Trong thời chiến, việc tuyển quân gặp nhiều khó khăn, bởi đồng bào luôn nghĩ "đi mà không có về”, ông đã cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện trực tiếp đến gia đình động viên, làm công tác tư tưởng cho tân binh và gia đình. Tinh thần chiến đấu, quyết tâm lên đường bảo vệ Tổ quốc được khơi dậy, nhiều đồng chí tự nguyện viết đơn nhập ngũ. 

Nhờ vậy, thời điểm đó, Trạm Tấu vẫn hoàn thành được chỉ tiêu giao quân. 45 năm qua đi, ông vẫn nhớ đầy đủ họ tên của 5 đồng chí đã tham gia mặt trận phía Nam. "Cả 5 chàng trai trẻ năm ấy ra đi đều không trở về. Họ đã mãi mãi được Tổ quốc ghi công” - ông Sùm nghẹn ngào.

Và ông nhớ rất rõ: "Vào 16 giờ chiều, ngày 29/4/1975, khi đó, tôi đang tập huấn tại Tỉnh đội thì được đồng chí Thiếu tướng Vũ Lập - Tư lệnh Quân khu thông báo: "Mình sắp giải phóng rồi”. Nghe đến đây, tôi xúc động lắm! Một cảm giác rất lạ, lớp học chúng tôi có 50 người đứng dậy ôm nhau vừa cười vừa khóc. Khóc vì mừng cho đất nước giải phóng và khóc vì nhớ đến những đồng đội một đi không trở lại. Với tôi, đó là thời khắc không thể nào quên, không thể nào diễn tả được”.  

45 năm qua kể từ ngày miền Nam giải phóng, song với ông Sùm, khí thế đó vẫn như ngày hôm qua! Những ký ức vẹn nguyên ấy sẽ là giây phút, là kỷ niệm thiêng liêng nhất trong cuộc đời người lính của ông. Hơn tất cả, để ôn lại tinh thần đấu tranh dựng nước và giữ nước kiên cường của dân tộc Việt Nam, hàng năm, vào những ngày tháng Tư lịch sử, ông Sùm luôn được các trường học trên địa bàn xã Hát Lừu mời đến nói chuyện truyền thống. 

"Đây vừa là trách nhiệm vừa là niềm tự hào để tôi hun đúc thêm ngọn lửa cách mạng trong lòng thế hệ trẻ hôm nay và làm cho chiến thắng 30/4 trở thành bản anh hùng ca bất hủ trong lòng mỗi người con đất Việt nói chung và người dân Hát Lừu nói riêng” - ông Sùm chia sẻ trong cái bắt tay thật chặt của người lính.

Ngọc Sơn

Tags Ông Lò Văn Sùm xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu vẹn nguyên ký ức

Các tin khác
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự

Cách đây tròn 45 năm, vào đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam về phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

90 tranh cổ động kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020)

Được phát động từ tháng 10 năm 2019, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020) đã nhận được 215 tác phẩm của các họa sỹ tham gia dự thi.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Phi đội Quyết thắng trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau cuộc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975.

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài vạn ngày, gia đình nào cũng có người ra trận. Nhiều gia đình cùng có nhiều người tham gia, có gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục