Có nhiều con đường dẫn đến Hiền Lương. Từ thành phố Yên Bái theo đại lộ Âu Cơ - đường phố hoành tráng và đẹp vào loại bậc nhất của vùng miền núi phía Bắc - đến cầu Văn Phú, qua sông Hồng xuôi theo quốc lộ 32C, xe máy chạy chừng hơn 20 phút là đến Hiền Lương.
Cũng có thể bắt đầu từ điểm giao IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo con đường mới mở rộng thênh thang đến Vân Hội - nơi có hồ nước rộng mênh mông có 99 ngách suối huyền bí, có đầm Long Ẩn (rồng ẩn) đang khởi đầu dự án khu nghỉ dưỡng và giải trí tầm quốc gia, đi tiếp một đoạn đường nữa là đến đất Hiền Lương. Tôi đã chọn đường đi này, tuy có xa hơn đôi chút so với đi quốc lộ 32C nhưng lại được thấy Đồng Thiều, Đồng Yếng, Gò Cọ nơi trú quân, luyện tập của Đội du kích Âu Cơ những ngày đầu mới thành lập còn phải giữ bí mật quân sự.
Hiền Lương, thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đơn vị hành chính cấp xã gồm 3 làng: làng Hiền Lương, làng Nang Sa và làng Tiểu Phạm. Nơi đây có những cánh đồng rộng lớn, có núi, có đồi, có đầm, có hồ, có dòng sông Thao chảy phía sau lưng, có đường đi muôn ngả. Nơi đây có đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ nổi tiếng, có đình Hiền Lương, đình Nang Sa và có chùa Linh Phúc ngự trên một đỉnh đồi tuyệt đẹp. Nhân dân vùng này có Trường Động Lâm để học, có nền dân trí khá và có bề dày của truyền thống yêu nước.
Có thể vì địa hình, địa thế, địa lợi, nhân hòa mà ngay từ năm 1940 khi thế giới có những diễn biến mới, Nhật xâm chiếm toàn cõi Đông Dương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Thị Minh Châu - Ủy viên Ban Cán sự Đảng liên khu D và là vợ của đồng chí Đào Duy Kỳ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ lên Cát Trù huyện Cẩm Khê để vận động cách mạng, do quen biết chị con gái của Đề Kiều.
Từ Cát Trù chị lên Hiền Lương ở nhà cụ trùm Hạng (Nguyễn Văn Hưởng) do móc nối quen biết với chị Hạng con gái cả của cụ, để vận động thanh niên quanh vùng tham gia tổ chức thanh niên phản đế. Thời gian không lâu, chị Trần Thị Minh Châu đã thành lập được tổ chức "thanh niên phản đế” gồm có chị Nguyễn Thị Hạng, anh Nguyễn Bội Vũ - em trai chị Hạng, anh Đào Đình Bảng (xã Linh Thông, Yên Bái), anh Phạm Minh Đức… phần lớn là người quanh vùng là học sinh của Trường Tiểu học Động Lâm. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, chị Trinh (bí danh của chị Trần Thị Minh Châu) đưa một số về Phú Thọ để huấn luyện như: Đào Đình Bảng, Nguyễn Bội Vũ, Phạm Minh Đức. Những thanh niên này khi trở về đã trở thành nòng cốt của phong trào "thanh niên phản đế”.
Nhiều thanh niên ở các vùng xung quanh Hiền Lương nô nức tham gia. Tổ chức "thanh niên phản đế” hoạt động rất mạnh. Họ tuyên truyền công khai, rải truyền đơn khắp chợ Hiền Lương, chợ Vân Hội và những nơi đông người, kêu gọi mọi người đứng lên chống Pháp; yêu cầu hào lý trong vùng không được đàn áp, ngăn cấm thanh niên hoạt động và kêu gọi họ sớm giác ngộ tham gia phong trào cách mạng.
Trước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng, Xứ ủy Bắc Kỳ nhiều lần cử đồng chí Hoàng Quốc Việt lên nắm tình hình. Năm 1944, Xứ ủy quyết định lập vùng căn cứ cách mạng bao gồm Hiền Lương - Vần và cử các đồng chí Ngô Minh Loan, Bình Phương (Nguyễn Đức Vũ) lên lãnh đạo. Nhiệm vụ của khu căn cứ cách mạng trước mắt là nơi cho những cán bộ dưới xuôi bị lộ lên trú chân một thời gian và chuẩn bị tiếp đón cán bộ cách mạng ở nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ vượt ngục trở về để bổ sung nguồn cán bộ cho cách mạng. Thứ hai là xây dựng nơi đây thành căn cứ du kích để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Để có tổ chức Đảng lãnh đạo vùng căn cứ cách mạng, Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý cho thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở đây và chuẩn bị thành lập lực lượng vũ trang, đón thời cơ. Ngày 6/5/1945, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Hiền Lương gồm 3 người: đồng chí Ngô Minh Loan và hai đảng viên dự bị là Đặng Bá Lâu và Lê Huy Ấm, đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư. Sau đó, chi bộ được bổ sung các đồng chí Nguyễn Minh Đăng, Mai Văn Ty ở thị xã Yên Bái và Đào Đình Bảng, Phạm Minh Đức tham gia sinh hoạt. Sau khi chi bộ Đảng vùng căn cứ địa cách mạng thành lập là các chi bộ Đảng ở Đoan Thượng, thị xã Yên Bái được thành lập.
Tổ chức Đảng ra đời, phong trào cách mạng nhanh chóng phát triển khắp nơi trong vùng. Lực lượng chính trị lớn mạnh, lãnh đạo căn cứ gấp rút chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang gồm những thanh niên trẻ khỏe, có giác ngộ và có nhiệt huyết. Ngày 14/5/1945, Đội du kích mang tên Âu Cơ chính thức ra mắt tại chùa Hiền Lương trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân từ Hiền Lương, Nang Sa, Tiểu Phạm đến Vần, Vân Hội, Linh Thông, Động Lâm, Lâm Lợi.
Buổi đầu ra mắt, Đội du kích có 33 đội viên, trong số đó có cả lý trưởng, phó lý được giác ngộ cách mạng, Đội du kích do đồng chí Ngô Minh Loan làm chính trị viên, đồng chí Bình Phương phụ trách quân sự. Đây là tiền thân của lực lượng vũ trang Yên Bái.
Sau những ngày kéo quân vào tập luyện ở Đồng Thiều, Đồng Yếng (tại Vân Hội). Qua trận tập dượt hành quân vào phá kho thóc của địch ở Vân Hội chia cho dân nghèo, uy tín của đội du kích lên cao, khiến kẻ địch hoảng sợ, tìm cách để ngăn chặn. Ngày 19/6/1945, hơn 50 lính bảo an do tri phủ Trấn Yên dẫn đầu từ thị xã Yên Bái tiến vào chiến khu Vần. Chúng ngủ đêm tại nhà ông chánh Khánh và các nhà xung quanh.
Được tin mật báo, ngay đêm hôm đó, một lực lượng của Đội du kích Âu Cơ bí mật tiến vào Vần bao vây quân địch. Sáng sớm tinh mơ ngày 20/6, quân ta nổ súng uy hiếp, buộc chúng phải đầu hàng chấp nhận yêu sách của quân ta là trao toàn bộ vũ khí cho quân cách mạng, không được khủng bố, đàn áp lực lượng cách mạng và phải thả hết tù chính trị đang bị giam giữ.
Chiến thắng trong trận tập kích ở Vần vào quân lính bảo an, thanh thế của Đội du kích Âu Cơ càng lên cao. Quân Nhật ở thị xã Yên Bái tức giận đưa một toán quân do quan Nhật chỉ huy tiến vào Mỵ và từ Mỵ ra Vân Hội để đàn áp quân cách mạng. Đúng như ta dự đoán, chiều 22/6/1945, quân Nhật ra đến chợ Vân Hội. Chúng bắt 3 chiếc đò chợ chở chúng ra Hiền Lương.
Toàn bộ ba chiếc thuyền chở quân Nhật đã lọt vào ổ phục kích của Đội du kích Âu Cơ ở ngã 3 gò cây vải. Quân ta nổ súng bắn chìm thuyền tiêu diệt 4 tên Nhật trong đó có một tên quan tư. Đúng ngày phiên chợ chúng ngăn tất cả người đi chợ về qua đây xuống mò, vớt xác những tên đã chết. Chúng đưa những xác chết về sân Trường Động Lâm để thiêu rồi thu gom tro cốt ngược tàu hỏa về thị xã Yên Bái.
Chiến công liên tiếp, vang dội của Đội du kích Âu Cơ làm nức lòng nhân dân vùng chiến khu và làm cho quân địch sợ hãi. Hệ thống chính quyền cũ ở địa phương vẫn còn hoạt động nhưng chỉ là hình thức. Nhiều hào lý đã đi theo cách mạng, nhiều người tham gia vào Đội du kích Âu Cơ và đã trở thành chỉ huy xuất sắc như các ông: Lý Viên ở Tiểu Phạm, Lý Huê ở Linh Thông, Trương Ngọc Lạc, Trương Ngọc Hồng con trai chánh tổng Trương Ngọc Sen.
Trong điều kiện, gần như ta làm chủ hoàn toàn vùng chiến khu rộng lớn và các xã vùng xung quanh, ngày 30/6/1945, Ban lãnh đạo chiến khu đã tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng của Đội du kích Âu Cơ, tại đình Hiền Lương với sự có mặt của đại diện Đội du kích Âu Cơ, các đồng chí đảng viên của chi bộ Đảng chiến khu, đông đảo quần chúng nhân dân, các thân hào, thân sĩ từ Vần, Vân Hội, Linh Thông, Đức Quân đến Quân Khê, Động Lâm, Lâm Lợi.
Tại cuộc mít tinh lớn, đồng chí Ngô Minh Loan công bố chính thức Quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên. Ban cán sự gồm 4 đồng chí: Ngô Minh Loan - Bí thư Ban cán sự; Bình Phương (tức Nguyễn Đức Vũ) - Ủy viên, phụ trách quân sự; Lê Quang Ấn - Ủy viên, phụ trách phong trào ở Phú Thọ; Trần Quang Bình - Ủy viên.
Sau này, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã Quyết định lấy ngày 30/6/1945 là ngày ra đời của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Những đảng viên người Yên Bái sinh hoạt Đảng tại chi bộ của chiến khu tại Hiền Lương như Đào Đình Bảng, Nguyễn Minh Đăng, Phạm Văn Đức, Mai Văn Ty… là những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Yên Bái.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng nhận định tình hình và ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Ban cán sự Đảng và Chi bộ Đảng Hiền Lương giao nhiệm vụ cho các đồng chí đảng viên người thị xã Yên Bái nhanh chóng xây dựng cơ sở để đưa đón cán bộ và vũ khí từ chiến khu chuyển ra, chuẩn bị điều kiện để cướp chính quyền.
Các đồng chí Nguyễn Minh Đăng, Mai Văn Ty ở thị xã bồi dưỡng và kết nạp anh Nguyễn Trí Dũng vào Đảng; ngày 7/5/1945, Chi bộ đảng cộng sản Đông Dương thị xã Yên Bái được thành lập. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Chi bộ thị xã ra đời gánh vác nhiệm vụ đẩy nhanh cuộc vận động cách mạng, phát triển đảng viên, lãnh đạo phong trào đấu tranh, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền.
Đình Hiền Lương nhân chứng lịch sử ra đời của Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên và được Đảng bộ Yên Bái quyết định lấy ngày 30/6/1945 là ngày ra đời của Đảng bộ. Đình Hiền Lương tọa lạc trên một khu gò thấp gần giữa cánh đồng rộng và đẹp của Hiền Lương.
Phía trước, đền nhìn vào ngọn núi Giác như một án thư; phía Bắc chừng vài ba trăm mét là đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ. Xa hơn một chút là ngọn núi Nả cao sừng sững khá nổi tiếng (sông Thao núi Nả, sông Cả núi Ba Vì); phía Tây Bắc là chùa Linh Phúc tọa lạc trên một đỉnh đồi rất đẹp. Phía sau là dòng sông Thao. Đình Hiền Lương là nơi thờ tự Đức ông Cao Sơn Đột Ngột, thánh vương nước Nam Việt đời Hùng Vương thứ 18 và hai người con của Đức ông là Quý Minh và Bảo Quốc. Triều đình Hậu Lê ban sắc phong Đột Ngột Cao Sơn là "Thượng thượng đẳng Thần”. Hai ngài Quý Minh và Quốc Bảo được sắc phong "Thượng đẳng thần” văn, võ như thánh thần, hùng trấn uy linh, che chở dân lành, bảo vệ đất nước, ban ấn bố trạch rộng khắp mọi nơi”.
Đình Hiền Lương trong những ngày đầu của cách mạng cũng đã từng là nơi hội họp của tổ chức "Thanh niên phản đế” do đồng chí Trần Thị Minh Châu chỉ đạo. Một điều không may của tổ chức "Thanh niên phản đế” đã xảy ra ở đây. Đó là vào một đêm trăng của tháng 4/1941, Đội "Thanh niên phản đế” đã chọn nơi đây làm địa điểm hội họp với dự tính: đình ở giữa cánh đồng hễ kẻ địch có cho bọn tay sai rình mò là phát hiện được ngay, khi thấy động là từng tốp tản ra như trai gái đi chơi.
Quả nhiên sự việc đã xảy ra như dự tính, Đội đang họp thì có động, mọi người tản ra các ngả đường còn đồng chí Trần Thị Minh Châu và Đào Đình Bảng thì ẩn vào hậu cung nhờ thánh thần phù trợ. Tất cả mọi người thoát nạn, nhưng những ngày sau đó bọn mật thám đã lùng sục, khủng bố. Bảy hội viên của tổ chức Thanh niên phản đế đã bị bắt, trong đó có 4 người bị đưa về biệt giam ở nhà tù Phú Thọ là: Nguyễn Bội Vũ, Đào Đình Bảng, Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Thị Hạnh.
Một góc trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, làm vườn không, nhà trống để kẻ địch không còn nơi trú ẩn, đình Hiền Lương bị đập phá chỉ còn để lại một khoảng chân tường. Nay đình Hiền Lương được Nhà nước đầu tư khôi phục, xây dựng lại y như kiến trúc ngày xưa. Cánh đồng Hiền Lương nay trở thành cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu bốn mùa, là nơi thưởng ngoạn, chụp hình của khách bốn phương trong cả nước mỗi khi về dâng hương lên đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ.
Những nhân chứng cuối cùng về những năm tháng hào hùng của chiến khu Vần - Hiền Lương như ông Nguyễn Bội Vũ, ông Lê Đức Viện, Nguyễn Văn Giá tôi đã gặp gỡ và trò chuyện là những người rất cao tuổi và cũng đã lần lượt qua đời cách đây không lâu. Ở Hiền Lương còn lại duy nhất có Đền Mẫu Âu Cơ, nơi có anh em du kích đã vào đây thắp hương xin tiền nhân cho lực lượng vũ trang cách mạng được mang tên Người; chùa Linh Phúc nơi Đội du kích Âu Cơ ra mắt nhân dân; đình Hiền Lương, nơi tổ chức mừng chiến công lẫy lừng của Đội du kích Âu Cơ - nơi Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức công bố Quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư và cũng chính là Ngày thành lập Đảng bộ Yên Bái, với sự có mặt của những đảng viên đầu tiên như: Đào Đình Bảng, Nguyễn Minh Đăng, Mai Văn Ty.
Ngày 30/6/1945 ở đình Hiền Lương đã đi vào lịch sử. 75 năm là khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng không hề ngắn với sự ra đời của một Đảng bộ. Thời gian ấy, đủ để khẳng định Đảng bộ Yên Bái là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu để Yên Bái giành được những thắng lợi hết sức có ý nghĩa trong những giai đoạn lịch sử của cách mạng.
Sau 45 ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đầy mưu lược của Ban cán sự Đảng và của chi bộ Đảng thị xã Yên Bái, quân giải phóng từ vùng chiến khu vượt sông Hồng cùng lực lượng vũ trang và nhân dân thị xã Yên Bái cướp thời cơ khi quân Nhật đang hoang mang đã nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân đêm 17/8/1945.
Ngày 19/8/1945, tại dinh tri phủ Trấn Yên quân Nhật đã ký biên bản lệnh đầu hàng Việt Minh vô điều kiện. Không thể nào quên sau hơn 80 năm nô lệ, dưới ách thống trị của Pháp và Nhật ngày 22/8/1945 tại vườn hoa Nhà Kèn hàng ngàn người mít tinh mừng chiến thắng độc lập và chứng kiến Ủy ban Cách mạng lâm thời do đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch, ra mắt nhân dân trong niềm vui khôn xiết.
Chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập chưa được bao lâu, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Đức - Ý - Nhật đầu hàng, quân đồng minh đưa 20 vạn quân Tưởng vào miền Bắc giải giáp quân đội Nhật. Lợi dụng tình thế đó, bọn Việt quốc (Quốc dân Đảng phản động lưu vong ở Vân Nam) theo chân quân Tưởng vào Yên Bái chiếm lại thị xã.
Đồng chí Nguyễn Phúc lúc bấy giờ là Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng bị chúng bắt và sát hại. Đó là những ngày tháng bi hùng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và ý chí dũng cảm, kiên cường của chính quyền cách mạng non trẻ, chúng ta tổ chức phản công, tháng 8 năm ấy, thị xã Yên Bái được giải phóng.
Quân Pháp thay thế quân Tưởng, quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân Yên Bái cùng cả nước lại bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
Thực dân Pháp đưa quân lên Nghĩa Lộ, Yên Bái xây dựng phòng tuyến chiến lược sông Thao, chúng lập nhiều căn cứ quân sự trên đất Yên Bái, Nghĩa Lộ. Từ đó, Yên Bái trở thành một vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ của Tây Bắc. Quân và dân Yên Bái phục vụ quân chủ lực mở các chiến dịch lớn nhằm san bằng toàn bộ các cứ điểm của địch mở toang cửa ngõ vào vùng Tây Bắc.
Năm 1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân và dân Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề là mở tuyến đường từ Tuyên Quang qua đèo Lũng Lô sang Sơn La. Tỉnh Yên Bái đã đóng góp gần 2 triệu ngày công, mở đường dưới làn bom đạn ác liệt chưa từng có của quân địch. Quân và dân Yên Bái đã góp phần đáng kể vào chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, lập lại hòa bình ở miền Bắc nước ta.
Sau thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ lại nhảy vào miền Nam, xâm lược đất nước ta. Chúng dựng lên chính quyền bù nhìn hòng chia cắt lâu dài nước ta. Quân và dân miền Bắc cùng với chiến sĩ và đồng bào miền Nam bước vào cuộc chiến đấu mới để giải phóng đất nước.
Trong cuộc chiến đấu ấy, Yên Bái đã tiễn đưa 25.000 thanh niên nhập ngũ, thành lập 4 tiểu đoàn quân mang tên Yên Bái và tỉnh miền nam kết nghĩa Ninh Thuận, vào Nam chiến đấu, chi viện sức người, sức của cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Trong hòa bình xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân dân Yên Bái dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng bộ, chính quyền các cấp đã làm một cuộc cách mạng mãi mãi đi vào lịch sử xây dựng đất nước là vận động trên 8.910 hộ thuộc 54 xã với 53.500 người rời khỏi làng bản, ruộng vườn nơi chôn nhau, cắt rốn của mình cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta.
Gò cọ Đồng Yếng (xã Vân Hội, huyện Trấn Yên) - nơi Đội du kích Âu Cơ chọn làm nơi huấn luyện quân sự trước khi tiến về các địa phương tham gia tổng khởi nghĩa.
Thất bại liên tiếp ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của giặc Mỹ đối với miền Bắc hòng đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá, thị xã Yên Bái, Nghĩa Lộ và nhiều trọng điểm đã trở thành mục tiêu của không quân Mỹ. Thị xã Yên Bái trở thành một đống gạch vỡ, hoang tàn.
Trong cuộc chiến ác liệt ấy, Yên Bái đã trở thành người chiến thắng. 116 máy bay hiện đại của Mỹ đã phải đền tội trên bầu trời Yên Bái, trong đó có cả pháo đài bay B.52 của Mỹ. Đó là chiến thắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc với chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do”. "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp khác có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Yên Bái từ một tỉnh miền núi, kém phát triển đã trở thành một tỉnh phát triển khá trong các tỉnh trung du và miền núi. Thế và lực có tầm cỡ mới, chưa bao giờ đời sống cả vật chất lẫn tinh thần được nâng cao như hiện nay, diện mạo Yên Bái từ nông thôn vùng sâu, vùng xa đến thành thị đã có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn mới đang hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cầu, đường, các công trình được xây dựng với quy mô và tốc độ nhanh chưa từng có, mọi nguồn lực từ nội lực đến nguồn lực bên ngoài và quốc tế được huy động ngày càng lớn, công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có được những kết quả mới, tất cả đang góp phần làm nên những đổi thay sâu sắc, tương đối toàn diện trong năm qua.
Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và phát triển đang thực sự trở thành một trong những nhân tố hàng đầu để đưa Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển toàn diện bền vững. Từ ngày đầu thành lập Đảng bộ Yên Bái chỉ có vài ba đảng viên, sau 75 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Đảng bộ có trên 55.000 đảng viên; từ một chi bộ đầu tiên ở thị xã Yên Bái với 3 đảng viên, ngày nay, cả tỉnh có trên 3.100 chi bộ trực thuộc các đảng bộ.
Và Yên Bái từ một tỉnh mà hầu hết các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa không có đảng viên và chi bộ đảng, năm 2009, Yên Bái đã xóa được tình trạng thôn bản không có đảng viên. Chỉ một năm sau thôi, tất cả các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã có chi bộ đảng - một mốc son tươi của quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ Yên Bái.
Trong vòng hơn 10 năm trở lại, bình quân mỗi năm, có trên 1.500 thanh niên đã tự nguyện, thiết tha xin vào Đảng nhằm bổ sung và tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đang ra sức phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức lối sống, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức và những biểu hiện của "tự suy thoái” "tự diễn biến”, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển toàn diện và bền vững.
Từ nơi chính thức ra đời của Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên và cũng là nơi ra đời của Đảng bộ Yên Bái cách đây 75 năm, tôi trở về thành phố trên con đường thảm nhựa thênh thang chạy dọc triền sông. Dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa, thao thiết chảy xuôi cùng dòng chảy của lịch sử Đảng bộ, lòng dâng trào niềm vui và xúc động. Yên Bái của ta có bao giờ đẹp thế này chăng?
Bội Đông